Các ngân hàng làm gì để ngăn chặn tình trạng lừa đảo?

18:50 | 06/12/2023

422 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Để ngăn chặn tình trạng lừa đảo, gian lận trong giao dịch, các ngân hàng sẽ xây dựng một quy trình, quy chế phối hợp chặt chẽ.
Lừa đảo chuyển tiền qua ngân hàng để Lừa đảo chuyển tiền qua ngân hàng để "chạy án"
Tổng giám đốc ACB: Tội phạm mạng gia tăng, làm gì để tránh mất tiền oan?Tổng giám đốc ACB: Tội phạm mạng gia tăng, làm gì để tránh mất tiền oan?

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức cuộc họp nhằm thảo luận về cơ chế phối hợp trong xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết tình trạng gian lận, lừa đảo, nhầm lẫn trong hoạt động thanh toán đang ngày càng gia tăng, diễn ra trên diện rộng và phức tạp.

Còn ông Nguyễn Ngọc Quý - Trưởng Tiểu ban Quản lý rủi ro Chi hội Thẻ, thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện giao dịch gian lận, lừa đảo (qua dịch vụ thẻ, tài khoản...) diễn ra hàng ngày, hàng giờ, đặc biệt trong 3 tháng vừa qua gia tăng rất nhanh, với số tiền rất lớn. Theo thống kê, các hình thức lừa đảo, gian lận qua trung gian thanh toán phần lớn là thanh toán trực tuyến qua các ví điện tử….

Các ngân hàng làm gì để ngăn chặn tình trạng lừa đảo?
Để ngăn chặn tình trạng giao dịch, lừa đảo, các ngân hàng sẽ phối hợp chặt chẽ thống nhất quy trình/Ảnh minh họa

Cũng tại cuộc họp, đại diện của một tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết, thời gian vừa qua các tổ chức tín dụng đã rất trăn trở và có nhiều nỗ lực hỗ trợ khách hàng xử lý các vụ việc gặp phải. Tuy nhiên do sự luân chuyển dòng tiền thực hiện nhanh nên nhiều khi không thể xác minh được nguồn gốc khi tiền đã được chuyển ra mua hàng hóa ở nước ngoài.

Nếu như trước đây đối tượng lừa đảo thường dùng tiền lừa đảo được mua những hàng hóa như kim cương, vàng, đồng hồ đắt tiền thì hiện nay, đối tượng lừa đảo thường dùng nguồn tiền lừa đảo được để mua thẻ cào nạp tiền bán cho người khác hoặc mua tiền ảo, tiến số ở nước ngoài khiến ngân hàng không thể truy vết.

Bản thân TCTD thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những ngân hàng đã rất tích cực trong việc phối hợp xử lý như tạm giữ giao dịch trước khi chấp nhận thanh toán khi ngân hàng đầu nguồn liên hệ hỗ trợ thì vẫn còn tình trạng khâu phối hợp giữa một số ngân hàng còn chậm do những quy định quy trình nội bộ khác nhau.

Các đối tượng lừa đảo rất tinh vi, áp dụng công nghệ rất nhanh, chúng thậm chí là tự động hóa việc chuyển tiền đi nên ngành Ngân hàng cũng cần khẩn trương tự động hóa việc xử lý thông tin gian lận, đầu tư lớn hơn về hệ thống của ngân hàng; xây dựng “danh sách đen” những tài khoản có giao dịch đáng ngờ để toàn ngành cảnh báo, cảnh giác sớm...

Chính vì thế các ý kiến cho rằng, cần phải xây dựng quy chế phối hợp giữa các bên cũng như nghiên cứu các giải pháp để ngăn chặn các giao dịch lừa đảo, gian lận để giảm thiểu rủi ro đối với khách hàng “Số lượng giao dịch và người dân bị lừa đảo cần hỗ trợ giữa các ngân hàng ngày càng tăng. Do vậy, cần tìm ra quy trình thống nhất giữa TCTD giúp giảm thiểu tình trạng này, hạn chế tối đa rủi ro cho khách hàng”, ông Hùng nhấn mạnh đồng thời khẳng định đổi mới công nghệ phải đi đôi với củng cố niềm tin của khách hàng.

Các đại diện từ các ngân hàng như Vietcombank, ACB cũng đề xuất cần thiết lập quy trình phối hợp khi khách hàng bị mất tiền do lừa đảo, đồng thời nâng cao vai trò của trung gian thanh toán trong việc hỗ trợ ngăn chặn các giao dịch gian lận.

Tất cả đồng thuận rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên và nghiên cứu giải pháp để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng. Việc cải thiện công nghệ phải đi đôi với việc tăng cường niềm tin của khách hàng.

Lãnh đạo Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam NAPAS cũng tán thành xây dựng một quy trình, quy chế phối hợp chặt chẽ trong xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận, phản ứng nhanh để có quy trình ngân hàng thông tin cho nhau nhằm ngăn chặn các giao dịch lừa đảo. Với các ngân hàng giao dịch qua NAPAS, NAPAS sẽ xây dựng quy chế, quy trình xử lý; còn đối với những giao dịch không qua NAPAS thì cần có đơn vị chịu trách nhiệm.

Về phía cơ quan quản lý, đại diện Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, việc đồng lòng của các TCTD đóng vai trò quan trọng. "Cần xem khách hàng là chung của toàn ngành Ngân hàng chứ không phải là khách hàng của riêng TCTD nào cả, từ đó, những nội dung thỏa thuận với khách hàng có ở ngân hàng A thì cũng phải có ở ngân hàng B".

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)