Bộ Tài chính lý giải việc lập dự toán không sát, số vượt thu ngân sách cao

10:09 | 02/06/2023

289 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm 2022, vượt thu ngân sách đạt 403,4 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương đạt 195,5 nghìn tỷ đồng và ngân sách địa phương là 207,9 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính lý giải việc lập dự toán không sát, số vượt thu ngân sách cao
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề "nóng" đại biểu Quốc hội quan tâm

Tại phiên thảo luận ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề "nóng" đại biểu Quốc hội quan tâm trong lĩnh vực tài chính - ngân sách như: việc lập dự toán không sát dẫn đến số vượt thu ngân sách năm 2022 tăng 28,6% so với dự toán hay vấn đề tồn dư ngân quỹ hơn 1 triệu tỷ đồng...

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định năm 2022, việc điều hành kinh tế - xã hội thành công, tăng trưởng kinh tế GDP đạt 8,02% và thu ngân sách đạt 1.815.500 tỷ đồng, vượt so với cùng kỳ 15,7% và vượt dự toán 28,6%, bội chi ngân sách dưới 4%; đây cũng là năm kim ngạch xuất nhập khẩu đạt cao 732,5 tỷ USD, xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Trong năm 2022, lạm phát là 3,15%; nợ công giảm xuống chỉ còn 38% và nợ Chính phủ chỉ khoảng 34,7% GDP.

Giải trình làm rõ về việc lập dự toán không sát dẫn đến số vượt thu cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời điểm lập dự toán là tháng 9/2021, giai đoạn bùng phát Covid-19, trong quý này GDP tăng trưởng -6,02%, thu ngân sách tháng 9/2021 là -46 % so với cùng kỳ. Điều này dẫn đến việc dự toán ngân sách phù hợp thực tiễn thời điểm đó nhưng đến năm 2022 chống dịch thành công, khiến quý 1/2022 tăng trưởng 5,05%, quý 2 tăng 7,83%, quý 3 tăng lên 13,7% và bình quân cả năm là 8,02%. Vì thế, vượt thu ngân sách đạt 403,4 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương đạt 195,5 nghìn tỷ đồng và ngân sách địa phương là 207,9 nghìn tỷ đồng.

Về vấn đề để tồn dư ngân sách hơn 1 triệu tỷ mà không dùng vào việc khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết trên thực tế tồn dư ngân sách là 1.043 ngàn tỷ đồng, hiện gửi Ngân hàng Nhà nước là 895.000 tỷ đồng, lãi suất 0,8%/năm, số còn lại gửi tại ngân hàng thương mại, gửi ngắn hạn.

"Số tiền này gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, tức nguồn này là nguồn nhàn rỗi tạm thời có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn, chẳng hạn như bố trí vào các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia... và nguồn có nhiệm vụ chi chi tiết. Còn tồn đọng là bởi chúng ta chưa giải ngân hết, chứ không phải là nguồn để phân bổ vào việc khác", Bộ trưởng lý giải.

Về quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, vừa qua có những tồn tại như kênh liên kết giữa ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm cho khách hàng thông qua giới thiệu ngân hàng để hưởng hoa hồng. Ngoài ra, các hợp đồng lại dài, chưa rõ ràng nên người mua thường đọc không kỹ dẫn đến việc thua thiệt khi khiếu kiện.

“Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và xử lý nghiêm những ngân hàng và công ty bảo hiểm vi phạm. Bộ Tài chính cũng đang xây dựng nghị định và thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm rõ ràng, ngắn gọn, trọng tâm, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên. Đồng thời quy định mức tối đa chi thưởng, chi đại lý, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt 39,8% dự toán

Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt 39,8% dự toán

Bộ Tài chính vừa tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng 4/2023 và triển khai kế hoạch chương trình công tác tháng 5/2023.

P.V

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc