Bí quyết chốt "đơn khủng" trong phiên livestream của hợp tác xã

09:03 | 07/07/2023

94 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi không ít hộ kinh doanh cả trực tuyến lẫn trực tiếp đều gặp khó trong bán hàng, khách mua hàng giảm mạnh thì một hợp tác xã nông sản ở Đà Lạt đã liên tục chốt đơn khủng.
Bí quyết chốt
Bà Nguyễn Thị Tường Thảo - Phó Giám đốc hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt

Bà Nguyễn Thị Tường Thảo - Phó Giám đốc hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt:

Hợp tác xã mỗi năm trồng cả trăm loại rau, củ, quả khác nhau nhưng quy trình làm việc, nhất là việc tiếp cận khách hàng vẫn theo lối truyền thống. Hợp tác xã có website, fanpage nhưng không chăm chút nên ít khách hàng tương tác.

Tôi đã ngạc nhiên bởi thời đại công nghệ phát triển mà không tận dụng sức mạnh của công nghệ để mở rộng thị trường, tiếp cận thêm khách hàng. Tôi đã đề xuất với lãnh đạo hợp tác xã đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, phát triển kinh doanh thời 4.0 để hoà nhịp vào dòng chảy hiện đại.

Tuy nhiên, do làm theo lối cũ đã quen nên việc chuyển đổi không dễ dàng. Ban đầu lãnh đạo khác dè dặt nhưng tôi vẫn quyết tâm thử sức với thương mại điện tử và tiếp cận kênh bán hàng mới là Tiktok, tập trung làm video ngắn bên cạnh việc chăm sóc lại fanpage, website. Trường quay là mảnh vườn của hợp tác xã, trong trang phục của nhà nông: đầu đội nón, chiếc áo bạc màu và đôi ủng, tôi tự thực hiện các video giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của hợp tác xã như ớt trái cây, bí sợi mì…

Ngoài sức tưởng tượng, những video mộc mạc có sức thu hút đặc biệt người xem với con số lên đến hàng trăm nghìn lượt. Trong đó, rất nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên, hoá ra ở Đà Lạt cũng đã trồng thành công các loại rau củ quả vốn trước đây chỉ có thể trồng được ở nước ngoài.

Chưa đầy 2 tháng, kênh của tôi đã có video trên 4 triệu lượt xem, nhất là video giới thiệu bí sợi mì đạt hơn 5 triệu lượt xem và trở thành một hiện tượng mạng. Có nhiều người hỏi mua nên tôi quyết định livestream giới thiệu và bán sản phẩm nông sản đặc sắc của Đà Lạt. Quá bất ngờ, sau 15 phút, số đơn khách đặt đã lên đến con số 1.000, tôi phải khoá ngay hệ thống vì quá tải do hàng trong vườn không đủ bán.

Khác với livestream bán hàng thông thường, trong livestream của mình, tôi không chỉ hướng dẫn cách sơ chế, chế biến mà còn kể các câu chuyện của bản thân, về các loại nông sản của Đà Lạt tạo sự tương tác tốt với người xem. Từ đó, hàng tháng qua các phiên livestream, tôi có thể tiêu thụ khoảng 7-8 tấn ớt trái cây, phiên livestream cao nhất đạt gần 200 triệu doanh thu.

Từ thành công này, ngoài sản phẩm của vườn nhà, tôi kết hợp với các nông trại khác để giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm OCOP của Đà Lạt và các tỉnh thành khác.

Sản phẩm OCOP là đặc sản của các địa phương, vùng miền nên mỗi sản phẩm lại có câu chuyện, một nét văn hoá đẹp gắn với mảnh đất và cuộc sống của bà con. Vì vậy, khách hàng chốt” đơn không phải vì sản phẩm mà mua vì yêu quý nông sản và câu chuyện thú vị của sản phẩm đó.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Hà Nội đứng thứ hai cả nước về chỉ số thương mại điện tử

Hà Nội đứng thứ hai cả nước về chỉ số thương mại điện tử

Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, chỉ số thương mại điện tử (EBI) của TP Hà Nội đứng thứ hai cả nước đạt 85,9 điểm xếp sau TP HCM.