Cần mạnh tay xử lý hành vi mua bán thông tin cá nhân

16:46 | 27/04/2017

1,727 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ, bất kỳ ai cũng có thể nắm trong tay hàng loạt danh bạ điện thoại với cái tên “danh sách số điện thoại khách hàng tiềm năng” rồi từ đó “spam” bom tin nhắn quảng cáo.

Rao bán công khai

Chỉ cần vào google gõ cụm từ “mua thông tin khách hàng”, “mua bán dữ liệu cá nhân”, “cần mua thông tin khách hàng” là ngay lập tức có được hàng triệu kết quả tìm kiếm với hàng loạt trang website rao bán loại “hàng” đặc biệt này.

Tại trang muabandata.com, khi chúng tôi gọi điện vào số hotline 0903343xxx ngỏ ý muốn mua bộ danh sách, số điện thoại di động khách hàng bất động sản ở khu vực Hà Nội, một giọng nữ nhẹ nhàng nói: “Ở khu vực Hà Nội thì em không có loại thông tin anh cần, chủ yếu trong TP. HCM anh nhé”.

can manh tay xu ly hanh vi mua ban thong tin ca nhan
Thông tin cá nhân của người dùng bị rao bán công khai trên mạng.

Tuy nhiên, khi phóng viên giới thiệu là mới đi làm và lần đầu tìm mua dữ liệu, thì nữ nhân viên trực hotline này không ngần ngại tư vấn nhiệt tình: “Ở chỗ khác em không biết thế nào, bên em có 2 gói dịch vụ là gói thường và gói VIP. Với gói thường là một danh sách bán cho nhiều người, còn gói VIP thì chỉ bán cho một khách để độc quyền”.

Theo lời nữ nhân viên này, chi phí được tính theo từng đầu số, thường dao động từ 50 đồng đến 60 đồng/số điện thoại. Còn với gói VIP là 200 đồng/số điện thoại. Mỗi lần giao dịch, số danh bạ điện thoại di động thường lên tới vài trăm nghìn người, rất ít có giao dịch nhỏ lẻ kiểu vài nghìn số danh bạ điện thoại.

Nữ nhân viên trực hotline còn dặn thêm: “Giao dịch cả trăm nghìn số nên các anh hết sức cẩn thận. Bên em có bao kiểm tra tình trạng số điện thoại, các anh có thể chọn số bất kì để gọi và xác minh. Mua data (dữ liệu) mà không cho kiểm tra thì các anh nên cẩn thận”.

Có thể bị xử phạt

Theo tìm hiểu, các website mua bán thông tin cá nhân được xây dựng khá khoa học, với các phụ lục hướng dẫn cụ thể về cách thức mua hàng, thanh toán, đa dạng các ngành nghề khác nhau, từng lĩnh vực như: bất động sản, chứng khoán… Hoặc danh sách khách hàng theo ngành nghề ngân hàng, hàng không… Thậm chí còn có cả danh sách phân biệt rõ nhóm khách hàng có thu nhập cao hay thấp.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Nghi - Trưởng văn phòng Luật sư An Dân cho rằng, nếu bên bán không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của danh sách thông tin cá nhân thì vi phạm pháp luật.

Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý; trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Tùy theo tính chất và mức độ, các đối tượng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Hành vi gây hậu quả nghiêm trọng và có đủ cấu thành tội phạm thì có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 226 hoặc Điều 226a hoặc 226b của Bộ luật Hình sự.

Ngày 18/3/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BTTTT, theo đó có thể phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi mua bán, hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Còn đối với hành vi tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông thì bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.

Quang Thịnh