Châu Âu đánh giá kịch bản không khí đốt Nga cho mùa đông tới

09:25 | 25/03/2022

893 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Là một phần của việc soạn thảo các kế hoạch dự phòng để đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên, Liên minh châu Âu (EU) hiện đang đánh giá tất cả các kịch bản, bao gồm khả năng ngừng cung cấp khí đốt của Nga cho EU vào mùa đông tới, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết.
Châu Âu đánh giá kịch bản không khí đốt Nga cho mùa đông tới

EU đang đánh giá lại các kịch bản về việc gián đoạn một phần hay toàn bộ việc vận chuyển khí đốt từ Nga vào mùa đông tới để "giúp các quốc gia thành viên sửa đổi kế hoạch cung cấp khí đốt của họ", ông Dombrovskis ngày 24/3 cho biết tại Nghị viện châu Âu.

Trong phiên họp của Nghị viện, ông Dombrovskis đã vạch ra kế hoạch của Ủy ban Châu Âu là cắt giảm 2/3 nhu cầu khí đốt của Nga trước cuối năm 2022 và hoàn toàn vào năm 2030, nhằm xây dựng kế hoạch bổ sung lượng khí dự trữ cho mùa đông và đảm bảo cung cấp năng lượng giá cả phải chăng, an toàn và bền vững.

Dombrovskis nói: "Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tương lai năng lượng của chính mình và điều đó có nghĩa là chúng ta không thể để bất kỳ nước thứ ba nào làm mất ổn định thị trường cũng như ảnh hưởng đến các lựa chọn năng lượng của chúng ta".

Ủy ban đang làm việc với tốc độ tối đa để loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch của Nga, theo kế hoạch được công bố vào đầu tháng này sau khi Nga tấn công Ukraine, quan chức EC cho hay.

Không giống như Mỹ, châu Âu hiện không thể thiếu khí đốt của Nga, vì vậy các đối tác tại Lục địa già đã miễn cưỡng áp đặt các lệnh trừng phạt hoặc áp đặt lệnh cấm vận nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.

Tuần trước, nhà tư vấn năng lượng Wood Mackenzie nói rằng, nếu dòng khí đốt của Nga đến châu Âu bị gián đoạn, châu Âu sẽ có đủ khí đốt để tồn tại đến hết mùa đông năm nay và mùa hè năm sau mà không làm giảm nhu cầu.

Theo WoodMac, mức dự trữ khí đốt của châu Âu có thể sẽ nằm trong phạm vi 5 năm vào cuối mùa đông năm nay, nhờ thời tiết ôn hòa, lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến nhiều hơn và nhập khẩu ổn định từ Na Uy.

Bình An