Các tập đoàn dầu khí Trung Quốc chuyển hướng

09:23 | 04/04/2025

456 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lần đầu tiên trong năm nay, sản lượng khí đốt của Trung Quốc dự báo sẽ vượt qua dầu thô, đánh dấu một bước chuyển lớn trong chiến lược năng lượng của nước này.
Các tập đoàn dầu khí Trung Quốc chuyển hướng
Các tập đoàn dầu khí Trung Quốc chuyển hướng. Ảnh AFP

Trước bối cảnh nhu cầu dầu mỏ chững lại và căng thẳng thương mại toàn cầu làm gia tăng rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, các tập đoàn năng lượng của Trung Quốc đang đẩy mạnh khai thác khí đốt để nâng cao sản lượng. Ba tập đoàn dầu khí quốc doanh – PetroChina, CNOOC và Sinopec – đều đặt mục tiêu khai thác cao hơn cho loại nhiên liệu này. Để đạt được mục tiêu đó, các công ty đang mở rộng khai thác tại những khu vực có kỹ thuật phức tạp như các mỏ đá phiến phi truyền thống và trữ lượng khí ở vùng nước sâu.

Xu hướng chuyển dịch sang khí đốt đã diễn ra trong nhiều năm qua, ban đầu được thúc đẩy bởi chính sách cắt giảm ô nhiễm than đá nhằm cải thiện chất lượng không khí tại các siêu đô thị. Tuy nhiên, quá trình này ngày càng cấp bách hơn khi sự bùng nổ của xe điện làm giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ dầu, khiến khí đốt trở thành thị trường khai thác thượng nguồn duy nhất còn khả năng tăng trưởng.

“Khách hàng sẽ mua toàn bộ lượng khí đốt mà chúng tôi khai thác – khả năng tăng trưởng là rất lớn”, Chủ tịch CNOOC Yan Hongtao cho biết tại buổi công bố kết quả kinh doanh thường niên tuần trước.

Việc Trung Quốc – nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới – đẩy mạnh khai thác có thể làm gia tăng nguồn cung toàn cầu, trong bối cảnh nhiều dự án xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới sắp đi vào hoạt động tại Qatar, Mỹ và một số quốc gia khác trong vài năm tới. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang nhận thêm khí đốt qua đường ống từ Trung Á và Nga – đối tác chiến lược của nước này kể từ sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ suy thoái trong lĩnh vực bất động sản, các công ty năng lượng buộc phải tái xuất khẩu một phần lượng khí đốt dư thừa sang châu Âu và châu Á. Giá khí đốt nội địa Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu suy yếu. Hiện tại, sản lượng khí đốt của nước này đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Khai thác khí đốt gặp nhiều thách thức

Dù gặp nhiều khó khăn, khí đốt vẫn là động lực chính giúp PetroChina đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm ngoái. Hiện nay, khí đốt chiếm 54% tổng sản lượng của công ty, Chủ tịch Dai Houliang phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Hai. Mặc dù có kế hoạch cắt giảm chi tiêu năm nay, PetroChina vẫn sẽ đẩy nhanh phát triển mỏ đá phiến, mở rộng các trạm khí hóa lỏng (LNG) và hệ thống đường ống để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh khai thác khí đốt trong vòng 5 năm tới”, Phó Chủ tịch He Jiangchuan cho biết. Ông dự báo sản lượng khí đá phiến có thể tăng 31% trong 5 năm tới, trong khi khí đốt khai thác từ tầng than đá có thể tăng gấp đôi ngay trong năm nay.

Tập trung vào các mỏ khí có kỹ thuật khai thác phức tạp diễn ra trong bối cảnh sản lượng từ các mỏ dầu khí trên đất liền đang suy giảm sau nhiều thập kỷ khai thác. Sinopec, nhà máy lọc dầu lớn nhất Trung Quốc, đang vận hành mỏ khí đá phiến lớn nhất cả nước, mới đây công bố phát hiện mỏ dầu đá phiến quy mô lớn tại tỉnh Sơn Đông.

Trong khi đó, CNOOC – tập đoàn khoan dầu khí ngoài khơi – được kỳ vọng sẽ dẫn đầu về mức tăng trưởng sản lượng trong năm nay và năm sau. Công ty này đã phát triển thành công vùng biển Bột Hải thành mỏ dầu khí lớn nhất Trung Quốc, và hiện đang mở rộng khai thác tại vùng nước sâu đầy thách thức ở Biển Đông.

Dầu mỏ mất dần vị thế

Sự bùng nổ của khí đốt trở nên cấp thiết khi ngành dầu mỏ truyền thống đang gặp khó khăn, do sự phát triển nhanh chóng của xe điện tại Trung Quốc. Lợi nhuận từ hoạt động lọc dầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nhu cầu dầu giảm 1,2% trong năm ngoái, trong khi nhu cầu khí đốt tăng 7,3%.

Quá trình thay đổi này đặc biệt ảnh hưởng đến Sinopec, nhà khai thác nhiên liệu lớn nhất Trung Quốc, đồng thời là công ty duy nhất trong ba ông lớn ngành dầu mỏ chứng kiến lợi nhuận ròng sụt giảm trong năm 2024. Đây cũng là lý do khiến Sinopec cam kết duy trì sản lượng trong nước ổn định, dù phải cắt giảm đầu tư.

“Chúng tôi sẽ không lùi bước trong việc mở rộng khai thác thượng nguồn”, Phó Chủ tịch Zhao Dong tuyên bố tại buổi họp báo tuần trước.

Động đất ở Myanmar làm rung chuyển hành lang chiến lược của Trung QuốcĐộng đất ở Myanmar làm rung chuyển hành lang chiến lược của Trung Quốc
Vì sao Trung Quốc phản đối Mỹ áp thuế quan mới lên dầu của Venezuela?Vì sao Trung Quốc phản đối Mỹ áp thuế quan mới lên dầu của Venezuela?
Ước mơ khôi phục ngành đóng tàu của ông Trump: Cơn ác mộng của ngành năng lượng?Ước mơ khôi phục ngành đóng tàu của ông Trump: Cơn ác mộng của ngành năng lượng?

Nh.Thạch

AFP