Ca sĩ Thanh Lam: Tôi luôn phải nỗ lực để có thể sống bình thường

14:01 | 22/06/2011

869 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở tuổi 42, Thanh Lam nom đẹp mặn mà hơn. Dường như sau những sóng gió, thăng trầm của cuộc sống đã đi qua, người đàn bà này đang hội tụ đủ nhất những kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống, trong nghề.

Thanh Lam cho biết “đây là thời kỳ đỉnh điểm nhất của tôi trong nghề, tôi cảm thấy mình chín chắn hơn, sáng tạo hơn và vẫn còn sức khỏe để thực hiện những dự án âm nhạc lẫn cuộc sống”.

Thanh Lam trong chương trình "Cầm tay mùa hè".

- Album Sa mạc tình yêu mà chị kết hợp với Đàm Vĩnh Hưng vừa qua hình như không như sự mong đợi của mọi người. Và người thấy Thanh Lam thay đổi nhiều quá, thay đổi cả cá tính âm nhạc của mình….

- Tôi muốn hát những bài hát mới, những bài gần gũi hơn khán giả để đáp lại mong đợi của khán giả với dòng nhạc xưa. Tôi không thay đổi, nếu có thì chỉ trong một thời điểm và không phải thay đổi về cá tính âm nhạc. Cách hát trong Sa mạc tình yêu là một cách tôi… làm dễ mình. Làm khó thì mới khó, chứ không ai thay đổi để làm điều dễ cả. Nếu tôi đang hát dòng nhạc “hàn lâm” chuyển ca hát dòng nhạc bình dân thì rất dễ, nhưng liệu những ca sĩ dòng nhạc bình dân hát dòng nhạc “hàn lâm” có được không? Ngày mười tám, mười chín sắp tới tôi có hợp tác cùng anh Quốc Trung làm show diễn và hát những ca khúc trong “Mây trắng bay về” nó cũng chỉ đơn giản như vậy thôi.

- Người ta nói cái tôi âm nhạc của Thanh Lam quá lớn, lớn đến mức đôi khi không thể kiềm chế được mình trên sân khấu…

- Đỉnh cao của nghệ sĩ thì tất cả đều nằm trong sự kiểm soát, sự thăng hoa hay nhạt nhẽo mà người ta thấy đều nằm trong cảm xúc, sự tính toán. Tất nhiên nó có sự chênh lệch chút xíu chứ không như làm toán là cứ một cộng một là hai. Tuy nhiên sự xê dịch đó nằm trong sự cho phép. Khi tôi hát là tôi cho người ta thấy như vậy, đỉnh cao của nghệ thuật đó là phi kỹ thuật, tôi hát chẳng bao giờ chú ý đến kỹ thuật, phải hát thế này, thế kia nhưng khán giả nhìn vào cứ tưởng tôi đang hát rất kỹ thuật, đó là thành công của tôi.

Thật ra nghệ sĩ tính nhiều quá cũng không tốt đâu, tôi biết thế. Người nghệ sĩ trên sân khấu càng nhiều cảm xúc thì trong đời thực càng hụt hẫng, vì thiếu thực tế. Cho nên mọi thứ đều có mặt được – không được của nó. Trong cuộc sống, cứ phải cân đo đong đếm thì khó làm nghệ thuật, mà làm nghệ thuật thì phải nhạy cảm, thành ra trong cuộc sống cứ lửng lửng lơ lơ. Tôi biết điều đó nên luôn đặn mình phải tình táo để cân bằng mọi thứ. Nhưng dĩ nhiên là không dễ dàng gì, không chỉ riêng tôi mà những người nhiều xúc cảm nghệ thuật đều thế. Cho nên đến một lúc nào đó, trong cuộc sống chúng tôi va vấp, có lẽ đó cũng là bình thường thôi.

- Nhưng sân khấu dù sao vẫn chỉ là sân khấu, và sân khấu cũng chỉ làm đẹp cho đời thực. Chị tránh làm sao được những nỗi lo toan rất thực tế?

- Tất nhiên. Tôi thương bố mẹ, thương con cái tôi, chính vì vậy mà tôi sẽ kiên trì để học hỏi và làm được điều đó một cách tốt nhất trong khả năng. Trong cuộc sống tôi vẫn người phụ nữ gia đình, tôi vẫn người đảm đang nội trợ, vào bếp nấu ăn, lo lắng chi tiêu gia đình, chăm sóc con cái học hành. Nhưng phải thú thực là không phải lúc nào tôi cũng làm được trọn vẹn như những người phụ nữ khác. Những cảm xúc âm nhạc, những tâm tư trên sân khấu đôi khi cũng chi phối tôi nhiều trong vai trò một người phụ nữ bình thường đó.

Thật ra, với tôi, dễ nhất vẫn là hát, vì đó là sở trường. Học để trở thành con người bình thường rất khó khăn. Dù cố gắng đôi khi tôi vẫn vấp phải những lỗi khi sống với những người xung quanh mình, để rút kinh nghiệm. Tôi nghĩ, nếu trở thành nghệ sĩ nhưng trong cuộc sống bình thường lại không biết làm gì, đó là thất bại. Tôi đã thấy có những nghệ sĩ như vậy. Ví dụ có người đàn ông yêu tôi, không thích tôi hát, yêu con người bình thường của tôi thì bắt buộc tôi phải sống được cuộc sống bình thường thì họ mới yêu thương mình được. Vì tình yêu không tự dưng có, phải gây dựng, ngay cả với bố mẹ hay anh chị em. Chẳng phải trong một gia đình, vẫn có người này được yêu hơn người kia đó sao? Tình yêu phải gây dựng, nuôi dưỡng. đó là vẫn đề tôi luôn phải nỗ lực, dù biết không đơn giản chút nào.

- Nghe có vẻ như người thân của chị cũng phải hy sinh chị cho nghệ thuật?

- Tôi nghĩ từ bé đến lớn tôi thường hy sinh nhiều hơn người khác, trong gia đình tôi bị thiệt là chuyện rất bình thường, nhất là những người tôi thương yêu. Tôi không sống ích kỷ cho riêng mình, tôi nghĩ mình được nhận không bao giờ hạnh phúc bằng được cho. Trong ý thức tôi luôn là vậy. Trong cuộc sống đôi khi chỉ vì vô tình nhận thức khác nhau mà người ta nghĩ không tốt về mình, nhưng đó là tùy vào quan điểm sống và mối quan hệ giữa mỗi người khác nhau. Tôi không bao giờ quan trọng việc người khác nghĩ mình như thế nào, mà tôi quan tâm mình sống như thế nào. Tôi đối diện với chính mình hơn là người khác. Tôi không có thói quen quan tâm đến việc người ta nhìn ngó mình như thế nào. Với tôi, khán giả chỉ hiểu mình 10% cũng không sao. Chỉ cần 90% cuộc sống thực thì cha mẹ, con cái người mình yêu thương, bàn bè tri kỷ hiểu là đủ rồi. Đối với tôi con đường dài quan trọng là nghệ thuật, còn phải thế này thế kia thì… Có lẽ tôi không khéo để giữ người hâm mộ, có lẽ tôi không giỏi trong việc làm điều đó.

- Những danh xưng khán giả dành cho chị như ca sĩ nhạc nhẹ hàng đầu Việt Nam, diva Thanh Lam…chị nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ không ai mà không có cảm xúc gì trước những nhận xét về mình, cả xấu lẫn tốt, nhưng người văn minh là người nhìn thấu mình, hiểu mình. Tôi luôn biết mình đang ở đâu, như thế nào nên danh xưng hay không với tôi không quan trọng. Tuy nhiên, tôi rất hạnh phúc vì một phần nào đó tư cách của mình trong nghề nghiệp được ghi nhận, đó cũng là thành quả của mình, một sự khích lệ. Ví dụ, khi tôi hát một bài hát tôi rất thích nhưng chỉ có một người nào đó hiểu và thích, đa số công chúng không thích tôi vẫn cảm thấy được khích lệ vì có người hiểu được phần nào đó của mình.

- Chị có cảm thấy điều đó tạo nên sự cô độc trong tiếng hát của mình không? Vì họ đánh giá cao dòng nhạc của chị nhưng không hiểu chị?

- Tôi nghĩ người nghệ sĩ sự cô độc là cần thiết, để tạo nên cá tính. Làm nghệ thuật mà không có cá tính dễ hòa tan bản thân mình. Thật ra được số đông yêu mến là một hạnh phúc, nhưng ai mình cũng được lòng thì không có gì đặc biệt cả.

Tôi bây giờ có cái nhìn khác về nghề của mình, cuộc sống của mình. Tôi không còn sợ cô độc như ngày xưa nữa. Bây giờ tôi lại thấy nếu cuộc sống cứ toàn màu hồng, toàn vui vui thì sẽ rất chán. Thăng trầm cũng là một cách để biết mình đang sống. Và chỉ khi trải qua trầm thì mới hiểu hết giá trị của thăng. Sự đa chiều trong cảm xúc sẽ giúp người nghệ sĩ dễ dàng thăng hoa trong nghệ thuật hơn.

- Nhưng nói như thế thì chị có thấy rằng sự đòi hỏi của nghệ thuật khắc nghiệt quá không?

- Nó đúng là khắc nghiệt mà. Nhưng như thế mới là nghệ thuật. Vả lại, không thể nào nói vì môi trường không phù hợp nên tôi không thèm sống nữa, tôi di dời đi chỗ khác. Cho dù bình dân là dễ đi, tôi cũng không thể chỉ ngồi và xem thường chứ không hát nữa. Nếu thế thì là tôi kém.

- Xin cám ơn chị!

Tú Anh