Bình Thuận: Triển vọng phát triển ngành điện gió ngoài khơi
Sự kiện do Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) của Đan Mạch phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận tổ chức với sự tham dự của ông Nicolai Prytz - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận, đại diện của các Sở, ban, ngành tại địa phương, các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Toàn cảnh hội thảo |
Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu những cơ hội đem lại cho tỉnh Bình Thuận khi phát triển ngành điện gió ngoài khơi; những lợi ích về kinh tế - xã hội, tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng và cơ hội việc làm; tiềm năng phát triển kinh tể biển song hành với các hoạt động hiện hữu như đánh bắt thủy hải sản, du lịch, bảo tồn hệ sinh thái và các hoạt động kinh tế biển khác.
Theo ông Stuart Livesey - Đại diện của Tập đoàn CIP tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có công suất 3,5 GW, tỉnh Bình Thuận là một trong những khu vực có tiềm năng gió tốt nhất tại Việt Nam, có điều kiện đáy biển lý tưởng để lắp đặt móng tua bin gió cố định, đồng thời có tiềm năng phát triển các cảng biển và lưới điện quy mô lớn phục vụ khai thác năng lượng gió.
Ông Stuart Livesey đã nhấn mạnh: Việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi hứa hẹn sẽ tạo ra cơ hội việc làm chất lượng cao cho người lao động tại địa phương và trên cả nước, đem đến cơ hội chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phát triển chuỗi cung ứng, giúp ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam ngày càng phát triển và nắm bắt được những cơ hội mới.
Ông Stuart Livesey - Đại diện của Tập đoàn CIP tại Việt Nam trình bày tại Hội thảo |
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Tập đoàn CIP đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm chuyên sâu được đúc kết từ quá trình phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trên khắp thế giới. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc phát triển ngành điện gió ngoài khơi có thể mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, phát triển hài hòa với các hoạt động đánh bắt thủy hải sản, phát triển du lịch và bảo tồn hệ sinh thái nếu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cao.
Ngoài ra, dựa trên nghiên cứu của Tập đoàn CIP, tỷ lệ nội địa hóa tại một trang trại gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt trên 40%. Ví dụ, với chi phí dự kiến khoảng 10,5 tỷ USD cho trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn, 4,4 tỷ USD sẽ được chi tiêu cho các hạng mục được thực hiện tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển và quản lý dự án, cung cấp phần móng, trạm biến áp trên bờ và ngoài khơi, cảng xây dựng, vận hành và dịch vụ bảo trì.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận đã khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Hội thảo có sự tham dự của ông Nicolai Prytz - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam |
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Nicolai Prytz đánh giá cao quyết tâm của tỉnh Bình Thuận và cho biết, với tư cách là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi từ năm 1991, Đan Mạch rất mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình nhằm hỗ trợ tỉnh Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung khởi tạo thành công ngành điện gió ngoài khơi.
Theo Báo Công Thương
-
Giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư để phát triển giao thông xanh bền vững
-
Chuyên gia khuyến nghị từng bước điều tiết giá điện theo cơ chế thị trường
-
Tiềm năng tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp còn rất lớn
-
Cấp thiết đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon
-
Phát triển thương mại điện tử: Cơ hội, động lực và thách thức