Bước chuyển mình của thị trường thẻ thanh toán nội địa

06:39 | 26/01/2021

141 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
NAPAS cùng 7 ngân hàng đã ra mắt thẻ chip tín dụng nội địa, là sự kiện đánh dấu bước chuyển mình của thị trường thanh toán, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam.

Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và bảy ngân hàng thương mại (NHTM) gồm: NHTMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), NHTMCP Bản Việt (VietCapital Bank), NHTMCP Á Châu (ACB), NHTMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), NHTMCP Bảo Việt (Bảo Việt Bank), NHTMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) và NHTMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đã ra mắt sản phẩm Thẻ tín dụng nội địa và Thẻ trả trước nội địa.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại sự kiện
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại sự kiện

Với sự kiện này, thị trường thanh toán thẻ nội địa từ đây sẽ có các dòng sản phẩm đa dạng và đầy đủ nhất so với gồm: Thẻ ghi nợ, Thẻ tín dụng và Thẻ trả trước theo một tiêu chuẩn thống nhất.

Kể từ thời điểm ra mắt sản phẩm thẻ chip ghi nợ nội địa của bảy ngân hàng đầu tiên vào tháng 5-2019, đến tháng 12-2020, ghi nhận đã có 38 ngân hàng thực hiện phát hành thẻ chip nội địa và nâng cấp hạ tầng chấp nhận thẻ chip trên các thiết bị ATM/POS. Sự kiện ra mắt này trong kế hoạch triển khai tiếp theo của NAPAS và các ngân hàng đối với công tác chuyển đổi và đa dạng hóa sản phẩm thẻ chip nội địa theo lộ trình tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN và Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa do NHNN ban hành.

Thẻ chip tín dụng nội địa do các ngân hàng, công ty tài chính Việt Nam phát hành với những đặc điểm: Chi tiêu trước trả tiền sau với thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày; Chấp nhận thanh toán và sử dụng trên mạng lưới thanh toán 235.304 POS và 14.386 ATM chấp nhận thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tất cả các ngân hàng; Chi phí hợp lý cho các đơn vị phát hành, đơn vị chấp nhận thanh toán và khách hàng.

Thẻ chip tín dụng nội địa là sự lựa chọn phù hợp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), giúp khách hàng dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại với mức phí hợp lý; góp phần triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và từng bước đẩy lùi tín dụng đen. Tín dụng tiêu dùng ở nhiều quốc gia phát triển cũng được coi là giải pháp cấp tín dụng cho các khoản vay tiêu dùng phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu, góp phần kích cầu tiêu dùng, hạn chế tín dụng phi truyền thông. Chủ thẻ tín dụng nội địa có thể thanh toán khi mua hàng, sử dụng dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán qua internet, các đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến. Hạn mức tín dụng của thẻ nội địa do các ngân hàng xác định với từng nhóm khách hàng. Ngoài ra, chủ thẻ tín dụng nội địa có thể rút tiền mặt tại tất cả các ATM trong nước và mạng lưới liên kết của Napas tại Hàn Quốc, một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia… với chi phí hợp lý.

Thẻ chip trả trước nội địa với tính năng nạp tiền trước để thanh toán phù hợp với những giao dịch thanh toán yêu cầu thời gian thực hiện rất nhanh (dưới 1 giây/giao dịch) với số lượng giao dịch lớn như trong giao thông công cộng, những giao dịch mua sắm nhỏ lẻ hằng ngày hoặc dành cho những đối tượng chưa đủ điều kiện phát thành thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ nhưng vẫn có cơ hội tham gia và trải nghiệm các phương thức thanh toán hiện đại. Napas phối hợp các ngân hàng phát hành hai sản phẩm là Thẻ trả trước định danh và Thẻ trả trước không định danh.

Với thẻ trả trước định danh, khách hàng muốn mở thẻ thì phải có thông tin định danh khách hàng. Khi có thông tin định danh thì khách hàng không bị giới hạn hình thức giao dịch như có thể thanh toán tại quầy, rút tiền mặt, chuyển khoản. Thẻ trả trước không định danh là sản phẩm mà khách hàng khi cần có thể đăng ký phát hành dễ dàng, tuy nhiên có hạn chế về kênh giao dịch và giá trị giao dịch theo quy định của NHNN.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT NAPAS cho biết: “Vai trò của NAPAS là cung cấp cho Ngân hàng, đối tác những giải pháp về phát hành và thanh toán ứng dụng công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực thẻ thanh toán nhằm hoàn thiện hệ sinh thái thẻ nội địa cung cấp sản phẩm thanh toán đơn giản, thuận tiện với chi phí hợp lý cho mọi khách hàng, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tài chính đến những đối tượng yếu thế, góp phần phát triển tài chính toàn diện”.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết: Nhằm thúc đẩy chuyển đổi thẻ chip nội địa theo lộ trình tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN của toàn thị trường; căn cứ kết quả đạt được của các ngân hàng, vào ngày 31-12-2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 22/2020/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Theo đó, từ ngày 31-3-2021, các ngân hàng sẽ dừng phát hành thẻ từ để chuyển sang phát hành thẻ chip đối với các thẻ có số BIN do NHNN cấp và đến 31-12-2021, 100% các máy ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của Tổ chức thanh toán thẻ tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Việc các ngân hàng triển khai các loại thẻ mới ngày hôm nay là dấu mốc quan trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm thẻ thanh toán, đồng bộ về quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật, tương thích và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, bảo mật trong thanh toán góp phần xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia" - Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định.

Sự gia nhập phát hành thẻ chip tín dụng nội địa tạo nên sự đa dạng cho thị trường và đa dạng lựa chọn cho người dùng
Sự gia nhập phát hành thẻ chip tín dụng nội địa tạo nên sự đa dạng cho thị trường và đa dạng lựa chọn cho người dùng

Đại diện của một trong bảy TCTD, ngân hàng Bản Việt cũng chia sẻ thêm nhân sự kiện: "Về dài hạn, trên cơ sở nền tảng định danh điện tử khách hàng (eKYC) đã được xây dựng và được NHNN chấp thuận, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi số các kênh để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận thẻ nội địa hơn, hợp tác chặt chẽ với cộng đồng Fintech để sản phẩm này đến khách hàng một cách nhanh và thuận tiện nhất”.

Đối với phía khách hàng, việc các ngân hàng phối hợp cùng NAPAS mang đến các phẩm thẻ tín dụng nội địa với các tính năng an toàn, bảo mật đều được áp dụng theo chuẩn quốc tế (sử dụng công nghệ thẻ chip VCCS) để chủ thẻ hoàn toàn có thể yên tâm giao dịch, là một tin tích cực thực sự cho nhu cầu của họ. Đặc biệt khi nhu cầu thực tế từ hạn chế thanh toán tiếp xúc trong mùa dịch và cả theo thói quen được hình thành từ xu hướng thanh toán không sử dụng tiền mặt vốn đã được khuyến khích nhiều thời gian qua. Còn nhớ trong năm 2020, giữa mùa dịch, doanh số sử dụng thẻ trong nước đã có dấu hiệu giảm mạnh và Hiệp hội Ngân hàng VN đã phải gửi văn bản đến Tổ chức thẻ quốc tế Visa và MasterCard, hé lộ thông tin về việc "ăn chia" giữa các tổ chức thẻ quốc tế và các ngân hàng. Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng VN, trung bình các ngân hàng thanh toán đang phải trả cho Visa, MasterCard từ 3-4 loại phí trên mỗi giao dịch và Hiệp hội có kiến nghị các tổ chức thẻ quốc tế giảm phí, qua đó giảm sức ép lên người tiêu dùng cuối cùng - những khách hàng sử dụng thẻ và phải gánh cả phí của bên phát hành thẻ lẫn bên thanh toán là các ngân hàng. Giới chuyên môn đánh giá nặng phí/ giao dịch thẻ là rào cản lớn đối với tiến trình thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam khi người dùng phải gánh chịu nếu muốn sử dụng các phương tiện thanh toán thuận tiện, bảo mật, công nghệ cao.

Vì vậy, việc đa dạng hóa và "nội địa hóa" các sản phẩm thẻ chính là cách thức để tạo sự thuận tiện tối ưu cho khách hàng, tạo ra với các mức phí phù hợp khả năng sử dụng, chi trả của nhiều người hơn. Khách hàng của thị trường thanh toán thẻ được trả về đúng quyền "thượng đế" để được "quyền chọn trước đa dạng các loại thẻ của cả TCTD trong nước lẫn của các tổ chức quốc tế. Qua đó, tạo nên một thị trường cạnh tranh sôi động, lành mạnh và đây cũng là cơ hội để các ngân hàng trong thúc đẩy các sản phẩm, mở rộng hệ thống khách hàng, tăng thêm nguồn thu phí dịch vụ.

Theo enternews.vn

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps