“Bom nợ” Trung Quốc nổ tung

07:08 | 22/04/2021

2,109 lượt xem
|
Từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc liên tục có những vụ nỡ nợ trái phiếu có quy mô lớn, trong đó trái phiếu chính quyền địa phương cũng đang đứng trước nguy cơ này.

Trong năm 2020 có khoảng 39 doanh nghiệp Trung Quốc đã bị vỡ nợ trái phiếu ở trong và ngoài nước, lên đến gần 30 tỷ USD. Riêng 3 tháng đầu năm nay, quy mô vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc lên tới 11,4 tỷ USD.

Tổng số trái phiếu vỡ nợ tại thị trường nước ngoài của Trung Quốc từ đầu năm đến nay đạt gần 33% con số của năm 2020. Nguồn: Bloomberg.
Tổng số trái phiếu vỡ nợ tại thị trường nước ngoài của Trung Quốc từ đầu năm đến nay đạt gần 33% con số của năm 2020. Nguồn: Bloomberg.

Làn sóng vỡ nợ

Cuối năm ngoái, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đã dự báo nợ toàn cầu bao gồm cả khu vực công và tư lên tới 277.000 tỷ USD, tương đương 365% GDP. Trong đó, hệ số nợ/GDP của Trung Quốc lên tới 285%.

Trung Quốc là trường hợp điển hình, ngoài trái phiếu của những doanh nghiệp bất động sản, trái phiếu chính quyền địa phương lên đến “lằn ranh đỏ”, tương đương 90% GDP. Đây là hệ quả sau nhiều năm cho vay thả cửa đầu tư cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, đường sá, sân bay, nhà máy,… nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với mức nợ trong nền kinh tế như hiện nay thì khoảng 70% nguồn tài chính mới của Trung Quốc chỉ để trả nợ, chỉ còn 30% để hỗ trợ các hoạt động kinh tế mới. Đây là lý do giải thích tại sao các kích thích kinh tế có hiệu ứng yếu dần trong những năm gần đây. Nói cách khác, Trung Quốc có nhiều nguy cơ phải đối mặt nhiều thập kỷ mất mát, do đó sẽ mắc kẹt ở bẫy thu nhập trung bình.

Có thể nói, Trung Quốc đang ở vào thế mắc kẹt giữa áp lực xử lý nợ và tăng trưởng kinh tế bền vững. Muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì phải tăng nợ, và ngược lại. Bởi vậy, làn sóng vỡ nợ trái phiếu của Trung Quốc có thể vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Bài học cho Việt Nam

Với các nước phát triển, có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn và mức độ tín nhiệm cao trên thị trường tài chính, khả năng tăng nợ không phải là vấn đề. Tuy nhiên, với các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam…, kiểm soát nợ là vấn đề nan giải.

Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên đánh giá lại các khoản nợ vay nước ngoài, đồng thời cần rà soát lại các đại dự án còn chưa rõ ràng lỗ, lãi như đường sắt, đường bộ cao tốc Bắc - Nam…

Từ thực tế Trung Quốc cho thấy, đưa hạ tầng vượt quá xa với nhu cầu thực tế gây tác dụng ngược, cộng với khả năng kiểm soát đầu tư công chưa hoàn thiện dễ gây thất thoát, lãng phí, thậm chí tham nhũng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, tình trạng vợ nợ trái phiếu ở Trung Quốc là bài học đắt giá mà Việt Nam cần lưu ý. Tình trạng vỡ nợ trái phiếu ở Việt Nam cũng đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra khi mà các nhà phát hành trái phiếu, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, không có dòng tiền vào để có thể trả nợ.

“Bộ Tài chính nên thanh tra tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nếu thấy doanh nghiệp nào đang đứng trên bờ vực phá sản, thì cần có biện pháp phản ứng kịp thời”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp