Các ông lớn dầu khí Nga hưởng lợi kép từ trừng phạt của phương Tây như thế nào?

16:49 | 22/02/2023

2,049 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào xuất khẩu dầu của Nga sang châu Âu không chỉ khiến ngân sách của Nga mất đi một phần đáng kể do doanh thu từ dầu giảm sút, phương Tây cũng chịu chung số phận. Tạp chí nghiên cứu chính sách toàn cầu Carnegie đưa ra một bức tranh khác đằng sau cuộc chiến thương mại của phương Tây và Nga. PetroTimes xin giới thiệu cùng bạn đọc nghiên cứu này.
Các ông lớn dầu khí Nga hưởng lợi kép từ trừng phạt của phương Tây như thế nào?
Nhà máy lọc dầu PCK của Rosneft ở Đức. Ảnh: Oilprice.

Dầu Urals được bán với giá chiết khấu đáng kể

Trong suốt năm 2022, dầu pha Urals được bán với giá chiết khấu đáng kể. Bức tranh tổng thể cho thấy các khách hàng mua dầu Nga đã từ chối các hợp đồng nhập khẩu dầu.

Các dữ liệu mới đây cho phép chúng ta quan sát kỹ bức tranh chi tiết này, để hiểu rõ ai là người đã đẩy giá dầu Urals chính thức đi xuống, ai đã buộc các công ty dầu mỏ lớn của Nga nhượng bộ về giá gây hậu quả nghiêm trọng cho nhà nước Nga, ai là người được lợi từ những sự sai lệch chưa từng có của thị trường dầu.

Các công ty quốc tế đã tuyên bố họ không còn quan hệ với nước Nga từ trước khi lệnh cấm chính thức dầu và các sản phẩm từ dầu Nga xuất sang châu Âu được ban hành vào tháng 12/2022 và tháng 2/2023. Nhưng nhiều nhà mua hàng châu Âu lặng lẽ tiếp tục giao dịch với Nga với các điều kiện giao dịch thấp hơn nhiều, người ta ngờ rằng các nhà bán hàng Nga đã phải chấp nhận chiết khấu sâu. Tin tức thị trường chính thức về giá dầu Urals đã khẳng định điều đó.

Thực tế, kể từ tháng 12/2022 khi cấm vận dầu Nga được thực thi, thậm chí một thời gian trước đó, giá dầu Nga tại châu Âu đã ngày càng vô lý, giao dịch vẫn diễn ra sôi động. Việc giao hàng diễn ra ở các cảng trên Biển Bắc và Địa Trung Hải.

Các nhà máy lọc dầu tăng tỷ lệ dầu Nga

Có 3 nhóm riêng biệt mua dầu thô Nga, và chỉ có một nhóm mua theo giá sát với giá dầu Urals tại châu Âu. Nhóm đầu tiên là các nhà máy lọc dầu liên quan đến đường ống Druzhba theo các hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp Nga với giá cả được xác định theo bảng giá dầu Urals ở Địa Trung Hải và Tây Bắc châu Âu. Nhóm thứ hai cũng là các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu hoàn toàn hay một phần của các đại gia Nga Rosneft và Lukoil, ở Romania và Hà Lan. Khối lượng được cung cấp bởi các chủ sở hữu Nga qua các công ty con thương mại ủy quyền châu Âu, như LITASCO của Lukoil và Energopole của Rosneft. Nhóm thứ ba gồm một vài nhà máy lọc dầu vẫn muốn mua dầu Nga trên thị trường mở, khối lượng mua này mới tác động đến giá dầu Urals châu Âu.

Từ những ngày đầu cuộc chiến, đã có một chiến dịch vận động các công ty dầu mỏ châu Âu chấm dứt mua dầu thô Nga. Sau đó hầu hết các công ty đại chúng đi theo con đường đó nhưng các công ty tư nhân đã chớp thời cơ.

Việc theo dõi các tàu chở dầu từ các cảng biển của Nga cho thấy, hầu hết các tàu dầu từ Nga đến Ý đều đến các cảng nhà máy lọc dầu Isba ở Sicily do Lukoil sở hữu. Các tàu dầu đến Hà Lan cung cấp dầu cho nhà máy lọc dầu Zeeland ở Rotterdam có 45% cổ phần của Lukoil. Mô hình hoạt động tiêu chuẩn của các nhà máy lọc dầu châu Âu do một số đối tác sở hữu là một thỏa thuận mà các cổ đông cung cấp dầu của họ và trả các phí lọc dầu sau đó nhận lại một giỏ sản phẩm từ nhà máy để bán. Lưu lượng tàu chở dầu ổn định từ Nga tới các bến cảng ở Rotterdam, kết nối với nhà máy lọc dầu của ESSO và cơ sở lưu trữ VOPAK, nối với 10 nhà máy lọc dầu ở Rotterdam. Lukoil cũng có nhà máy lọc dầu chính ở Burgas, bên bờ biển Đen - Bulgaria, và ở Constanta - Romania. Tất cả các tàu dầu của Nga tới hai nhà máy này đều cập các bến của nhà máy. Các nhà máy lọc dầu đó đã thay đổi rổ dầu để tối đa khối lượng tiêu thụ dầu Nga. Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, Italy đã tăng gấp đôi mua dầu thô Nga, từ 0,65 triệu tấn/tháng lên 1,3 triệu tấn, còn Bulgaria từ 0,3 triệu tấn/tháng lên 0,7 triệu vào tháng 10/2022. Các sản phẩm dầu thì rất khó theo dõi và tránh được giám sát. Giá dầu diesel và naphtha không bị ảnh hưởng như giá dầu thô, doanh số bán các sản phẩm từ dầu Nga tới châu Âu đã tăng.

Kinh doanh sản phẩm từ dầu Nga sinh lời khủng

Điều này làm việc buôn bán các sản phẩm từ dầu sinh lời khủng, các nhà máy lọc dầu có thể sử dụng nguyên liệu là dầu thô Nga thắng lớn, và các nhà xuất khẩu Nga cũng kiếm lợi. Vào tháng 6/2022, lợi nhuận biên lọc mỗi thùng dầu lên tới 50-70 USD so với các nhà máy lọc dầu hỗn hợp chỉ 10 USD. Tất cả các nhà máy lọc dầu Nga đều mang lại lợi nhuận như nhau cho chủ đầu tư và việc đưa sản phẩm ra thị trường không có vấn đề gì. Các công ty thương mại ủy quyền của Lukoil và Rosneft như LITASCO và Energopole có thể mua dầu thô từ Lukoil và Rosneft và chở đến các nhà lọc dầu của họ để chế biến và nhận rổ sản phẩm đã được gắn mác xuất xứ gốc EU và được tự do bán trên thị trường châu Âu. Nếu cần sẽ chuyển lợi nhuận về công ty mẹ.

Lợi nhuận khổng lồ cho các công ty dầu khí Nga

Các ông lớn dầu khí Nga hưởng lợi kép từ trừng phạt của phương Tây như thế nào?
Nhà máy lọc dầu của Lukoil ở Ý. Ảnh: Euractive.

Sau khi chiến tranh nổ ra, khu vực thị trường tự do buôn bán dầu thô Nga - châu Âu trở thành một góc thị trường cận biên do khối lượng giao dịch không đạt, nhưng nó vẫn là nguồn để lấy giá chính thức làm cơ sở để tính thuế khai thác khoáng sản đối với dầu thô tại Nga và thuế xuất khẩu đối với dầu thô và các sản phẩm từ dầu được xuất đi từ Nga đến toàn thế giới trừ Liên minh kinh tế Á - Âu.

Nga đánh thuế ngành công nghiệp dầu mỏ của mình khá nặng, nhà nước thu 80 cent với mỗi thùng dầu khi giá tăng thêm 1 USD và cũng mất số tiền tương ứng khi giá dầu giảm. Các công ty dầu mỏ của Nga không chỉ xuất khẩu dầu thô mà thực tế họ đã nắm được giá trị thực của hydrocarbon khi bán các sản phẩm dầu mỏ vào châu Âu từ các nhà máy lọc dầu của Nga hoặc từ ISAB Sicily. Sự xáo trộn của thị trường đã cho phép họ giữ các khoản lợi nhuận này mà không phải nộp thuế.

Cải cách đánh thuế ngành công nghiệp dầu mỏ là một trong những bước quan trọng đầu tiên trong chính sách kinh tế của Putin khi ông lên nắm quyền, và doanh thu từ dầu mỏ là nguồn chính tạo nên quyền lực của Putin kể từ đó, giúp tài trợ cho bộ máy hành chính và an ninh mạnh mẽ, cũng như kiềm chế các thống đốc khu vực đầy quyền lực. Hệ thống thuế này đã được áp dụng trong giai đoạn 2001-2003 được thiết kế để chống chuyển giá, chuyển doanh thu sang các công ty con ở nước ngoài bằng cách dựa vào giá dầu độc lập đó là giá dầu quốc tế, theo quan điểm của Carnegie.

Việc giảm nguồn thu từ dầu mỏ cho ngân sách kể từ sau cuộc chiến Ukraine không chỉ là kết quả của các trừng phạt và tẩy chay mà còn từ những người nằm trong nội bộ nước Nga. Các biện pháp quốc tế là cái cớ hữu ích cho việc thao túng giá dầu và chuyển giá, chuyển doanh thu ra nước ngoài.

Giờ đây, kể từ khi lệnh cấm các sản phẩm từ dầu mỏ Nga có hiệu lực từ 5/2 là dấu chấm hết cho các khoản lợi nhuận béo bở này. Các cơ sở như Rosneft Deuschland GmbH và các cổ phần tại các nhà máy lọc dầu ở Đức đã bị Chính phủ Đức đưa vào kiểm soát từ tháng 9/2022 và Gazprom Germania bị trước đó. Tuy nhiên lần này Nga không đưa các biện pháp trả đũa nào, cũng không cấm các giao dịch trong tương lai với các nhà máy lọc dầu. Rosneft vẫn có thể tiếp cận với các quá trình chế biến, một số cổ phần của nó đã được bán cho một công ty con của một công ty tư của Estonia tham gia vào việc vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ của Nga qua các cảng của Estonia. Lukoil đang bán nhà máy lọc dầu ở Sicily, nhưng vẫn giữ tài sản tại Hà Lan, Romania và Bulgaria. Thật trùng hợp khi Bulgaria được miễn trừ lệnh cấm vận của EU và vẫn có thể nhập dầu Nga đến hết 2024.

Từ tháng 3 này, Nga có kế hoạch loại bỏ giá niêm yết của dầu Urals khỏi cách tính thuế dầu, mà họ sử dụng giá dầu Brent với mức chiết khấu cố định. Những trở ngại cản xuất khẩu các mặt hàng chính của Nga sang châu Âu có nghĩa là tính minh bạch không chỉ biến mất khỏi những nhà quan sát phương Tây mà còn đối với Chính phủ Nga. Bằng cách này hay cách khác ngân sách nhà nước Nga đã bị mất đi một phần đáng kể doanh thu từ dầu mỏ. Kết quả là ngân sách của Nga đang vơi đi và những người tiêu dùng châu Âu đã phải chia sẻ cho công ty dầu mỏ quốc tế lớn nhất và lâu đời nhất thế giới, ExxonMobil, và các công ty dầu Trung Âu do nhà nước kiểm soát từ cả Hungary và Ba Lan cũng như các công ty dầu Nga.

Hồng Thanh