Biến đổi khí hậu và nhiệm vụ của nhân loại trong giai đoạn hiện nay

11:08 | 27/12/2017

1,116 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với sự hoạt động ngày càng tăng và các tác hại ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, nhân loại cần có các biện pháp khẩn trương và lâu dài nhằm hạn chế quá trình này.

1. Khái niệm về biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của hệ thống khí hậu bao gồm khí quyển, thủy quyển, thạch quyển và sinh quyển bởi các nguyên nhân tự nhiên hoặc nhân tạo. Giai đoạn hiện nay, biến đổi khí hậu gắn liền với hiện tượng nóng lên toàn cầu do sự gia tăng các hoạt động tạo ra khí nhà kính và các hoạt động phá hủy rừng (bể chứa và xử lý khí nhà kính một cách tự nhiên).

2. Nguyên nhân gây biến đổi khí hậu

Nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu là do sự thay đổi của bức xạ khí quyển bao gồm như bức xạ mặt trời, độ lệch quỹ đạo trái đất, hoạt động kiến tạo núi, hoạt động của núi lửa, sự trôi dạt lục địa và sự thay đổi nồng độ các khí nhà kính.

Giai đoạn hiện nay, các hoạt động kiến tạo địa chất gần như đã ở trạng thái ổn định cho nên biến đổi khí hậu hiện nay chủ yếu liên quan đến sự tăng lên của khí nhà kính, cụ thể hơn là sự tăng lên của khí CO2 do các hoạt động nhân sinh của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng.

bien doi khi hau va nhiem vu cua nhan loai trong giai doan hien nay

3. Dấu hiệu nhận biết biến đổi khí hậu

Giai đoạn hiện nay, quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh, có thể nhận biết được quá trình này qua các dấu hiệu như:

- Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng nhanh, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những năm có nhiệt độ nóng kỷ lục.

- Lượng mưa có chiều hướng tăng nhanh, gây nên nhiều trận lũ lụt với số lượng và mức độ thiệt hại ngày càng lớn.

- Mực nước biển trung bình toàn cầu tăng, gây xâm nhập mặn cho nhiều vùng thấp, điển hình như vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

- Hạn hán xảy ra thường xuyên hơn ở những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nguyên nhân chính là do nhiệt độ tăng làm tăng khả năng bốc hơi của nước ở những vùng có lượng mưa thấp hơn trung bình.

- Hoạt động ngày càng mạnh về số lượng cũng như cường độ của các cơn bão.

Như vậy biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, biểu hiện của chúng có thể khác nhau giữa các khu vực nhưng có thể kết luận một số đặc điểm chung là nhiệt độ tăng lên, lượng mưa biến động mạnh mẽ và có dấu hiệu tăng lên vào mùa mưa, giảm vào mùa khô, hiện tượng mưa lớn gia tăng, hạn hán xuất hiện thường xuyên hơn, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới phức tạp hơn, hiện tượng El Nino xuất hiện thường xuyên hơn và có biến động mạnh.

4. Biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay và nhiệm vụ của nhân loại

Nguyên nhân của biến đổi khí hậu hiện nay, tiêu biểu là sự nóng lên toàn cầu đã được khẳng định là do hoạt động của con người. Kể từ thời kỳ tiền công nghiệp (khoảng từ năm 1750), con người đã sử dụng ngày càng nhiều năng lượng, chủ yếu từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí đốt), qua đó đã thải vào khí quyển ngày càng tăng các chất khí gây hiệu ứng nhà kính, làm tăng hiệu ứng nhà kính của khí quyển, dẫn đến tăng nhiệt độ của trái đất.

Những số liệu về hàm lượng khí CO2 trong khí quyển được xác định từ khảo sát địa chất cho thấy, trong suốt chu kỳ băng hà và trước đó, hàm lượng khí CO2 trong khí quyển chỉ khoảng 180 - 200 ppm (phần triệu), thời kỳ tiền công nghiệp (280 ppm). Từ khoảng năm 1800, hàm lượng khí CO2 bắt đầu tăng lên, vượt con số 300 ppm và đạt trung bình 380 ppm vào năm 2005, đến 2013 đã đạt và vượt 400ppm tại một số vùng được quan trắc, nghĩa là tăng trên 30% so với thời kỳ tiền công nghiệp, vượt xa mức khí CO2 tự nhiên trong khoảng 650 nghìn năm qua.

Hàm lượng các khí nhà kính khác như khí mêtan (CH4), ôxit nitơ (N2O) cũng tăng lần lượt từ 715 ppb (phần tỷ) và 270 ppb trong thời kỳ tiền công nghiệp lên 1774 ppb (151%) và 319 ppb (17%) vào năm 2005. Riêng các chất khí chlorofluoro cacbon (CFCs) vừa là khí nhà kính với tiềm năng làm nóng lên toàn cầu lớn gấp nhiều lần khí CO2, vừa là chất phá hủy tầng ôzôn, chỉ mới có trong khí quyển do con người sản xuất ra kể từ khi công nghiệp nhiệt lạnh, hóa mỹ phẩm phát triển.

Đánh giá khoa học cho thấy, việc tiêu thụ năng lượng do đốt nhiên liệu hóa thạch trong các ngành sản xuất năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng v.v... đóng góp khoảng một nửa (46%) vào sự nóng lên toàn cầu, phá rừng nhiệt đới đóng góp khoảng 18%, sản xuất nông nghiệp khoảng 9%, các ngành sản xuất hóa chất (CFC, HCFC) khoảng 24%, còn lại (3%) là các hoạt động khác.

Với sự hoạt động ngày càng tăng và các tác hại ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, nhân loại cần có các biện pháp khẩn trương và lâu dài nhằm hạn chế quá trình này. Hiện nay, các nước trên thế giới đều gần như thống nhất hai biện pháp chính nhằm ngăn chặn quá trình nóng lên toàn cầu gồm:

- Giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, thay thế dần bằng các nguồn năng lượng ít phát thải hơn nhằm hạn chế phát thải thêm CO2 vào khí quyển.

- Khôi phục lại rừng và các hệ sinh thái nhằm tăng cường khả năng hấp thụ các khí nhà kính, đặc biệt là CO2.

TS. Đỗ Thanh Hải

Chuyên gia Hội Xúc tác và Hấp phụ Việt Nam

(Phó Giám đốc PTN trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam)

  • el-2024