Cẩn trọng với thuốc “xách tay” phòng, chữa Covid-19

06:55 | 12/10/2021

287 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, gần đây, thị trường thuốc trực tuyến xuất hiện nhiều mặt hàng “xách tay” từ Ấn Độ, Nga, Trung Quốc… được quảng cáo có khả năng dự phòng và điều trị Covid-19. Theo khuyến cáo, người dân không nên tự ý mua các loại thuốc chưa được cấp phép, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Bộ Y tế bác bỏ thông tin dùng giun đất chữa được Covid-19Bộ Y tế bác bỏ thông tin dùng giun đất chữa được Covid-19
7 loại thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại nhà7 loại thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại nhà
Tránh rước họa khi tự chữa trị Covid-19Tránh rước họa khi tự chữa trị Covid-19

Mua thuốc qua Facebook

Tháng 9/2021, một trang Facebook cá nhân ghi địa chỉ ở TP HCM giới thiệu sản phẩm thuốc Arbidol "giúp điều hòa hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng tốt, chống lại virus tối đa". Theo lời quảng cáo, thuốc này dùng được cho cả gia đình, trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Trong đó sau khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân bị cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính khác thì trong từ 10-14 ngày, trẻ em (từ 6-12 tuổi) uống 1 viên/ngày, trẻ em trên 12 tuổi và người lớn uống 2 viên/ngày.

Khi đang điều trị cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính khác, liệu trình này rút ngắn xuống 5 ngày, trong đó trẻ em trên 12 tuổi và người lớn có thể dùng 8 viên/4 lần, mỗi lần cách nhau 6 giờ. "Dùng không hết có thể để dành uống phòng ngừa cúm hàng năm, thuốc hiệu quả và không gây tác dụng phụ" - người bán quảng cáo.

Cẩn trọng với thuốc “xách tay” phòng, chữa Covid-19
Các loại thuốc được giới thiệu là "dự phòng và điều trị Covid-19".

Không chỉ thuốc dự phòng, thuốc điều trị Covid-19 cũng được bán trên mạng xã hội với mức giá đắt đỏ. Một người bán hàng ở Ba Đình (Hà Nội) cho biết riêng loại thuốc Areplivir (màu xanh đậm) "đang rất hot" dùng để đặc trị cho F0 nặng bán "xả rẻ" chỉ 1,7 triệu đồng/hộp 40 viên.

Người này cũng giới thiệu loại thuốc Arbidol dự phòng Covid-19 màu xanh bán với giá 200.000 đồng/hộp (nếu mua sỉ) và loại màu đỏ giá 300.000 đồng/hộp.

Ngoài ra, nhiều trang mạng xã hội còn quảng cáo thuốc “Liên Hoa Thanh Ôn” là “một phần liệu pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung Quốc” với tác dụng ức chế sự phát triển của vi rút, giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Trong tháng 9/2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đã thu giữ gần 10.000 hộp thuốc “Liên Hoa Thanh Ôn” nhập lậu tại TP HCM.

Tiền mất, tật mang

Tình trạng phòng ngừa và chữa Covid-19 theo "lời mách" trên mạng xã hội ngày càng gia tăng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng “hành động dựa trên thông tin sai lệch có thể trả giá bằng cả tính mạng”. WHO cho biết trong 3 tháng đầu năm 2020, khi đại dịch bắt đầu lan rộng ra khắp thế giới, gần 6.000 người trên toàn cầu đã phải nhập viện, trong khi ít nhất 800 người có thể đã chết do thông tin sai lệch liên quan đến Covid-19.

Về vấn nạn tự mua thuốc điều trị Covid-19 trên mạng theo lời đồn, hiện các quốc gia đang tăng cường các chiến dịch tuyên truyền để người dân hiểu rõ về các nguy cơ có thể gặp nếu tự ý mua vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 từ các nguồn bên ngoài hệ thống y tế, như mua trên mạng.

Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng ngành y tế cũng đưa ra khuyến cáo người dân khi mắc Covid-19. Điều trị Covid-19 không đơn thuần là dùng thuốc. Không nên nhầm lẫn giữa mục đích là cần có thuốc hay mục đích là điều trị bệnh. Vì thuốc chỉ là một phần trong quá trình điều trị bệnh. Người bệnh phải trải qua nhiều giai đoạn bệnh với các triệu chứng khác nhau và thuốc sử dụng cho bệnh nhân có nhiều loại, tùy theo triệu chứng bệnh và giai đoạn bệnh. Các thuốc điều trị dự phòng, cần có sự kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau, phối hợp như thế nào để an toàn và hiệu quả cũng là một vấn đề.

Trên thực tế thì không thể có một loại thuốc điều trị Covid-19 cho tất cả mọi người. Biện pháp điều trị (dùng thuốc chỉ là một trong nhiều biện pháp điều trị) cần được cá thể hóa cho từng trường hợp. Nếu một loại thuốc nào đó được quảng cáo là trị Covid-19 thì nên đặt câu hỏi là thuốc điều trị triệu chứng gì, đối tượng nào thì dùng được. Ngay cả khi điều trị tại nhà thì khi sử dụng thuốc để điều trị không thể là việc uống cầu may được và nên có sự hướng dẫn của người có chuyên môn. Như có nhiều trường hợp F0 nhẹ không triệu chứng thì chỉ cần nghỉ ngơi tại nhà, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng bệnh sẽ tự khỏi, chưa cần dùng tới thuốc.

Hiện nay, có 3 thuốc kháng virus được đưa vào phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bao gồm: Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng; Favipiravir dùng cho trường hợp không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, trung bình và Molnupiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ. Đây là 3 loại thuốc được công bố trong Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 6/10/2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 được cập nhật lần thứ 7.

Theo BS Trần Tuấn Dũng, khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, người dân không nên săn lùng uống các loại thuốc này vô tội vạ, dẫn đến tiền mất tật mang. Mỗi người có một cơ địa, bệnh lý mức độ khác nhau, do đó cần có sự chỉ định về liều lượng của bác sĩ. Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) hoặc ca bệnh nhẹ ở người có bệnh mạn tính hay người cao tuổi cần được điều trị ở buồng bệnh hồi sức tích cực. Ca bệnh nặng, nguy kịch (suy hô hấp nặng, ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) cần được hồi sức tích cực. Covid-19 không chỉ điều trị bằng thuốc là khỏi. Một số ca nặng cần can thiệp như lọc máu, đặt nội khí quản, thở máy, trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO)… Điều trị không chỉ là dùng thuốc mà cần phải nghỉ ngơi, vệ sinh mũi họng, uống đủ nước, dinh dưỡng, vận động hợp lý, tinh thần lạc quan.

Quan trọng hơn cả việc chữa bệnh là phòng bệnh, cần tuân thủ về việc đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, tiêm vắc xin đầy đủ. Nếu chúng ta không mắc bệnh thì không cần dùng tới thuốc điều trị. Việc tiêm vắc xin sẽ giúp chúng ta ít trở nặng khi mắc Covid-19, hạn chế việc dùng thuốc và các can thiệp khác.

Gia Minh