Bình Dương: Cảnh báo lừa đảo tiền tỷ chỉ bằng một cú điện thoại

16:06 | 25/10/2018

585 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thời gian gần đây, tỉnh Bình Dương ghi nhận xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách giả danh các cơ quan công quyền gọi điện đe dọa người dân, từ đó buộc các bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng.
binh duong canh bao lua dao tien ty chi bang mot cu dien thoaiMất 3 tỉ đồng sau cuộc điện thoại
binh duong canh bao lua dao tien ty chi bang mot cu dien thoaiBắt nhóm lừa đảo qua điện thoại gần 7 tỉ đồng
binh duong canh bao lua dao tien ty chi bang mot cu dien thoaiBắt 'nữ quái' trong nhóm lừa đảo qua điện thoại

Các đối tượng đã giả danh các cơ quan công quyền như: Công an, Viện kiểm sát cung cấp thông tin giả rằng các bị hại có liên quan đến các vụ án hình sự từ đó buộc các bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng để “kiểm tra”, sau đó nhanh chóng chiếm đoạt. Các đối tượng này hoạt động rất tinh vi, không để lại bất cứ thông tin gì và nhanh chóng tẩu thoát khi lấy được tiền.

Bị chiếm đoạt số tiền lớn nhất bằng hình thức trên là trường hợp chị L.T.H. (thường trú tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Nạn nhân đã đến trình báo công an bị lừa số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Cụ thể, chị H. đã nhận một cuộc điện thoại thông báo có một bưu phẩm, nhưng vì lý do nào đó nên bưu phẩm không thể gửi tới như dự định. Từ bưu phẩm “lạ” này, nhân viên tổng đài cho biết chị Mai sẽ phải trao đổi với “Công an TP HCM” để làm rõ, rồi tiến hành chuyển máy cho một người khác tự xưng là công an ở TP HCM trao đổi với chị. Người này đã dọa nạt rằng chị có liên quan tới đường dây rửa tiền cho nhóm tội phạm ma túy, và sẽ bị bắt tạm giam.

“Họ nói đã có đầy đủ bằng chứng để bắt tôi. Tôi nói mình không có liên quan gì đến ma túy, trốn thuế hay rửa tiền gì đó thì họ bảo sẽ gửi lệnh khởi tố, bắt tạm giam và những phiếu gửi tiền cho tôi” - chị H. kể.

Ngay sau đó, nhóm người này gửi vào điện thoại của chị H. một tờ “Lệnh tạm giam”, trong đó ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND, địa chỉ của nạn nhân. Vì quá chính xác thông tin lý lịch, địa chỉ nên chị H. đã nhanh chóng tin là thật.

binh duong canh bao lua dao tien ty chi bang mot cu dien thoai
"Lệnh tạm giam" giả mạo mà các đối tượng lừa đảo sử dụng

Nhóm người này tiếp tục gọi điện thoại cho chị H. yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản mà chúng cho để không bị phong tỏa tài khoản cá nhân khi bị điều tra. Chúng còn cho biết: “Đây là tài khoản của công an, để kiểm tra tính trong sạch của số tiền. Nếu sau này điều tra mà bà không liên quan thì chúng tôi sẽ hoàn trả đúng số tiền, bà cứ an tâm. Vụ án rất nghiêm trọng và đang quá trình điều tra nên bà không được nói bất kỳ ai”.

Vì lo sợ và nghĩ rằng họ là công an thật, chị H. tin tưởng chuyển tiền 2 lần vào tài khoản các đối tượng đưa với tổng cộng hơn 2 tỷ đồng. Sau đó, khi biết mình bị lừa, nạn nhân đã báo công an.

Trước tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng như trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn gửi các cơ quan, ban ngành, các địa phương nhằm tăng cường biện pháp phối hợp ngăn ngừa loại tội phạm này.

Theo công văn trên, tính đến tháng 8/2018 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng điện thoại, Internet với tổng số tiền là 8,8 tỷ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ ngành tư pháp như Cơ quan điều tra của Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… gọi điện cho người bị hại rồi cung cấp các thông tin sai sự thật, không xác thực liên quan đến tính mạng, tài sản của bản thân người bị hại hoặc người thân của họ.

Hầu hết các trường hợp bị hại do nhẹ dạ, cả tin, kiến thức pháp luật còn hạn chế nên đã tin vào thủ đoạn của bọn tội phạm và thực hiện chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của chúng.

Tuy nhiên tỷ lệ điều tra, phá án với loại tội phạm này rất thấp. Nguyên nhân do đối tượng sử dụng phần mềm máy tính để gọi điện cho bị hại nên việc truy nguyên theo dấu vết qua mạng Internet gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt tài khoản mà nhóm lừa đảo chỉ định cho bị hại chuyển tiền hầu hết là thuê lại nên chủ tài khoản không biết được động cơ cũng như nhân thân của đối tượng.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Công an tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh các biện pháp phổ biến kiến thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm đến người dân biết và chủ động phòng ngừa cũng như phát hiện các thông tin liên quan đến tội phạm này. Khuyến cáo người dân không nên cho người khác mượn, thuê tài khoản của mình để phục vụ cho việc thanh toán, chuyển tiền; khi phát hiện các thông tin có liên quan đến tội phạm trên thì kịp thời thông báo đến cơ quan công an gần nhất để biết và phối hợp xử lý.

Lâm Anh (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc