Cần đẩy mạnh điều tra cơ bản trong khai thác dầu khí

09:02 | 01/06/2022

5,085 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhấn mạnh điều tra cơ bản là một trong lĩnh vực quan trọng đối với vấn đề dầu khí, ĐBQH Phan Đức Hiếu cho rằng nên mở rộng phạm vi về biện pháp ưu đãi đầu tư.

Theo chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, tới đây Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 chương và 64 điều, trong đó có nhiều nội dung như: quy định về trình tự, thủ tục phê duyệt triển khai hoạt động dầu khí và dự án dầu khí; quyền và nghĩa vụ của nhà thầu và tập đoàn dầu khí Việt Nam,… cũng nhận được sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, dư luận.

Bên hành lang Quốc hội, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xoay quanh nội dung của dự án luật này.

Tăng cường thu hút đầu tư

NĐT: Thực tế cho thấy vừa qua hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dầu khí gần như “đóng băng”, hạn chế của Luật Dầu khí năm 2008 đó có phải là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này hay không, thưa ông?

ĐBQH Phan Đức Hiếu: Một trong những mục tiêu của sửa đổi Luật Dầu khí lần này là nhằm tăng cường thu hút đầu tư, để có những dự án đầu tư mới trong lĩnh vực dầu khí cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động dầu khí đã và đang triển khai.

Việc sửa đổi Luật Dầu khí ngoài những bất cập như hiện nay thì cũng nâng cấp thêm, hướng đến những quy định cập nhật với thông lệ quốc tế, tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Tiêu điểm - Cần đẩy mạnh điều tra cơ bản trong khai thác dầu khí
ĐBQH Phan Đức Hiếu chia sẻ với PV bên hành lang Quốc hội.

NĐT: Như ông vừa nói mục đích của Luật Dầu khí hiện nay là thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Vậy, trong dự thảo Luật những quy định về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dầu khí đã đủ mạnh?

ĐBQH Phan Đức Hiếu: Có thể coi như một khung cơ chế để thu hút đầu tư. Trong đó, một trong những mục tiêu và nội dung sửa đổi của Luật Dầu khí lần này là nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, làm cho dự án, hoạt động dầu khí được triển khai một cách có hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn về chi phí hành chính, chi phí thời gian. Đây cũng là một trong những cơ chế ưu đãi, thông qua đó làm cho hoạt động dầu khí trong nước hấp dẫn hơn.

Nếu có một môi trường kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí hấp dẫn, hiệu quả, giảm chi phí hơn cho nhà đầu tư thì đó cũng là một cơ chế thu hút đầu tư.

Thêm nữa, các biện pháp ưu đãi trực tiếp cho các hoạt động dầu khí, khi thiết kế Luật lần này chúng ta thấy có rất nhiều thay đổi của quốc tế.

Ví dụ, theo cơ quan soạn thảo, các quốc gia họ vẫn sửa đổi ưu đãi đầu tư để nhằm tăng cường thu hút trong hoạt động đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay có rất nhiều chính sách, và cũng có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các hoạt động về thu hút đầu tư.

Ví dụ như hiện chúng ta đang thảo luận về thuế tối thiểu toàn cầu, tôi nhận thấy rằng lần này ban soạn thảo đã nghiên cứu nghiêm túc, bước đầu đưa ra một số cơ chế về ưu đãi đầu tư, ở đó tính đến cạnh tranh với khu vực, thế giới như, đã giảm thuế dành cho các hoạt động dầu khí để tương ứng với mức trong khu vực; giảm thuế xuất khẩu đối với dầu khí để tăng tính cạnh tranh…

Ngoài ra, trong bối cảnh thay đổi của hệ thống thuế toàn cầu, ảnh hưởng rất nhiều đến chính sách ưu đãi thông qua công cụ là thuế. Trong dự thảo Luật Dầu khí cũng đã thiết kế một cơ chế ưu đãi đặc biệt, hướng đến sự linh hoạt hơn, phù hợp hơn với từng trường hợp, đối tác và trong từng hoàn cảnh cụ thể. Đây là cơ chế ưu đãi linh hoạt, phù hợp với từng mục tiêu cụ thể.

Đẩy mạnh hoạt động điều tra cơ bản

NĐT: Theo ông, nhìn vào dự thảo Luật lần này cơ quan soạn thảo cần phải lưu ý thêm những điểm gì?

ĐBQH Phan Đức Hiếu: Theo tôi, có một số điểm cần lưu ý thêm như sau:

Ngoài nội dung ưu đãi về hoạt động dầu khí, tôi cũng mong muốn đẩy mạnh hoạt động điều tra cơ bản, vì điều tra cơ bản rất quan trọng nhằm phát hiện tối đa tiềm năng dầu khí.

Tuy nhiên, trong dự thảo tôi chưa thấy các chính sách, biện pháp ưu đãi đầu tư trực tiếp chưa bao gồm hoạt động về điều tra cơ bản.

Tôi cho rằng, nên mở rộng phạm vi về biện pháp ưu đãi đầu tư, cho cả hoạt động về điều tra cơ bản nhằm tăng cường huy động các nguồn lực thực hiện hoạt động này.

Thêm nữa, về cạnh tranh quốc gia nên nghiên cứu bổ sung thêm các biện pháp ưu đãi thuế dựa trên chi phí, để đảm bảo hoạt động mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đầu tư dầu khí.

Tiêu điểm - Cần đẩy mạnh điều tra cơ bản trong khai thác dầu khí (Hình 2).
Tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

NĐT: Cũng trong dự thảo Luật có sự phân định rạch ròi giữa doanh nghiệp Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước, trong hoạt động dầu khí, theo ông điều này có đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trong thời gian tới?

ĐBQH Phan Đức Hiếu: Vai trò của cơ quan dầu khí quốc gia thì trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau. Hiện nay, như trong dự thảo chúng ta đang chọn một mô hình tương ứng với một số quốc gia trong khu vực, có nghĩa rằng cơ quan dầu khí quốc gia đóng hai vai trò:

Thứ nhất, như một doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh dầu khí.

Thứ hai, là một doanh nghiệp nhưng được ủy quyền thực hiện một số chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dầu khí.

Nếu lựa chọn mô hình như trong dự thảo thì nên xem xét cơ chế để kiểm soát việc xung đột lợi ích. Bởi, một cơ quan đồng thời thực hiện hai chức năng có thể dẫn đến xung đột lợi ích và có thể bị lạm dụng lợi ích khi họ được trao một số quyền.

Đối với dự thảo này, tôi mong muốn cơ quan soạn thảo nên đánh giá rất kỹ lợi ích và chi phí của việc ta nên chọn mô hình nào trong giai đoạn hiện nay.

PV: Thưa ông, Luật Dầu khí tựu chung lại sẽ phải tương thích với các luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư như thế nào để đảm bảo hài hòa các lợi ích của nhà đầu tư và các doanh nghiệp?

ĐBQH Phan Đức Hiếu: Một trong những nội dung sửa đổi của Luật lần này theo tôi rất lớn đó là hài hòa các quy định, đặc biệt quy định của Luật Dầu khí với các Luật có liên quan.

Có hai thay đổi lớn, một là dự thảo luật có mong muốn làm rõ nếu như có các quy định khác nhau thì nên áp dụng quy định nào, thì nguyên tắc đưa ra là sẽ áp dụng quy định của Luật Dầu khí.

Thêm nữa, có dự án dầu khí theo chuỗi, dự thảo đã bắt đầu thiết kế những quy định cho dự án dầu khí theo chuỗi bao gồm rất nhiều hoạt động, nhằm giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính không cần thiết trong quá trình thực hiện và triển khai hoạt động dầu khí.

Tôi cho rằng, đây là nội dung rất quan trọng nhưng về mặt kỹ thuật cũng sẽ có những thách thức và ban soạn thảo cần rà soát, quy định càng chi tiết càng tốt, mang tính khả thi có thể áp dụng được.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Sửa Luật để thúc đẩy ngành dầu khí phát triển

Trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh Thế giới có nhiều biến động, giá dầu tăng lên, giá nguyên vật liệu tăng thì việc sửa đổi Luật Dầu khí để đưa ra những cơ chế, những chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dầu khí là hết sức cần thiết.

“Việc sửa đổi Luật Dầu khí vào thời điểm này sẽ tạo điều kiện đóng góp vào việc tăng trưởng; đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế nước ta, nhất là lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, việc tăng cường tự chủ của doanh nghiệp là cần. Tuy nhiên, việc tự chủ cũng cần theo khuôn khổ và quy định của pháp luật”, vị đại biểu cho hay.

Theo Người đưa tin

Gần 150 học sinh tham quan trải nghiệm thực tế tại trường Đại học Dầu khí Việt NamGần 150 học sinh tham quan trải nghiệm thực tế tại trường Đại học Dầu khí Việt Nam
Phân bón - Xuất khẩu tăng, hoạt động hiệu quả, ổn địnhPhân bón - Xuất khẩu tăng, hoạt động hiệu quả, ổn định
Thực thi thành công Chiến lược phát triển bền vững và chặng đường phát triểnThực thi thành công Chiến lược phát triển bền vững và chặng đường phát triển

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc