Bức xúc vì chuyện quy trình!

11:27 | 16/05/2013

560 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Quy trình” hay được người ta dẫn ra để nói về sự chậm trễ, song quy trình ấy thế nào để sau nhiều năm các di tích kêu cứu mà vẫn phải đợi… quy trình?!

Chùa Diên Hựu đã hơn 4 năm xin sửa, 10 lần gửi tâm thư nhưng thư đi, tin mãi không về!

Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa Một Cột, người gửi “tối hậu thư” cho UBND TP.Hà Nội có ví von việc kêu cứu đến các cấp chính quyền về tình trạng xuống cấp của chùa Một Cột như sau: “con có khóc thì mẹ mới cho bú”. Song, ông đã nổi “sân” lên, ra “tối hậu thư” vì “con” khóc mãi mà chẳng thấy “mẹ” đâu!

Cụ thể ông bức xúc vì nhà chùa 4 năm trước xin sửa, 10 lần viết “tâm thư”, nhưng thư đi mà không thấy có tin về. 

Vừa qua, những hình ảnh tràn ngập báo chí cho thấy Diên Hựu đang ở vào tình trạng thê thảm, “Ngói rơi vào đầu sư bất cứ lúc nào”, “Gỗ lạt mục nát trở thành tổ tò vò cho mối mọt”, “bình đồng dùng để đựng nước mưa trên ban Tam bảo” và xót xa nhất là câu chuyện mỗi độ trời mưa, các nhà sư ở đây phải “đội nón, mặc áo mưa” cho các pho tượng!

Cũng bằng từng ấy năm của chùa Diên Hựu, trụ trì chùa Trăm Gian, sư Thích Đàm Khoa cũng đã làm đơn lên các cấp xin được tu bổ, tôn tạo các hạng mục do xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, những lá đơn của nhà chùa đã không được đáp ứng kịp thời, và kết cuộc là sư trụ trì thành người “phá di tích”. Bà nói: “Vì lời kêu cứu của tôi suốt 4 năm trời không được đáp ứng nên tôi cũng đành liều. Nếu chờ thì không biết đến bao giờ”.

Cả hai sự việc trên đều có một điểm chung khiến người ta bức xúc nhất là sự vô vi đến mức khó tin của chính quyền địa phương, của nhà quản lý di tích.

Cũng xin khẳng định ngay rằng, sẽ không có vị chân tu nào dại dột đến mức suốt ngày chỉ lo chăm chút cho ngôi chùa vật chất cả. Bởi vì đó là sự vướng mắc là trói cột của người tu đạo giải thoát như các sư trụ trì nơi đây. Một nhà sư mà suốt ngày lo mua đất, cất chùa đẹp để làm trụ trì thì hỏng nặng. Họ sẽ trở thành phiền não Tăng, lúc nào cũng bực bội, đau khổ vì lo xây, lo giữ, lo sửa cái chùa vật chất của mình. Trong khi đó, chùa tâm linh thì đang bốc cháy!

Đó là bi kịch của người tu hành!

Cũng liên quan đến chuyện bảo tồn, chuyện “tối hậu thư”, vừa qua người dân làng cổ Đường Lâm cùng ký vào lá đơn xin trả lại danh hiệu “di tích quốc gia”. Lý do là họ “không chịu nổi nữa” trước cảnh bị cấm tuyệt đối việc “xây dựng sửa sang cơi nới nhà cửa trên chính mảnh đất của gia đình mình”, khi mà “Chính quyền xã Đường Lâm và một số người trong Ban quản lý di tích làng cổ suốt ngày đêm đi lùng sục phát hiện thấy nhà ai chở gạch, xi măng là lập tức thông báo cắt điện, nước, cuối cùng là cưỡng chế, đập phá các công trình xây dựng”.

Cũng vì lẽ đó mà làng cổ này hiện đang tồn tại một thực trạng “chả khác nào thời kì ăn hang ở lỗ”, không ít hộ có tới 3 cặp vợ chồng cùng ngủ chung một phòng chỉ rộng hơn 10m2. Không có đủ giường, đứa bé nằm chung với bố mẹ, đứa lớn trải chiếu nằm dưới đất. Có gia đình mọi thứ từ bàn ghế, giường chiếu, tủ quần áo, bếp gas và bàn thờ đều “nhét” chung một phòng…

Nhiều nhà ở làng cổ Đường Lâm đang rơi vào tình trạng của "thời ăn hang ở lỗ"

Câu chuyện chùa Diên Hựu - Một Cột hay làng cổ Đường Lâm còn báo động về thực trạng “treo” trong quản lý, trùng tu di tích. Từ năm 2008, UBND quận Ba Đình đã lập kế hoạch tôn tạo di tích chùa Một Cột với kinh phí hơn 31 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2013; nhưng đến nay, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy. Thậm chí, chưa có một cuộc hội thảo khoa học nào được tiến hành để có phương án trùng tu chùa đúng nhất, nhằm phát huy giá trị di tích đặc biệt này.

Tương tự, dù được công nhận di tích gần 10 năm nhưng đến nay làng cổ Đường Lâm vẫn chưa có quy hoạch, cũng chưa có quy chế chính thức nào về việc xây dựng trong khu di tích mà chỉ có quy chế tạm thời, kế hoạch giãn dân vẫn nằm trên giấy.

Và hiện tại, khi ông trụ trì chùa Diên Hựu nổi “sân” ra “tối hậu thư”, khi gần trăm người dân làng cổ Đường Lâm không chịu nổi uất ức vì bế tắt trong cuộc cuộc sống khiến họ phải gửi đơn xin trả danh hiệu thì chính quyền mới bắt đầu bàn tới.

Song, sau những cuộc họp, cuộc đối thoại ban đầu, giải pháp của chính quyền, cơ quan chức năng đưa ra chưa giải quyết được những bức xúc của đại diện chùa Diên Hựu hay làng cổ Đường Lâm.

Theo đó, chùa Một Cột sẽ được tu sửa với kinh phí dự kiến là 31 tỷ đồng, đó là một số tiền rất lớn để sửa chửa một ngôi chùa, song số tiền đó để sửa cái gì và sẽ tu sửa như thế nào thì câu trả lời vẫn còn ở những cuộc họp tương lai!

Chiều 15/5, trả lời những bức xúc của người dân Đường Lâm, ông Trương Minh Tiến, Phó GĐ Sở VHTT&DL TP.Hà Nội cho biết: “Không thể ngày nay, ngày mai, hay từ giờ đến cuối năm mà có thể giải quyết được bức xúc của bà con, mà nó có quy trình của nó… Những gì thuộc tâm tư nguyện vọng chính đáng của dân thì chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết”. 

“Quy trình” hay được người ta dẫn ra để nói về sự chậm trễ, song quy trình ấy thế nào mà sau nhiều năm các di tích kêu cứu mà vẫn phải đợi… quy trình? Xem ra nỗi khổ của người dân Đường Lâm vẫn sẽ còn treo lơ lửng trên những lời thông cảm và những văn bản để đó!

Thử hỏi trách nhiệm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích của chính quyền địa phương, của cơ quan quản lý di tích ở đâu? Hay là các vị ấy nghĩ rằng, chùa phải cổ kính và kỳ quái đến mức tượng Phật phải “đội nón, mặc áo mưa” thì mới thu hút được du khách? Hay làng cổ phải giống như “thời kì ăn hang ở lỗ” mới là độc đáo?!

Trúc Vân – Huyền Anh