Bí thư Thăng: “Dứt khoát bỏ dạy thêm học thêm”

15:21 | 07/06/2016

2,074 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 07/06/2016, tại TP.HCM, trong buổi làm việc giữa lãnh đạo TP.HCM và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Xuân Nhạ, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh giáo dục TP.HCM phải đi đầu trong hội nhập.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, Trung ương đã cho phép TP HCM thực hiện cơ chế thí điểm đối với những việc luật chưa quy định hoặc lỗi thời, TP HCM là đô thị đặc biệt với 13 triệu dân, nếu cơ chế chính sách gì về giáo dục đào tạo thực hiện tại TP HCM thành công thì nhân rộng cả nước cũng sẽ thành công, vì thế giáo dục TP HCM phải đi đầu trong hội nhập.

Theo Bí thư Thăng: “Những gì liên quan đến cơ chế chính sách, mô hình, khi quyết định phải dựa trên định hướng khoa học về giáo dục đào tạo, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của một cá nhân nào”.

bi thu thang dut khoat bo day them hoc them
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trong buổi làm việc giữa lãnh đạo TP với Bộ GD-ĐT sáng nay (ngày 7/6)

Đồng thời ông Thăng cũng cho rằng đất nước đang hội nhập, phải chấp nhận nền kinh tế thị trường, giáo dục đào tạo cũng phải theo thị trường. TP HCM có đặc trưng văn hóa Nam bộ, giáo dục của TP phải tiếp tục xây dựng đặc trưng bản sắc của thành phố,phải thực hiện xã hội hóa giáo dục đào tạo trong điều kiện nước xã hội chủ nghĩa. Đối với người nghèo có thể bao cấp chuyện học hành, các đối tượng khác phải theo thị trường. Không phân biệt trường công, trường tư.

“Để thực hiện đề án giáo dục này phải có thời gian lâu dài, nhưng cái gì cần phải làm ngay. Dứt khoát bỏ dạy thêm học thêm. Các trường quốc tế không dạy thêm học thêm học trò vẫn giỏi, đầu vào tốt, học phí cao vẫn nhiều người học. Còn việc phụ đạo cho học sinh yếu, TP thành lập các trung tâm: mở thêm danh mục đào tạo, ai có nhu cầu dạy và học thì đến đăng ký. Tuyệt đối không được mở các lớp dạy thêm học thêm trong trường” - Bí thư Thăng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh việc xây dựng đề án giáo dục theo yêu cầu hội nhập phải hướng đến hội nhập, xác định hệ thống hạ tầng trường lớp phải đạt chuẩn quốc tế.

“Việc này không thể làm ngày một ngày hai nhưng phải kiên quyết làm từ nay đến năm 2020. Thời gian vừa qua có những việc chúng ta chạy theo thành tích. Tại sao bằng cấp của nước ta cấp cho sinh viên không được các nước công nhận? Có phải chuẩn chất giáo dục của ta có vấn đề?” - ông Phong nói.

Ông Phong cũng cho rằng TP HCM hiện đang có hơn 8.000 giáo sư, tiến sĩ, nếu không huy động được nguồn lực tri thức này thì TP này sẽ không trở thành văn minh, hiện đại được.

Chủ tịch TP HCM cũng cho biết thêm, TP HCM sẽ hình thành hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH do Chủ tịch UBND TP làm Chủ tịch hội đồng để xác định các trường đào tạo theo nhu cầu của xã hội; tổ chức không gian các trường ĐH hợp lý hơn; phát huy cơ chế đặt hàng các chuyên gia tham gia giải quyết các vấn đề của TP.

T. Thanh (t/h)