Cam Ranh trong mắt chuyên gia quân sự nước ngoài (Kỳ 2)

13:02 | 06/08/2016

6,007 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi người Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, Liên Xô rất quan tâm đến việc giúp Việt Nam quản lý, sử dụng quân cảng Cam Ranh. Ngày 2-5-1979 hai Chính phủ Liên Xô và Việt Nam đã ký thỏa thuận về sử dụng chung căn cứ Cam Ranh trong thời hạn 25 năm, có thể gia hạn sau đó.

Bài 2: Cam Ranh - pháo đài tự vệ

Từ cơ sở hậu cần đến căn cứ quân sự

Thời kỳ đầu, Liên Xô chỉ sử dụng Cam Ranh như một căn cứ hậu cần phục vụ các tàu chiến Nga hoạt động ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, cung cấp thực phẩm, quân trang, tài chính, nhiên liệu, thiết bị kỹ thuật, phương tiện phòng cháy chữa cháy, dịch vụ sửa chữa tàu thuyền... đồng thời xây dựng thêm bệnh viện hải quân, phòng khám, khu ăn nghỉ cho thủy thủ những tàu ghé cảng để sửa chữa. Thời đó, do tình trạng điện lưới ở Việt Nam không ổn định, phía Liên Xô đã tự chủ động cung cấp điện cho hoạt động của cảng bằng cách lắp đặt trạm phát điện chạy bằng diesel và turbine khí, ngoài ra còn xây dựng một nhà máy lọc nước có công suất vừa phải và một cơ sở sản xuất bánh mì.

cam ranh trong mat chuyen gia quan su nuoc ngoai bai 2
Lính Hải quân Nga ở Cam Ranh năm 1986

Thủy thủ đoàn của những tàu hải quân ghé cảng có thể nhận được tất cả các vật tư cần thiết, thực hiện sửa chữa trang thiết bị, nghỉ dưỡng ở những bãi biển tuyệt đẹp quanh vịnh. Thủy thủ và phi công phục vụ ở vùng nhiệt đới rất nhanh mất sức, nhưng ở Cam Ranh, họ có thể nhanh chóng phục hồi sức lực, theo nhận xét của các chỉ huy hải quân Nga.

Từ năm 1982, Cam Ranh mới thực sự trở thành một căn cứ quân sự, khi phi - hải đoàn tác chiến số 17 được thành lập ở đây, đóng trụ sở tại sân bay Cam Ranh.

Thời điểm đó là cao điểm của Chiến tranh lạnh, Liên Xô buộc phải thực hiện các biện pháng phòng ngừa kết hợp răn đe đối với Mỹ. Khả năng xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân từ các hàng không mẫu hạm và các tàu ngầm nguyên tử của Mỹ nhắm vào Liên bang Xôviết là rất cao, vì thế các nhà lãnh đạo Liên Xô quyết định tăng cường sức mạnh của Hải quân Xôviết, triển khai tại các đại dương để có thể ngăn chặn bất kỳ “đòn phủ đầu” nào từ phía NATO hoặc Mỹ. Nhiệm vụ này được giao phó cho các phi đội thuộc lực lượng hải quân.

Họ đã tiến hành giám sát và theo dõi các tàu sân bay, tàu tên lửa và các nhóm kẻ thù tiềm năng khác, sẵn sàng khởi động các hành động quân sự để tiêu diệt chúng. Ngoài ra, họ còn phải tập trung chú ý tới việc thăm dò sức mạnh các phương tiện tác chiến chống tàu ngầm của đối phương. Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc đó là đảm bảo an toàn cho máy bay và tàu dân sự Liên Xô trong những vùng thuộc trách nhiệm của các phi đội.

Xin nói rõ thêm về việc Liên Xô quyết định tăng cường sức mạnh của Hải quân Xôviết, triển khai tại các đại dương để ngăn chặn bất kỳ “đòn phủ đầu” nào. Đầu tiên là phi - hải đoàn tác chiến số 5 được thành lập để hoạt động tại Địa Trung Hải, sau đó là đoàn số 8 ở Ấn Độ Dương, rồi đoàn số 7 ở Bắc Cực và Đại Tây Dương. Dần dần, tình hình ở các đại dương đã được Liên Xô kiểm soát tốt. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Liên Xô đã triển khai 38 tàu ngầm tên lửa đạn đạo, 30 tàu ngầm đa năng, 60 tàu phóng ngư lôi diesel và 111 tàu chiến lớn. Đó là một lực lượng rất lớn. Chỉ trong năm 1985 không quân hạm đội của Liên Xô đã thực hiện hơn 4.500 phi vụ trên các đại dương.

cam ranh trong mat chuyen gia quan su nuoc ngoai bai 2
Tàu chiến neo đậu ở Cam Ranh, 1982

Nòng súng chĩa vào quân thù

Phi - hải đoàn tác chiến số 17 ở Cam Ranh có nhiệm vụ kiểm soát toàn bộ mặt nước Thái Bình Dương. Nó bao gồm Sư đoàn tàu ngầm số 38, Lữ đoàn tàu mặt nước số 119, Sư đoàn 255 tàu cung ứng, Sư đoàn 300 tàu tuần dương, trung đoàn không quân hỗn hợp số 169, Lữ đoàn chống ngầm số 501, Trung tâm truyền thông số 1073 và nhiều bộ phận khác.

Theo Trung tướng Viktor Aistov, vị trí thuận lợi của căn cứ quân sự Cam Ranh cho phép “nắm yết hầu” toàn bộ Biển Đông. Từ Cam Ranh, dù với lực lượng nhỏ hơn, Nga vẫn có thể khống chế Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương và hòa giải tất cả các các mối đe dọa trên biển nói chung. Ông Aistov đưa ra hình ảnh so sánh khá thú vị: Cam Ranh như một họng súng chĩa vào thái dương bất cứ kẻ thù nào đến từ phía biển. Theo ông, vị trí của “pháo đài tự nhiên” này cho phép phản ứng tức thời đối với hành động của mọi kẻ thù tiềm năng.

Lúc đó, ở Philippines có hàng chục cơ sở quân sự của Mỹ như căn cứ Hải quân Subic, căn cứ Không quân Clark, nhiều sân bay dã chiến, nhiều đơn vị đồn trú và rất nhiều cơ sở đào tạo, huấn luyện quân đội. Tất nhiên, số lượng tàu, máy bay và khả năng chiến đấu của quân Mỹ ở Philippines là vượt trội so với lực lượng Liên Xô ở Cam Ranh. Nhưng người Nga lúc đó chủ trương lấy chất lượng bù cho số lượng và đã thành công.

Ông Aistov đưa ra một dẫn chứng. Tại Sư đoàn không quân hỗn hợp số 169 chỉ có các phi đội mang tên lửa chống hạm và trinh sát hàng hải, cùng các phi đội trực thăng vũ trang, hoàn toàn không có máy bay tiêm kích. Phía Mỹ biết rõ điều đó nên các phi công Mỹ hành xử rất ngông nghênh. Họ ngang nhiên cản mũi máy bay Nga trong vùng lân cận căn cứ Cam Ranh, thả các loại tạp chí khiêu dâm, thậm chí cả hình tượng phụ nữ khỏa thân bằng cao su xuống khu vực tàu Hải quân Liên Xô đang hoạt động. Phải bắt người Mỹ chấm dứt những hành động càn rỡ vô liêm sĩ này. Máy bay tiêm kích (vận chuyển bằng tàu, dưới dạng tháo rời) và các phi công cự phách của Liên Xô được điều đến Cam Ranh. Sau đó, máy bay được bí mật lắp ráp hoàn chỉnh. Một hệ thống phát sóng giả, thiết kế đặc biệt cho chương trình này, đã khiến người Mỹ bị đánh lừa, nhầm lẫn lung tung. Song song đó, việc báo cáo về hoạt động của các máy bay Mỹ được thực hiện bằng điện thoại hữu tuyến để tránh bị phía Mỹ bắt sóng. Một đòn bất ngờ đã được chuẩn bị kỹ để tung ra.

Thế rồi lần nọ, Sở Chỉ huy Trung đoàn 169 nhận được tin báo máy bay tiêm kích Mỹ xuất hiện ở khoảng cách khoảng 100km tính từ Cam Ranh (tức bên trên lãnh hải Việt Nam). Đích thân Trung tá Semerov, Chỉ huy trưởng phi đội tiêm kích, lái máy bay tiêm kích Nga bay lên đón đầu các vị khách không mời này.

Ông chọn một chiếc Phantom của Mỹ làm mục tiêu tấn công. Theo hướng dẫn của hệ thống radar ven biển, ông điều khiển máy bay bay ở độ cao siêu thấp và bí mật tiếp cận mục tiêu từ hướng có ánh nắng mặt trời. Sau khi đã tăng tốc đạt khoảng cách cần thiết, ông bật radar trên máy bay mình, ra tín hiệu sẽ thực hiện tấn công bằng tên lửa. Viên phi công Mỹ không nhìn thấy máy bay chiến đấu của Nga, nhưng radar trên máy bay của anh ta ngay lập tức cảm nhận tín hiệu cảnh báo từ máy bay Nga. Viên phi công Mỹ vội tăng tốc, thực hiện hai vòng nhào lộn tránh tên lửa rồi chuồn thẳng. Biện pháp này được các phi công Liên Xô sử dụng vài lần và kể từ đó, không một chiếc máy bay nào của Mỹ dám “giỡn mặt” ở gần căn cứ Cam Ranh nữa.

cam ranh trong mat chuyen gia quan su nuoc ngoai bai 2 Cam Ranh trong mắt chuyên gia quân sự nước ngoài

(Xem tiếp kỳ sau)

Phạm Bá Thủy (Theo Tass)

Năng lượng Mới số 546