Cản trở xe ưu tiên bị phạt như thế nào?

06:50 | 22/02/2014

1,789 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luật Giao thông đường bộ Việt Nam nghiêm cấm các hành vi cản trở xe ưu tiên. Nhưng thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều người hành động ngang ngược, cản trở, thậm chí lăng mạ những người trong đoàn xe ưu tiên.

Luật Giao thông đường bộ quy định, xe ưu tiên là những loại phương tiện thực thi công vụ, không bị hạn chế tốc độ và được phép đi vào đường ngược chiều hoặc bất cứ các đường nào khác có thể đi được, kể cả khi đã có tín hiệu đèn đỏ (chỉ trừ đoàn xe tang), nhưng phải tuân theo sự chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, mọi người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Nghiêm cấm các hành vi cản trở xe ưu tiên.

Hành vi cản trở xe ưu tiên bị phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Mặc dù quy định pháp luật thể hiện rất rõ ràng, nhưng nhiều trường hợp tham gia giao thông lại có ý thức chấp hành luật pháp quá kém. Thấy đoàn xe ưu tiên phát tín hiệu, thay vì nhường đường, họ lại có hành động cản trở.

Điển hình, vào hồi 15h30 ngày 19/2, một nam thanh niên điều khiển xe máy hiệu Honda SH mang biển kiểm soát 29B1- 441.68 đi trên đường Âu Cơ, không đội mũ bảo hiểm. Khi thanh niên này đi đến đoạn trước cổng Công viên nước Hồ Tây thì nghe thấy tiếng còi của xe dẫn đường. Mặc dù đây là đoàn xe chở lãnh đạo cao cấp của Nhà nước đi làm nhiệm vụ, có cả xe dẫn đoàn, nhưng thanh niên này vẫn ngang ngược đi giữa đường và có thái độ thách thức, cản trở đoàn. Ngay lập tức, một chiếc xe ô tô của cảnh sát giao thông dẫn đoàn vượt lên, ép xe vào lề đường bắt giữ.

Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt (PC67, Công an Hà Nội) khẩn trương có mặt và xác định được danh tính của nam thanh niên là Nguyễn Tiến Đức. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện thanh niên này say rượu, không ý thức được hành vi của mình.

Tại cơ quan chức năng, Đức đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Từ lời khai của Đức, PC67 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với về các hành vi: Điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ; trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/l khí thở (kết quả kiểm tra thực tế là 0,749mg/l); gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ. Cơ quan chức năng cũng lập biên bản tạm giữ phương tiện cùng giấy đăng ký xe và giấy phép lái xe hạng A1 của Nguyễn Tiến Đức.

Trường hợp trên không phải là duy nhất, thậm chí còn có cả những trường hợp lăng mạ, chửi bới những người trong đoàn xe ưu tiên. Theo Thiếu tá Phạm Anh Tuấn - Tổ trưởng tổ xử lý vi phạm, Đội Cảnh sát Giao thông số 2 (PC67, Công an Hà Nội) cho biết, lỗi gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ không hiếm. Đội thường xuyên lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm về lỗi này.

Nghị định 71/2012/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2010/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 ngày; tạm giữ phương tiện đến 10 ngày. 

Người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày; tạm giữ phương tiện đến 10 ngày đồng thời phải học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ.

Hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày, tạm giữ phương tiện đến 10 ngày, đồng thời phải học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ”.

T.Minh