Các ngân hàng vẫn đầu tư tới 2,7 nghìn tỷ USD vào nhiên liệu hóa thạch

14:20 | 19/03/2020

1,211 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bất chấp việc ngày càng có nhiều báo cáo về khí hậu và những lời kêu gọi trên toàn thế giới yêu cầu hành động nhằm ngăn chặn những tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu, điều gây sốc là hầu hết các ngân hàng lớn vẫn tiếp tục tăng cường tài trợ cho lĩnh vực nhiên liệu hoá thạch.

Ngày 18/3/2020 - Báo cáo mới nhất và toàn diện nhất về tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch của các ngân hàng toàn cầu - Banking on Climate Change 2020 (Lĩnh vực ngân hàng với biến đổi khí hậu năm 2020) được phát hành. Báo cáo cho thấy 35 ngân hàng toàn cầu đã cung cấp hơn 2,7 nghìn tỷ USD cho ngành nhiên liệu hóa thạch trong bốn năm kể từ khi Thỏa thuận Paris được thông qua vào tháng 12/2015.

Các tổ chức thực hiện báo cáo này cũng thừa nhận những tác động to lớn trong thời điểm này do dịch Covid-19 gây ra đối với sinh mạng, sức khoẻ và cuộc sống của người dân trên thế giới. Yêu cầu cấp thiết nhằm ứng phó với bệnh dịch và hạn chế tác động kinh tế chắc chắn cần được ưu tiên. Tuy nhiên biến đổi khí hậu vẫn là một nguy cơ hiện hữu, giống như virus, sẽ cần hành động chưa từng có trên phạm vi toàn cầu, như với các ưu tiên khác.

cac ngan hang van dau tu toi 27 nghin ty usd vao nhien lieu hoa thach
Tình trạng dư cung dầu mỏ vẫn không "ngăn" các ngân hàng tài trợ cho các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi báo cáo đặc biệt về sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc đã cho thấy rằng, nếu chúng ta muốn tránh được hậu quả nghiêm trọng nhất của khủng hoảng khí hậu thì cần phải giảm nhanh hơn nữa lượng phát thải carbon toàn cầu, thì việc tăng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch của các ngân hàng lớn trên thế giới tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.

Báo cáo Lĩnh vực ngân hàng với biến đổi khí hậu năm 2020 cũng cho thấy việc cung cấp tài chính cho nhiên liệu hóa thạch tiếp tục bị chi phối bởi các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ như: JPMorgan Chase, Wells Fargo, Citi và Bank of America. Bốn ngân hàng này chiếm tỷ lệ đáng kinh ngạc với 30% trong tổng số tiền tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch từ 35 ngân hàng lớn trên toàn cầu.

Riêng JPMorgan Chase đã cung cấp gần 269 tỷ USD tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch kể từ sau Thỏa thuận Paris. Con số đó không chỉ đưa JPMorgan Chase trở thành ngân hàng đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch số 1 trên thế giới mà còn lớn hơn 36% số tiền tài trợ của ngân hàng đứng thứ hai là Wells Fargo. Số tiền tài trợ của JPMorgan Chase cũng chiếm tới gần 10% trong tổng số tiền tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch từ tất cả 35 ngân hàng được nghiên cứu trong báo cáo.

Ngân hàng Hoàng gia Canada RBC đã tài trợ 141 tỷ USD cho nhiên liệu hóa thạch trong 4 năm qua. Điều này làm cho RBC trở thành ngân hàng tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch lớn nhất ở Canada, lớn hơn một phần ba so với các ngân hàng khác của Canada.

Ở châu Âu, Barclays là ngân hàng tài trợ nhiều nhất cho nhiên liệu hóa thạch với số tiền tài trợ lớn hơn 36% so với các ngân hàng châu Âu khác. Barclays đã rót 118 tỷ USD vào nhiên liệu hóa thạch từ năm 2016 đến 2019, mặc dù vậy, BNP Paribas mới là nhà tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch lớn nhất châu Âu vào năm 2019. Hơn nữa, BNP Paribas là ngân hàng tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch lớn nhất ở Pháp trong 4 năm kể từ Hiệp định Paris, cao hơn số tiền tài trợ từ các ngân hàng khác ở nước này đến 56%.

Trong giai đoạn này, Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) - ngân hàng tài trợ nhiều nhất cho nhiên liệu hóa thạch ở Nhật Bản - đã cung cấp khoản tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch trị giá 119 tỷ USD. Bank of China - nhà tài cho nhiên liệu hóa thạch lớn nhất Trung Quốc - đã đầu tư 84 tỷ USD vào nhiên liệu hóa thạch nói chung và là một nhà tài trợ chính của điện than nói riêng.

cac ngan hang van dau tu toi 27 nghin ty usd vao nhien lieu hoa thach
Các tổ chức tài chính Hoa Kỳ vẫn đứng đầu trong tài trợ khai thác dầu khí.

Báo cáo cũng xác định nguồn tài trợ cho việc mở rộng lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch bằng cách tổng hợp lượng tiền tài trợ cho 100 công ty tích cực hoạch định các dự án khai thác than, dầu, khí và cơ sở hạ tầng có liên quan. Trong số 2,7 nghìn tỷ USD tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch thì có 975 tỷ USD được dành cho các công ty này. Bất chấp nhu cầu cấp thiết nhằm nhanh chóng chấm dứt mở rộng lĩnh vực nhiên liệu hoá thạch, tài trợ cho 100 công ty hàng đầu này đã tăng 40% từ năm 2018 đến năm 2019.

Báo cáo cũng đánh giá các chính sách và hoạt động của các ngân hàng trong việc tài trợ cho các lĩnh vực khác nhau trong ngành nhiên liệu hóa thạch. Đã có một sự suy giảm tổng thể trong cung cấp tài chính cho lĩnh vực khai thác than và điện than, trong đó các ngân hàng đã có chính sách hạn chế tài trợ sớm nhất, tuy nhiên, tài trợ cho những lĩnh vực này cần giảm mạnh hơn nữa để loại bỏ hoàn toàn tài trợ cho những lĩnh vực này trong thập kỷ này.

Tài trợ của ngân hàng cho lĩnh vực khai thác dầu cát đã giảm kể từ năm 2017, nhưng số tiền tài trợ năm 2019 vẫn cao hơn năm 2016. Nhiều ngân hàng châu Âu đã thực hiện các chính sách nhằm hạn chế cung cấp tài chính cho lĩnh vực dầu cát, nhưng các nhà tài trợ lớn nhất cho lĩnh vực dầu cát, bao gồm các ngân hàng Canada như TD và RBC, cũng như JPMorgan Chase và Barclays - đã không thực hiện những hành động có ý nghĩa.

Trong 4 năm qua, các ngân hàng lớn cũng đã tăng tài trợ cho các công ty có trữ lượng dầu khí lớn ở Bắc Cực. Đồng thời, tài trợ cho khai thác dầu và khí đá phiến tăng lên hàng năm, đứng đầu là các ngân hàng Hoa Kỳ. Ngoại trừ UniCredit và RBS, tất cả các ngân hàng khác đều tiếp tục cho phép tài trợ không giới hạn cho các công ty khai thác và mở rộng khai thác dầu khí ngoài khơi. Ngoài ra, tài trợ cho các công ty xây dựng các kho cảng xuất nhập khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng đã tăng 39% trong 2019.

Alison Kirsch, Nhà nghiên cứu hàng đầu về khí hậu và năng lượng thuộc mạng lưới Rainforest Action Network nói: “Báo cáo Lĩnh vực ngân hàng với biến đổi khí hậu năm 2020 đã cho thấy một bức tranh đáng lo ngại về cách thức mà các ngân hàng lớn, đứng đầu là JP Morgan Chase, đang đưa chúng ta đến thảm hoạ về khí hậu.

Dữ liệu cho thấy các ngân hàng toàn cầu không chỉ tăng tài trợ cho lĩnh vực nhiên liệu hoá thạch nói chung mà còn tăng tài trợ cho các công ty chịu trách nhiệm nhiều nhất cho việc mở rộng lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Điều này cho thấy rõ ràng các ngân hàng đã thất bại một cách thảm hại trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Khi số người thiệt mạng và sự tàn phá của các thảm họa chưa từng có như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và bão tăng lên, thật đáng trách khi các ngân hàng chấp nhận các khoản vay mới và tăng tài trợ cho các công ty hăng hái nhất trong việc làm tăng phát thải carbon”.

cac ngan hang van dau tu toi 27 nghin ty usd vao nhien lieu hoa thach
Bất chấp những cảnh báo và thảm họa từ biến đổi khí hậu, tài chính thế giới vẫn liên tục đổ đầy vào ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo Lĩnh vực ngân hàng với biến đổi khí hậu năm 2020 còn thể hiện các ngân hàng không chú trọng bảo vệ quyền con người thông qua việc tài trợ cho các dự án điển hình - từ sự phản đối của người bản địa đối với dự án đường ống Line 3 ở Bắc Mỹ hay dự án dầu khí đá phiến ở bể Vaca Muerta của Argentina đến một dự án mở rộng mỏ than ở Ba Lan. Có thể thấy rằng, đối với các tổ chức tài chính lớn trên thế giới thì lợi nhuận vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.

Thành Công

Báo cáo Lĩnh vực ngân hàng với biến đổi khí hậu năm 2020, được phát hành bởi các tổ chức Rainforest Action Network, Bank Track, Indigenous Environmental Network, Oil Change International, Reclaim Finance và Sierra Club và được công nhận bởi hơn 240 tổ chức từ khắp nơi trên thế giới. Báo cáo đã đánh giá hoạt động cho vay và bảo lãnh của 2.100 công ty trên khắp thế giới trong các lĩnh vực than, dầu mỏ và khí tự nhiên trong bốn năm qua.
cac ngan hang van dau tu toi 27 nghin ty usd vao nhien lieu hoa thach

Ả rập Xê út khởi xướng cuộc chiến quyền lực dầu mỏ
cac ngan hang van dau tu toi 27 nghin ty usd vao nhien lieu hoa thach

Lời đe dọa phản tác dụng của ông Trump và mối lo dầu mỏ Mỹ
cac ngan hang van dau tu toi 27 nghin ty usd vao nhien lieu hoa thach

12 tác phẩm đạt giải cuộc thi ảnh “Tuổi trẻ cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu”
cac ngan hang van dau tu toi 27 nghin ty usd vao nhien lieu hoa thach

Vì sao đỉnh triều ở TP HCM liên tục lập kỷ lục?
cac ngan hang van dau tu toi 27 nghin ty usd vao nhien lieu hoa thach

Giải pháp tối ưu chống biến đổi khí hậu