Cách buộc quan chức phải liêm chính ở Hàn Quốc

06:41 | 19/08/2013

1,125 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch thế giới, Hàn Quốc xếp thứ 45 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số cảm nhận tham nhũng, xếp thứ 9 ở châu Á về độ trong sạch. Chỉ số này cho thấy nỗ lực to lớn của Chính phủ Hàn Quốc trong phòng ngừa tham nhũng. Điều mà các đời tổng thống Hàn Quốc kiên trì xây dựng trong suốt những năm qua là đạo đức liêm chính.

Xây dựng đạo đức công chức

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, các tập đoàn kinh tế câu kết với chính quyền để tham nhũng, các công ty làm ăn thua lỗ tìm cách che giấu các khoản thua lỗ khổng lồ đã đẩy lùi tăng trưởng kinh tế. Tham nhũng góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng làm chao đảo nền kinh tế nước này năm 1997-1998. Cuộc chiến chống tham nhũng ở xứ sở kim chi thực sự quyết liệt từ khi Ủy ban Chống tham nhũng của Hàn Quốc (KICAC) được thành lập năm 2002. KICAC được Quốc hội trao quyền lực rất lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Tổ chức này làm việc theo cơ chế bỏ phiếu kín về các quyết định của mình.

Hằng năm, KICAC công bố Chỉ số cảm nhận liêm chính của các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước, công khai trên thông tin đại chúng để mọi người dân được biết và theo dõi sự tiến bộ của các cơ quan này. Những người tố cáo tham nhũng có thể được đề xuất khen thưởng đến 20% số tiền tham nhũng thu hồi được. Hàng nghìn vụ việc tham nhũng được KICAC phanh phui, thu hồi cho nhà nước nhiều triệu USD, giúp ngăn chặn rõ rệt sự tham nhũng. Kết quả đó được người dân hết sức khen ngợi. Nhiều người dân đã chung tay với KICAC trong việc góp ý xây dựng pháp luật, cải cách thủ tục, đối thoại. Ý kiến người dân được tiếp thu nghiêm túc và thực sự góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn sự câu kết giữa bác sĩ và các nhà phân phối dược phẩm, minh bạch thủ tục hải quan, thu thuế...

Ông Lee Sang-deuk, anh trai của Tổng thống Lee Myung-bak bị cáo buộc nhận hối lộ từ các ngân hàng (nguồn: carbonated.tv)

Trong cải cách thủ tục hành chính, nhiều tỉnh, thành phố đã công khai tên, chức vụ của công chức thụ lý vụ việc, giải quyết đơn từ, thông báo tiến độ giải quyết đơn thư để người dân nắm được. Đồng thời, các cơ quan nhà nước tìm mọi cách để hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và công chức thông qua công nghệ thông tin. Cán bộ, công chức Hàn Quốc nếu phạm tội tham nhũng sẽ bị cắt giảm lương hưu, nặng sẽ bị phạt tù.

Cũng giống như Singapore và Hongkong, lương công chức Hàn Quốc cũng được coi là một biện pháp để phòng ngừa tham nhũng. Hiện tại, lương và phụ cấp chức vụ của tổng thống vào khoảng 226.000USD/năm, lương thủ tướng khoảng 92.000USD/năm, lương bộ trưởng hơn 65.000USD. Lương trung bình một năm (bao gồm lương cơ bản, phúc lợi xã hội, trợ cấp) của giáo viên tiểu học 24.010USD, giáo viên tiếng Anh 24.000USD, kỹ sư phần mềm cao cấp 54.593USD, lương khởi điểm của công chức khoảng 12.000USD… Nhìn chung, lương của công chức Hàn Quốc đủ để họ sống đàng hoàng mà không cần phải tham nhũng.

Thực ra, ngay từ năm 1992, tổng thống dân sự đầu tiên của Hàn Quốc là ông Kim Young-sam đã đề ra mục tiêu xây dựng một chính phủ trong sạch, trong đó, người lãnh đạo đất nước phải liêm chính, gương mẫu. Kể từ đó, các cơ quan nhà nước đều phải thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch. Chính phủ áp dụng Bộ quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức, yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải tuyên thệ tuân thủ nguyên tắc này khi nhậm chức. Các kế hoạch cải cách tiền lương cũng được tiến hành đồng thời với cải cách hành chính. Nhờ quyết tâm cao và sự ủng hộ của người dân, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả lớn.

Hàng trăm quan chức chính phủ bị bắt giữ vì tội tham nhũng và bị tịch thu tài sản. Báo chí Hàn Quốc được coi là một lực lượng mũi nhọn trong các chiến dịch bài trừ tham nhũng. Tổng thống Kim Young-sam không ngần ngại cho cậu con cưng vào tù để làm gương. Qua thời gian, liêm chính trở thành một phẩm chất “bắt buộc” với người đứng đầu đất nước này. Trường hợp tổng thống Roh Moo-hyun tự tử vì danh dự thể hiện điều đó.

Tổng thống cũng không tha

Nhiệm kỳ của tổng thống Hàn Quốc được quy định là 5 năm và chỉ được làm một nhiệm kỳ, tuy nhiên, ít có vị tổng thống nào qua hết nhiệm kỳ một cách yên ổn. Một số vị tổng thống đã không thể “hạ cánh” an toàn vì bản thân hoặc người nhà dính líu đến tham nhũng. Không có sự thỏa hiệp giữa người tiền nhiệm với người kế nhiệm, ngược lại, người kế nhiệm vạch trần tội tham nhũng của người tiền nhiệm. Chống tham nhũng được thực hiện tích cực ngay trong Chính phủ, Quốc hội, quân đội, không có vùng cấm, chống tham nhũng với quan điểm “bất vị thân”.

Cuộc chống tham nhũng ở Hàn Quốc đi vào thực chất kể từ khi Tổng thống Kim Young-sam (nhiệm kỳ 1993-1998) lên nắm quyền. Ông tiến hành cải cách chính trị nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng một chính phủ trong sạch. Trước tiên, Chính phủ của ông yêu cầu những người lãnh đạo đất nước phải nêu gương trong sạch, sau đó, quyết tâm công khai minh bạch tài chính, công việc của cơ quan nhà nước và thu nhập cá nhân.

Đồng thời, Chính phủ xử lý hàng loạt vụ việc tham nhũng. Hàng loạt chính sách chống tham nhũng được áp dụng thành công góp phần tạo nên uy tín của Chính phủ và được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, đến cuối nhiệm kỳ, chính ông Kim Young-sam cũng bị các con trai của mình làm mất hết uy tín. Tháng 1/1997, con trai ông là Kim Hyum-chul đã bị phạt 1,5 triệu USD và phải ngồi tù trong 3 năm vì hối lộ và trốn thuế.

Người kế nhiệm là tổng thống Kim Dae-jung (nhiệm kỳ 1998-2003) cũng có hai con trai bị bắt vì cáo buộc tham nhũng và lạm dụng chức quyền khi ông bố đang là đương kim tổng thống. Như một thông lệ ở Hàn Quốc, ông Kim Dae-jung cũng phải lên tiếng xin lỗi trên truyền hình: “Đó là lỗi của tôi, do sự bất tài của tôi. Tôi không thể nào ngẩng đầu được khi đứng trước nhân dân”. Ông còn hứa rằng, các con ông sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Người con trai út của ông là Kim Hong-up bị truy tố vì gây ảnh hưởng đến việc cấp phép cho doanh nghiệp và nhận tiền lại quả của doanh nghiệp đó. Nhười này còn nhận hàng triệu USD hối lộ và gây quỹ hoạt động chính trị trái pháp luật từ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Hyundai và Samsung. Cuối cùng, tòa án đã xử Kim Hong-up 3 năm tù giam.

Đau xót nhất là vụ tổng thống Roh Moo-hyun (2003-2004) nhảy từ vách đá cao xuống tự tử vào tháng 5/2009. Sự việc bùng nổ vào tháng 4/2009 khi ông Roh thừa nhận rằng, vợ ông đã nhận tiền gây quỹ bất hợp pháp từ các chủ doanh nghiệp ủng hộ ông. Anh trai của ông Roh Moo-hyun cũng bị bắt vì cáo buộc nhận hối lộ. Vị tổng thống này thừa nhận, người nhà đã sai trái nhưng khẳng định rằng bản thân ông trong sạch. Ông nói trước tòa án: “Tôi cảm thấy rất xấu hổ. Tôi xin lỗi vì đã khiến nhân dân thất vọng”. Bức thư tuyệt mệnh của ông cho thấy vị tổng thống này chịu áp lực vô cùng lớn từ khi gia đình ông nhận 6 triệu USD từ doanh nhân Park Yeon-cha bị đưa ra ánh sáng. Ông cảm thấy đau đớn khi danh dự bị hủy hoại và cho rằng mọi thứ do số phận sắp đặt.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak (2008-2013) cũng phải lên truyền hình xin lỗi toàn thể nhân dân vì vụ tham nhũng liên quan đến người anh trai và các trợ lý của ông vào tháng 7/2012. Công tố viên đã bắt giữ hai cựu trợ lý của ông Lee Myung-bak là Kim Hee-jung và Kim Se-wook do nghi ngờ nhận tiền hối lộ từ chủ tịch một số ngân hàng. Kim Hee-jung được cho là đã nhận khoảng 100 triệu won (87.000USD) tiền “lại quả” từ Chủ tịch ngân hàng Solomon. Còn Kim Se-wook đang bị điều tra cáo buộc nhận hối lộ 2 thỏi vàng, mỗi thỏi trị giá khoảng 60 triệu won (52.000USD) từ lãnh đạo ngân hàng Mirae. Ngay sau đó, cả hai vị chủ tịch ngân hàng này cũng bị bắt giữ.

Trước đó không lâu, anh trai của ông Lee là ông Lee Sang-deuk, một nghị sỹ quốc hội đầy quyền lực trong sáu nhiệm kỳ, đã bị bắt giữ vì cáo buộc nhận 600 triệu won (525.000USD) từ các ngân hàng. Ông Lee Myung-bak thừa nhận trên truyền hình rằng “Những vụ việc ô nhục vừa qua đã xảy ra trong gia đình tôi và những người thân quen, gây ra bao nhiêu nỗi lo âu cho người dân”.

Chống tham nhũng bắt đầu từ ACRC và giáo dục

Hoạt động hiệu quả của cơ quan chống tham nhũng KICAC nhận được sự ủng hộ của các đảng phái, người dân và báo chí. Rất nhiều người dân đóng góp sáng kiến, tham gia cải cách luật pháp, sửa đổi chính sách, cung cấp nguồn tin về tham nhũng. Năm 2008, Hàn Quốc thành lập Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) trên cơ sở hợp nhất ba cơ quan, gồm Ủy ban Chống tham nhũng, Ủy ban Xử lý các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng và Ủy ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tổ chức này chịu trách nhiệm phòng ngừa và chống tham nhũng và chỉ thành lập ở cấp trung ương, trực tiếp dưới sự chỉ đạo của tổng thống.

Hiện nay, ACRC có gần 600 cán bộ, công chức, người đứng đầu là chủ tịch, tương đương với bộ trưởng. ACRC chú trọng vào việc nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh chính sách để các cá nhân không thể lợi dụng cơ chế, chính sách để tham nhũng. Cơ quan này có quyền yêu cầu xóa bỏ những quy định có thể là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Trên thực tế, 83% kiến nghị của ACRC được Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Thời gian qua, ACRC đã tiến hành đánh giá mức độ liêm chính đối với các quan chức cấp cao và một số khâu cấp phép; tham mưu đưa giáo dục liêm chính vào các cấp giáo dục phổ thông, bắt đầu từ cấp một. Họ còn thành lập Trung tâm giáo dục về liêm chính, triển khai cuộc vận động xây dựng một đất nước liêm chính; yêu cầu công chức nhà nước ký cam kết về liêm chính; thực hiện việc tính điểm liêm chính để sử dụng trong quá trình đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm công chức…

Một cơ quan khác là Viện Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc cũng có vai trò quan trọng. Đây là cơ quan trực thuộc tổng thống, hoạt động độc lập. Viện trưởng do tổng thống bổ nhiệm nhưng phải thông qua Quốc hội phê chuẩn với nhiệm kỳ 4 năm, không quá hai nhiệm kỳ. Viện này có hơn 800 cán bộ, nhân viên, khi cần có thể huy động chuyên gia ở các bộ, ngành khác. Hằng năm, Viện phải chuẩn bị các báo cáo về kiểm toán và thanh tra về các hoạt động của chính phủ, các đơn vị có vốn đầu tư của nhà nước để trình tổng thống và Quốc hội; định kỳ trình tổng thống các báo cáo sơ bộ về kiểm toán, thanh tra; cung cấp, giải trình các thông tin về kiểm toán, thanh tra khi Quốc hội yêu cầu…

Ngoài ra, nhiệm vụ chống tham nhũng còn được giao cho một số cơ quan khác như Văn phòng Tổng thống, Văn phòng Thủ tướng, cảnh sát điều tra, Viện Công tố, Ủy ban Giải quyết khiếu nại, Viện Kiểm toán và Thanh tra, Ủy ban Giám sát tài chính, Cục Thuế…

Hiện nay, Hàn Quốc còn có tham vọng dạy liêm chính cho giới trẻ. Trong bài viết “Giàu có hay trung thực?” trên tờ Thời báo Hàn Quốc ngày 5/5/2013, tác giả Kim Sung-soo, hiện là Giám đốc điều hành Tổ chức Minh bạch Quốc tế Hàn Quốc cho rằng, khoảng 40% thanh niên Hàn Quốc sẵn sàng từ bỏ giá trị liêm chính để theo đuổi sự giàu có. Tổ chức này cũng đưa ra số liệu khảo sát cho thấy 51% thanh niên đồng ý rằng những người gian lận có nhiều cơ hội thành công hơn trong cuộc sống. Do đó, tác giả kết luận, cần phải đưa nội dung chống tham nhũng vào trong hệ thống giáo dục.

Nữ Tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc, bà Park Geun-hee đang chứng minh quyết tâm chống tham nhũng của mình. Mới đây, bà đã chỉ đạo phanh phui vụ sử dụng phụ tùng kém chất lượng và cấp giấy chứng nhận chất lượng giả trong các nhà máy điện hạt nhân. Động thái này được người dân Hàn Quốc nhiệt liệt hoan nghênh.

Cũng trong tháng 6, các cơ quan tư pháp nước này đang hoàn thành thủ tục pháp lý để buộc cựu tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan phải trả nợ 143,5 triệu USD tiền tham nhũng trong thời gian ông này cầm quyền. Ông Chun Doo-hwan lên làm tổng thống cách đây đã 33 năm và về hưu cách đây 25 năm nhưng vẫn không thoát món nợ này. Trước đó, ông Chun Doo-hwan đã trả lại được 45triệu USD và bị tịch thu một chiếc Mercedes-Benz vào năm 2000.

Sự thức tỉnh xã hội đối với nạn tham nhũng là điều kiện tiên quyết đưa đến sự phát triển kinh tế ổn định và mạnh mẽ trong những năm đầu thế kỷ XXI. Bài học của Hàn Quốc chỉ ra rằng, rất cần tạo ra giá trị liêm chính, phải làm cho mọi người thấy tham nhũng là việc làm đáng xấu hổ để từ bỏ nó. Nhận thức đúng là cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải hành động đến cùng.

Anh Khôi

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc