Cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kinh nghiệm của EVN rất đáng học hỏi

19:01 | 02/11/2018

230 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo “Môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19”. Hội thảo diễn ra sáng 2/11 tại Hà Nội.

Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức.

Cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kinh nghiệm của EVN rất đáng học hỏi
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM đang phát hiểu tại Hội thảo Môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19

Theo ông Nguyễn Đình Cung, việc ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP thường niên kể từ năm 2014 đến nay cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Nếu như năm 2014 chỉ có 3 đơn vị, địa phương tiên phong tham gia thực hiện Nghị quyết 19 (Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh) thì tới nay, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương và cả khu vực tư nhân đã tham gia vào "làn sóng" cải thiện môi trường kinh doanh trên toàn quốc.

Trong 5 năm thực thi Nghị quyết 19, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Qua báo cáo của tổ chức Doing Business - Ngân hàng Thế giới (WB), hầu hết các chỉ số của môi trường kinh doanh Việt Nam đều cải thiện.

Năm 2018, tuy môi trường kinh doanh Việt Nam xếp vị trí 69/190 quốc gia, giảm 1 bậc trong bảng xếp hạng so với năm trước, nhưng có tới 8/10 chỉ số cải thiện về điểm số.

Đặc biệt, chỉ số tiếp cận điện năng đạt 87,94/100 điểm, là chỉ số tăng bậc nhiều nhất trong 10 chỉ số (tăng 37 bậc), và chỉ số khởi sự kinh doanh cũng tăng 19 bậc. Nhờ đó, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam không giảm nhiều trên bảng xếp hạng quốc tế.

Cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kinh nghiệm của EVN rất đáng học hỏi
EVN phục vụ 100% dịch vụ điện trực tuyến và sẵn sàng cung cấp, tư vấn thông tin 24/7 tới khách hàng. Ảnh chụp tại Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh.

Trong 5 năm, chỉ số tiếp cận điện năng đã từ vị trí 156/189 quốc gia, nền kinh tế lên tới lên tới thứ hạng 27/190 quốc gia, nền kinh tế. "Đây là là chỉ số tăng mạnh nhất, vững chắc nhất qua các năm. EVN đã nỗ lực không mệt mỏi, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam”- Viện trưởng CIEM nhận định.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN cho biết, từ năm 2013, EVN đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về phương pháp luận đánh giá của Doing Business – WB đối với chỉ số tiếp cận điện năng trên toàn thế giới. Việc hiểu đúng về phương pháp đánh giá của WB đã giúp EVN hoạch định các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Trong giai đoạn 2013 - 2017, Tập đoàn đã 3 lần thay đổi quy trình quản lý kinh doanh nhằm giảm thời gian, giảm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận điện năng.

Cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kinh nghiệm của EVN rất đáng học hỏi
Xếp hạng chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam từ năm 2013-2018- theo Báo cáo Doing Business

Năm 2013, thời gian để doanh nghiệp tiếp cận điện là 115 ngày thì tới nay, thời gian chỉ còn 31 ngày; số thủ tục từ 6 chỉ giảm còn chỉ 4 thủ tục.

Với yếu tố độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch giá điện, EVN đã công bố thông tin qua các website chăm sóc khách hàng, đầu tư cơ sở hạ tầng, khai thác triệt để công nghệ sửa chữa điện hotline… Nhờ vậy, chất lượng cung ứng điện ngày càng ổn định, liên tục, an toàn.

“Trong hành trình cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, ngoài nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên, EVN cũng nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ quan trọng từ Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương” – ông Nguyễn Quốc Dũng cho hay.

Cũng tại Hội nghị, Trưởng Ban Kinh doanh EVN cho biết, thời gian tới, EVN tập trung vào giải pháp rút ngắn thời gian, giảm thủ tục tiếp cận điện theo hướng “1 cửa liên thông” giữa Điện lực và các cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để loại bỏ bước “Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường” đối với cấp điện qua các công trình trung áp.

Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2018 tăng 37 bậc, đứng thứ 2 ASEAN
Bứt phá trên bảng xếp hạng
Chỉ số Tiếp cận điện năng tăng 32 bậc
Cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng từ 46 ngày xuống 35 ngày: Có khả thi?

M.Hạnh