Buồn vui đón Tết tại bệnh viện trẻ con

08:09 | 28/01/2014

1,252 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày cuối cùng đi làm trước khi nghỉ Tết, đường phố Hà Nội đã vắng người hơn vì nhiều công ty cho nhân viên nghỉ tết sớm nhưng Viện Nhi Trung ương vẫn “đông vui” như thường lệ. Hàng trăm lượt bệnh nhân nhỏ tuổi được “hộ tống” bởi cha mẹ, ông bà lũ lượt kéo nhau từ khắp các tỉnh phía Bắc đến để khám chữa bệnh. Chỉ còn chưa đầy 2 ngày nữa là đến giao thừa năm Giáp Ngọ nhưng các bác sĩ, điều dưỡng và các nhân viên vẫn quay cuồng với lịch làm việc kín bưng từ sáng đến đêm.

Trẻ không biết chọn ngày ốm

Những ngày giáp tết đến các bệnh viện thường bắt gặp hai tâm trạng trái ngược từ bệnh nhân cùng người nhà. Những người phải nhập viện thì đầu lo lắng và căng thẳng. Ngược lại những bệnh nhân cùng người nhà được xuất viện trước tết thì mừng vui hồ hởi ra mặt. Bệnh viện Nhi Trung ương (Viện Nhi TƯ), với đặc thù bệnh nhân là trẻ em, không hiếm gia đình gồm cả bố, mẹ, ông, bà phải đón Tết trong bệnh viện.

Bệnh nhi tại khoa Hô hấp ngày 27 tháng Chạp

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Đình Chiến, quê Giao Thiện, Giao Thủy, Nam Định đang trông cô con gái trong sân chơi khoa Khám và Điều trị Tự nguyện A. Những nét lo lắng hằn trên khuôn mặt đẹp trai, kiên nghị.

Anh Chiến cho biết: “Tôi là sĩ quan chuyên nghiệp, hiện nay đang đóng quân tại Đông Anh, Hà Nội. Tôi có 2 cháu gái, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ thì mới hơn 1 tháng. Đợt này cả 2 cháu cùng ốm, cháu lớn thì viêm tiểu phế quản, cháu nhỏ các bác sĩ đang cho làm xét nghiệm viêm phổi. Năm nay tôi được nghỉ 3 ngày, từ ngày 28 đến 30 Tết là phải về đơn vị. Tình hình này chưa biết tính thế nào đây”. Kín đáo thở dài một tiếng, anh lại ôm con tất tả đuổi theo các cô điều dưỡng đến phòng chụp X quang phổi.    

Anh Chiến sẽ phải dành những ngày phép ít ỏi để cùng con "đón Tết" trong bệnh viện.

Thời điểm giao mùa, bệnh phổ biến nhất ở trẻ là những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Bởi vậy những ngày cận Tết, lượng bệnh nhân nhập viện khoa hô hấp vẫn liên tục tăng cao. Hiện nay khoa có 50 giường bệnh nhưng hầu hết mỗi giường bệnh đều từ 2 -3 bệnh nhân. Vào thời gian cao điểm khoa phải huy động thêm các bác sĩ chuyên khoa liên quan để có thể nhanh chóng khám, đưa ra các phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt các ca cúm A (H5N1 và các chủng cúm biến thể) đang có hiện tượng tăng cao nên các bác sĩ khoa truyền nhiễm cũng phải tăng cường tham gia khám, chuẩn đoán, thực hiện kiểm tra nhanh (có kết quả lâm sàng trong thời gian 15 phút) với các bệnh nhân có nghi ngờ nhiễm cúm A.

Bác sĩ Lâm khám cho bệnh nhi tại khoa Hô hấp

Bác sĩ Thanh Lâm, Khoa Truyền nhiễm cho biết: “Chỉ tính riêng trong ngày 27/1 có khoảng gần 200 bệnh nhân tại nhiều tuyến tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã phải khám và điều trị tại Khoa Hô hấp. Sau khi được tích cực điều trị, chúng tôi sẽ cho phép các bệnh nhân đã có những biểu hiện tích cực như cắt các cơn sốt, sức khỏe của trẻ ổn định và theo cam kết và yêu cầu ra viện của cha mẹ, người nhà các em được xuất viện ăn Tết. Các trường hợp nặng, cần theo dõi diễn biến bệnh chúng tôi đành phải bắt buộc phải nhập viện. Các bác sĩ, nhân viên y tế vẫn động viên người nhà bệnh nhân, trẻ em không biết chọn ngày để ốm, ăn Tết trong bệnh viện cũng là một trải nghiệm không phải ai cũng có đâu”.

Vui buồn Tết viện Nhi

Đã thành thông lệ, trước nghỉ Tết Nguyên đán 1 tháng, các phòng ban, khoa chuyên môn, viện nghiên cứu sức khỏe trẻ em của Viện Nhi TƯ đã lên lịch trực Tết. Với gần 1.000 cán bộ nhân viên trong 41 khoa chuyên môn nên việc điều chỉnh, lên kế hoạch trực Tết là một công việc khá phức tạp.  

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Viện Nhi TƯ, trong dịp Tết Nguyên đán 2014 bệnh viện đã đưa ra các phương án thường trực, thuốc dự phòng và thành lập ban chỉ đạo phòng chống cháy nổ, cũng như dịch bệnh thường. Bệnh viện cắt cử hơn 200 cán bộ, nhân viên y tế thường trực trong dịp Tết. Bệnh viện cũng có kế hoạch bảo đảm chu đáo cho bệnh nhân cũng như các cán bộ, nhân viên trực tại bệnh viện ăn miễn phí trong bốn ngày Tết, tổ chức tặng quà cho những bệnh nhân nặng phải ở lại bệnh viện. Mặt khác, hệ thống đường dây nóng của bệnh viện cũng được xử lý nghiêm túc theo chỉ thị 09 của Bộ trưởng Bộ Y tế để có thể xử lý các trường hợp khẩn cấp, khiếu nại về tác phong làm việc của các cán bộ, nhân viên…

Thực tế chúng tôi tìm hiểu tại các chuyên khoa lâm sàng của bệnh viện, lượng bệnh nhân khám và điều trị tại các khoa trong dịp tết hầu như không giảm. Trung bình đều khoảng gần 1.000 lượt bệnh nhân/ngày. Tết năm nay, Chính phủ cho phép nghỉ 10 ngày. Bởi vậy, cán bộ y tế thường trực trong dịp Tết được xếp lịch ưu tiên cho các cán bộ có quê ở các tỉnh xa được về quê ăn Tết nhưng ít nhất cũng phải trực trong vòng 3 đến 5 ngày.

Một số chuyên khoa lâm sàng như hô hấp, tiêu hóa luôn trong tình trạng quá tải từ 2 đến 3 bệnh nhân/giường.

Chị Phương Thảo, nhân viên khoa Điều trị Tự nguyện A cho biết: “Tổ chúng tôi gồm 5 người, có 2 người quê tận Sơn La, Hà Tĩnh. Bởi vậy để ưu tiên cho đồng nghiệp về quê ăn Tết, 3 người còn lại phải chia nhau trực từ ngày 29 đến mùng 3 Tết. Mỗi người “gánh” cho nhau một chút là truyền thống của chị em trong nghề chúng tôi”.

Là một bác sĩ có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, Tiến sĩ Trần Thanh Tú, Trưởng khoa Điều trị tự nguyện A cho biết: “Ngành y là một ngành đặc thù, khi lựa chọn ngành này chúng tôi đã và luôn hiểu rằng luôn phải sẵn sàng hy sinh nhiều thứ mà người bình thường được hưởng và không có chỗ cho sự sai lầm và chủ quan. Là một khoa có 100% cán bộ, nhân viên là nữ, chúng tôi không ít lần phải động viên các y tá, nhân viên trẻ khi các em tủi thân, chán nản. Điều đó là tự nhiên khi ngay trong các dịp lễ, tết thì con, cháu của nhiều bác sĩ, y tá, nhân viên bị bệnh không người chăm sóc mà chúng tôi vẫn phải trực theo ca, kíp đã được phân công. Trong khoa chúng tôi không ít trường hợp trực tết về đến nhà thấy con lê la, bẩn thỉu, bốc cả rác mà ăn… mà không kìm được nước mắt. Làm nghề này mà không yêu trẻ, không tự nguyện hi sinh thì chắc chắn không thể vượt qua và từ bỏ ngay từ những ngày đầu tiên”.

Được biết, cách đây gần 20 năm, Việt Nam đã từng có thời gian không đào tạo khoa Nhi. Khi đó có những quan niệm sai lầm rằng chữa được bệnh cho người lớn cũng có thể chữa được bệnh cho trẻ em nên người học chuyên khoa Nhi sẽ không có tương lai. Thời gian đã chứng minh những y bác sĩ nhi khoa Việt Nam đã làm rất tốt thiên chức của mình, nhiều thành tựu nghiên cứu, điều trị lâm sàng được y học thế giới biết đến, liên tục giảm tỷ lệ tử vong, điều trị thành công các loại bệnh hiểm nghèo ở trẻ em. Mỗi dịp tết đến, xuân về hàng triệu gia đình đón tết sum vầy, có mấy ai hiểu và chia sẻ những chuyện buồn vui của những nhân viên y tế, những người hàng chục năm chưa từng đón một cái tết đủ đầy.

Thành Công