Bí thư Thành ủy Hà Nội: "Người dân không nên mua gom hàng hóa, chỉ cần mua đủ dùng"
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội và Bộ Y tế, chỉ riêng trong ngày 18/7, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 37 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có nhiều ca cộng đồng nhưng chưa rõ nguồn lây. Thông tin này đã khiến không ít người dân hoang mang, nảy sinh tâm lý mua đồ dự trữ cho gia đình.
![]() |
Nhiều siêu thị trên địa bàn thủ đô đều hết hàng do lượng người mua tăng vọt |
Trước tình trạng này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền khơi dậy phong trào toàn dân, toàn diện phòng, chống dịch Covid-19. Tuyên truyền để người dân hiểu, bình tĩnh, không chủ quan, lơ là chống dịch. Đồng thời cũng không hoang mang, lo sợ thái quá phải tích trữ hàng hóa, thực phẩm.
"Người dân không nên mua gom hàng hóa, chỉ cần mua đủ dùng, vì các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh vẫn được phép hoạt động thành phố và thành phố đã tăng từ 30-50% lượng hàng thiết yếu phục vụ người dân", Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.
Nhấn mạnh về lâu dài giải pháp quyết định để đẩy lùi dịch Covid-19 vẫn là tiêm vắc xin, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo ngành y tế thành phố chuẩn bị sẵn sàng các phương án tiếp nhận và sử dụng kịp thời, hiệu quả cao nhất khi được Chính phủ phân bổ vắc xin.
![]() |
Hình ảnh các siêu thị "cháy hàng" được chia sẻ trên mạng xã hội |
Thành phố đã chủ động áp dụng biện pháp mạnh nhằm tận dụng tối đa “thời điểm vàng” ngăn không cho số ca mắc mới tăng lên. Người đứng đầu Thành ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ chủ chốt toàn thành phố phải nắm bắt ngay yêu cầu mới, bám sát địa bàn phụ trách, trọng tâm là siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tất cả nhằm bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng người dân.
"Chúng ta đã có kinh nghiệm gần 2 năm chống dịch, mọi người cần phải bình tĩnh, đồng lòng trong thời điểm khó khăn này. Nhà nước không ngăn sông cấm chợ, hà cớ gì lòng người cấm chợ ngăn sông?", Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bí thư Đinh Tiến Dũng kêu gọi người dân toàn thành phố tiếp tục đoàn kết, chung sức, chung lòng, ủng hộ và thực hiện nghiêm các biện pháp mới mà thành phố áp dụng, nhất là không tụ tập đông người, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và tuân thủ “5K” khi bắt buộc phải đi ra ngoài. Mọi chủ trương, biện pháp nếu không có sự đồng lòng, chấp hành từ người dân thì sẽ không có hiệu quả.
Ủng hộ quan điểm của Bí thư Hà Nội, nhiều người dân cho rằng, với kinh nghiệm phòng chống dịch từ những đợt dịch Covid-19 trước đó, nỗi lo khan hiếm thực phẩm hay tâm lý tích trữ đồ ăn là không cần thiết.
Trước đó, Sở Công thương Hà Nội cũng đã ra văn bản thông báo về việc đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân phòng chống dịch Covid-19. Theo Sở Công thương, ngày 18/7, đơn vị này đã có buổi làm việc với các hệ thống phân phối trên địa bàn về công tác chuẩn bị hàng hóa phòng chống dịch.
Hiện tại, các doanh nghiệp đã dự trữ tăng 30-50% lượng hàng hoá thiết yếu, sẵn sàng bố trí phương tiện và nguồn lực để vận chuyển hàng hoá đến các điểm bán xuyên đêm. Các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết đủ lượng hàng để đáp ứng nhu yếu phẩm của người dân.
Sở Công Thương Hà Nội cũng khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và thành phố trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
M.C
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025