Cảnh báo nạn lừa đảo lao động “việc nhẹ lương cao” tại Lào

13:55 | 29/06/2023

77 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cảnh báo người dân nên cảnh giác trước những lời mời, lời dụ dỗ sang Lào làm "việc nhẹ lương cao".
Cảnh báo nạn lừa đảo lao động “việc nhẹ lương cao” tại Lào
Công an tỉnh Bokeo (Lào) bàn giao các trường hợp bị lừa đảo cho Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho biết thời gian gần đây, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào nhận được rất nhiều đơn cầu cứu, đề nghị giúp đỡ của công dân Việt Nam bị dụ dỗ sang làm việc tại Lào, tập trung tại Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng, thuộc tỉnh Bokeo (Bắc Lào).

Theo nôi dung đơn trình báo của những nạn nhân, thông qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) hoặc thông qua bạn bè, người quen, họ được hứa hẹn đưa sang Lào làm những công việc nhẹ nhàng, điều kiện làm việc thuận lợi và thu nhập cao, kể cả việc hỗ trợ chi phí đi lại, chi phí môi giới việc làm… Tuy nhiên, sau khi đến nơi làm việc, họ bị buộc ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động bằng ngôn ngữ mà họ không hiểu (thực chất là những hợp đồng ghi nợ), bị buộc tham gia vào những hoạt động lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo, mại dâm hoặc các hoạt động giải trí nhạy cảm khác…

Người lao động thường bị quản chế trong các khu vực biệt lập, bị thu giữ giấy tờ đi lại, giấy tờ tuỳ thân, không được ra ngoài và hạn chế giao tiếp; bị ép làm việc 12-16 giờ/ngày, bị quỵt lương, đánh đập, bỏ đói, phạt tiền hoặc bị bán cho chủ sử dụng lao động khác nếu không hoàn thành chỉ tiêu. Những người chống đối hoặc có ý định bỏ trốn bị giam cầm biệt lập, bị đánh đập, bị đe doạ tính mạng hoặc bị đòi tiền chuộc rất cao.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, đây là hình thức tinh vi mới của tội phạm mua bán người và cưỡng bức lao động. Nạn nhân của tội phạm này thường bị bóc lột đến kiệt quệ và rất khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, nhiều trường hợp còn bị nguy hiểm đến tính mạng.

Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cảnh báo người dân nên cảnh giác trước những lời mời, lời dụ dỗ sang Lào làm "việc nhẹ lương cao". Người có nhu cầu ra nước ngoài làm việc cần thông qua các kênh chính thức, các công ty được cấp phép có uy tín trong việc đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc.

Trước khi quyết định ra nước ngoài làm việc, cần trang bị cho mình kiến thức cơ bản về văn hoá, xã hội, luật pháp nơi đến làm việc và những kỹ năng phù hợp với công việc sẽ làm… để tránh gặp rủi ro khi làm việc ở nước ngoài.

Hơn 46.000 lao động Việt Nam đang làm việc “chui” ở nước ngoài

Hơn 46.000 lao động Việt Nam đang làm việc “chui” ở nước ngoài

Tình trạng người lao động bỏ trốn, phá hợp đồng ra ngoài làm việc, đánh bạc, trộm cắp… gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

P.V