Buổi gặp gỡ xúc động của các bác sĩ với trẻ được ghép tạng

16:46 | 05/09/2014

908 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 5/9, Lễ kỷ niệm 10 năm ghép tạng Bệnh viện Nhi Đồng 2 diễn ra trong không khí vui mừng, xúc động, khi những y, bác sĩ trong êkip phẫu thuật năm nào gặp lại những đứa trẻ được chính mình ghép gan, ghép thận giờ đây đã lớn lên và hoàn toàn khỏe mạnh.

Mười năm trôi qua kể từ khi ca ghép thận đầu tiên ở trẻ em được tiến hành ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, đến nay đã có 12 ca ghép thận và 8 ca ghép gan được thực hiện tại bệnh viện này. Tỷ lệ trẻ ghép gan sống sau 12 tháng là 75% và ghép thận là 100%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức của ngành ghép tạng trẻ em.

GS. Trần Đông A và các chuyên gia Bỉ hỏi thăm sức khỏe trẻ ghép tạng

Anh Lê Văn Thuận, ngụ TP HCM là cha của bé Lê Ngọc Xuân Quý, ca ghép gan đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 năm 2005 kể lại: Quý bị teo đường mật bẩm sinh, phải mổ Kasai từ lúc 4 tháng tuổi ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhưng vẫn tiến triển đến xơ gan. May mắn và kịp thời, năm Quý được 2 tuổi, Bệnh viện Nhi Đồng 2 chuẩn bị chọn cặp ghép gan đầu tiên nên vợ chồng anh quyết định qua đây gặp GS. Trần Đông A để được khám và chọn lọc. Sau khi khám thì thấy gan của mẹ cháu và cháu hợp nên gia đình xung phong làm vì nếu không ghép thì cháu không qua khỏi được nữa. Lúc đó, các bác sĩ đánh giá nếu không được ghép gan thì Quý chỉ còn sống được 1 – 2 tháng nữa. Rất vui mừng là ca ghép thành công, đến nay Quý khỏe mạnh, đi học, vui chơi như những đứa trẻ khác, còn mẹ cháu cũng khỏe mạnh và làm việc bình thường.

Tại buổi lễ, các y, bác sĩ trong êkip ghép tạng của Bệnh viện Nhi Đồng 2 và  các giáo sư, bác sĩ đến từ Pháp, Bỉ đã hỏi thăm sức khỏe các bé được mình ghép tạng và bày tỏ sự vui mừng khi nhìn thấy các em lớn lên khỏe mạnh.

Bé Lê Ngọc Xuân Quý và cha

Các bé được ghép tạng cũng gởi lời cảm ơn sâu sắc đến cha mẹ và các y, bác sĩ đã cho mình có mặt lần thứ 2 trên cuộc sống này và mong muốn sẽ có nhiều trẻ cũng may mắn có được cơ hội sống như các em.

Nhu cầu ghép tạng cho trẻ em tại Việt Nam: thực sự cần thiết

Hiện nay, chi phí phẫu thuật, điều trị và nguồn tạng hiến được đánh giá là hai khó khăn lớn nhất trong công tác ghép tạng. Một ca ghép gan trẻ em thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 chi phí khoảng 300 – 400 triệu đồng còn chi phí ghép thận khoảng 100 triệu đồng, là gánh nặng cho bệnh viện cũng như gia đình bệnh nhân. Bên cạnh đó, bảo hiểm y tế hiện chưa chi trả cho việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch đến 18 tuổi cũng là một khó khăn cho hầu hết các gia đình có trẻ được ghép tạng.

Ngoài ra, nguồn tạng hiến hiện cũng rất khan hiếm, các ca phẫu thuật ghép tạng trẻ em thực hiện ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 đều lấy nguồn từ người cho sống, trong đó chủ yếu là từ ba mẹ của trẻ, trong khi đó, không phải lúc nào tạng của ba mẹ các em cũng tốt để có thể hiến cho con. Do đó, việc triển khai ghép tạng từ người cho chết não đối với bệnh nhi là một nhu cầu bức thiết để tăng thêm nguồn cung cấp tạng, đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Các bệnh nhi được ghép tạng chụp ảnh lưu niệm với êkip phẫu thuật

Theo Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 Trương Quang Định, ước tính mỗi năm trên cả nước có hơn 90 trẻ sinh ra bị chứng teo đường mật bẩm sinh, trong đó khoảng 1/2 số này cần được ghép gan. Và, theo nghiên cứu khác tại 3 bệnh viện: Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Chợ Rẫy thì trong 5 năm có hơn 300 trẻ dưới 19 tuổi nhập viện với chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối. Do đó, ghép gan, ghép thận trẻ em là nhu cầu có thật tại Việt Nam.

Ca ghép thận đầu tiên trên thế giới được thực hiện vào năm 1954 tại Boston trên 2 anh em sinh đôi cùng trứng bị viêm cầu thận. Đến năm 1963 Thomas E.Starzl’s thực hiện ca ghép gan đầu tiên trên trẻ 3 tuổi bị teo đường mật bẩm sinh tại Denver. Tại Đông Nam Á, 1984 ca ghép gan đầu tiên thực hiện tại Đài Loan từ người cho chết não tại thời điểm mà chết não chưa được luật hóa rõ ràng ở đây. Ca ghép gan đầu tiên thực hiện tại Thái Lan 1987 và tại Singapore năm 1990. Còn tại Việt Nam, ca ghép gan đầu tiên trên trẻ em được thực hiện tại bệnh viện Quân Y 103 năm 2003, sau đó năm 2004 bệnh viện này cũng tiến hành thực hiện ca ghép thận đầu tiên.

Mai Phương