Bước “đột phá” của cảng biển Hải Phòng

10:45 | 05/08/2024

107 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng hàng hóa thông qua các cảng Hải Phòng tăng đột biến, nhưng số lượng tàu vào làm hàng lại giảm đáng kể. Điều này cho thấy cảng biển Hải Phòng đã có bước “đột phá” khi thay đổi đáng kể từ số lượng sang chất lượng thông qua những con tàu lớn.
Nâng cao năng lực cảng biển Việt NamNâng cao năng lực cảng biển Việt Nam
Tập đoàn hàng đầu Ấn Độ dự kiến đầu tư 2 tỷ USD vào cảng Liên ChiểuTập đoàn hàng đầu Ấn Độ dự kiến đầu tư 2 tỷ USD vào cảng Liên Chiểu
Bước “đột phá” của cảng biển Hải Phòng
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng tàu đến Cảng biển Hải Phòng đạt 8.251 lượt chiếc, giảm 266 lượt nhưng lượng hàng hóa lại tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng tàu đến cảng biển Hải Phòng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng ấn tượng, đạt gần 16%.

Hàng qua cảng tăng mạnh

Ông Hà Quang Thắng - Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng tàu đến với cảng biển Hải Phòng đạt 8.251 lượt chiếc, giảm 266 lượt so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lượng hàng hóa lại tăng hơn 7 triệu tấn (tương đương tăng 15,93%). Đặc biệt, lượng hàng hóa đến cảng biển Hải Phòng bằng phương tiện thủy nội địa tăng trưởng cao.

Tốc độ tăng trưởng hàng hóa đến cảng cao tiếp tục được ghi nhận tại Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) khi liên tục duy trì sản lượng hàng hóa thông qua hơn 140.000 Teus container/tháng. Trong 5 tháng đầu năm 2024, TC-HICT ghi nhận sản lượng đạt 655.249 Teus, bằng 152,82% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều doanh nghiệp cảng trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm nay cũng đạt mức tăng trưởng lượng hàng hóa, như: VIP Green port, Nam Đình Vũ, Hải An, Nam Hải Đình Vũ… Cùng đóng góp vào thành công đó còn có sự vượt trội từ các phương tiện thủy nội địa khi đưa lượng hàng hóa đến các cảng trên địa bàn Hải Phòng tăng hơn 1,3 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo TS. Nguyễn Minh Đức – Phó Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Hàng hải Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, ngành cảng biển Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng trong suốt giai đoạn vừa qua phát triển rất tốt. Tại TP. Hải Phòng, tính từ năm 2010 đến nay, chỉ tính riêng sản lượng hàng qua cảng bằng container có lẽ phải tăng gấp 3 lần. Mặt khác, quy mô năng lực về cảng biển cũng tăng rất nhanh, hàng loạt các bến cảng mới được đưa vào xây dựng và khai thác. Kể cả trong những giai đoạn khó khăn như COVID-19, sản lượng qua cảng tại Hải Phòng cũng vẫn tăng, chứ không giảm. Trong 6 tháng cuối năm 2024, chúng ta vẫn có thể tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng này.

Đầu tư cho giai đoạn mới

Theo kế hoạch đề ra, năm 2024 lượng hàng hóa thông qua các cảng Hải Phòng đạt 190 triệu tấn. Thế nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 75,7 triệu tấn, tăng 9,03% so với cùng kỳ. Như vậy, dù đã đi hết 1/2 hành trình nhưng sản lượng hàng hóa qua cảng mới chỉ đạt hơn 1/3 kế hoạch năm. Chỉ còn 6 tháng để đảm bảo sản lượng trên 100 triệu tấn là điều khó khăn, mặc dù lượng hàng hóa thông qua cảng vào cuối năm có thể cao hơn.

Để đạt được kế hoạch đề ra, nhiều đơn vị cảng đã đẩy mạnh công suất khai thác. Đại diện cảng TC-HICT cho biết, với lượng hàng hóa qua cảng tăng liên tục, đầu tháng 6/2024, đơn vị đưa vào sử dụng thêm 15 xe đầu kéo Kalmar TL2 (có sức kéo 75.000 kg, gồm cả tự trọng và hàng hóa), nâng tổng số xe đầu kéo container tại cảng lên 45 xe. Với số lượng xe này, TC-HICT bảo đảm đáp ứng vận chuyển nội bộ trong cảng, vừa hỗ trợ các tàu rút hàng hóa nhanh, vừa tạo điều kiện để các chủ hàng luân chuyển hàng container trong cảng thuận lợi hơn.

Ông Phạm Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cho biết, cảng Hải Phòng nỗ lực đầu tư đổi mới nâng cao năng lực xếp dỡ, gắn với chuyển đổi số tạo thuận lợi hơn cho khách hàng. Cùng với đó, Cảng đang nỗ lực hoàn thành dự án đầu tư xây dựng bến số 3, 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Cảng hoàn thành xong công tác xây dựng cầu cảng và đang triển khai các nhiệm vụ tiếp theo, phấn đấu đưa cảng vào khai thác trong quý I/2025.

Còn theo đại diện Tập đoàn Hateco, đầu năm 2025, bến số 5, 6 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện cũng sẽ được đưa vào khai thác… Như vậy, bắt đầu từ năm 2025, Lạch Huyện trở thành khu cảng nước sâu với 6 cầu cảng liên hoàn, có thể tiếp nhận tàu lên đến 160.000 DWT. Trong 6 tháng cuối năm nay không chỉ là việc hoàn thành kế hoạch mà đã đến lúc các doanh nghiệp cảng chuẩn bị cho sự phát triển mới.

Hàng hóa tăng trưởng là tín hiệu lạc quan, tuy nhiên theo TS. Nguyễn Minh Đức, khi sản lượng hàng hóa thông qua các cảng tăng nhanh như vậy, việc tắc nghẽn chắc chắn sẽ xảy ra. Vì vậy, việc kết nối với địa phương cũng phải giải quyết thật tốt. Nếu chỉ trông cậy vào vận tải đường bộ thì tắc nghẽn có lẽ là không thể tránh khỏi, các phương thức vận tải khác, phương thức vận tải cao, thân thiện với môi trường như vận tải thủy nội địa cũng sẽ phải được quan tâm nhiều hơn. Tiếp đó là việc chuyển đổi số để phục vụ khách hàng nhanh hơn, chính xác hơn.

“Khi áp lực về sản lượng hàng hóa ngày càng cao, áp lực trong thực hiện chuyển đổi số đòi hỏi từ hệ thống đến nguồn nhân lực phải có thêm những kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu mới về bảo mật thông tin, thích ứng với những biến động bất thường có thể xảy ra đối với thị trường, đối với ngành cảng biển”, TS. Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Theo Nhật Minh/Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp