Bí mật Trung Nam Hải (Kỳ 1)

06:30 | 30/05/2013

10,970 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mao Trạch Đông được đánh giá là người có công trong việc thống nhất đất nước Trung Quốc - được tôn vinh là người Thầy vĩ đại, Lãnh tụ vĩ đại, Thống soái vĩ đại, Người cầm lái vĩ đại, nhưng về cuối đời, Mao Chủ tịch đã phạm phải một số sai lầm, trong đó có việc tạo ra “Cách mạng văn hóa” với sản phẩm đặc biệt “bè lũ 4 tên”.

Mao Trạch Đông sinh ngày 26/12/1893, trong một gia đình trung nông ở làng Thiều Sơn, huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, tự là Nhuận Chi, bút danh là Tử Nhậm. Tuy là con út trong gia đình, nhưng Mao Trạch Đông được đánh giá là người có công trong việc thống nhất đất nước Trung Quốc - được tôn vinh là người Thầy vĩ đại, Lãnh tụ vĩ đại, Thống soái vĩ đại, Người cầm lái vĩ đại, nhưng về cuối đời, Mao Chủ tịch đã phạm phải một số sai lầm, trong đó có việc tạo ra “Cách mạng văn hóa” với sản phẩm đặc biệt “bè lũ 4 tên”.

Bè lũ "bốn tên" tại tòa

 

Người đời truyền tai nhau khá nhiều câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông như: Chính trị là chiến tranh không có đổ máu, trong khi chiến tranh là chính trị có đổ máu; Súng đẻ ra chính quyền: Lấy nông thôn bao vây thành thị…

Sau khi Mao Chủ tịch qua đời (9/9/1976), có khá nhiều cuốn sách viết về ông, trong đó có cuốn “Đời sống riêng của Mao Trạch Đông” do Lý Chí Tuy, bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông viết và cuốn “Sự chân thật của lịch sử” do Lâm Khắc (từng là thư ký kiêm giáo viên dạy tiếng Anh cho Mao Chủ tịch) cùng vợ chồng Từ Đào - Ngô Húc Quân liên danh viết. Việc đánh giá “công và tội” của Chủ tịch Mao đã được tiến hành trước khi 2 cuốn sách kể trên ra mắt độc giả.

Từ sự khác nhau của 2 cuốn sách

Vì từng sống gần 22 năm bên cạnh Chủ tịch Mao nên dư luận rất quan tâm, bàn tán xung quanh cuốn “Đời sống riêng của Mao Trạch Đông” (The Private Life of Chairman Mao) do Lý Chí Tuy viết. Được biết, Lý Chí Tuy bắt đầu viết cuốn “Đời sống riêng của Mao Trạch Đông” từ tháng 3/1989 tới tháng 11/1989 mới xong bản thảo.

Sau khi viết xong, Lý Chí Tuy mất 3 năm để dịch sang tiếng Anh, sau đó dịch sang tiếng Trung Quốc. Theo Anne F.Thurston, trợ lý cho ban biên tập, người đã bỏ ra 2 năm giúp Lý Chí Tuy biên dịch bản thảo của mình sang tiếng Anh cho biết, cuốn “Đời sống riêng của Mao Trạch Đông” đã tái bản 3 lần, trong đó có gần 30.000 cuốn được nhập lậu vào Trung Quốc qua ngả Hongkong, Đài Loan, Macau và hải ngoại.

Sau khi Lý Chí Tuy chết (chiều 13/2/1995, thọ 75 tuổi tại Mỹ), người ta đã in tái bản trái phép cuốn “Đời sống riêng của Mao Trạch Đông” và bán tại chợ đen với giá 500-700NDT tại Quảng Châu, Thâm Quyến, 800NDT tại Bắc Kinh, Thượng Hải... Từ khi cuốn “Đời sống riêng của Mao Trạch Đông” ra đời đã có những ảnh hưởng nhất định tới đời sống chính trị, xã hội của không ít người Trung Quốc.

Bộ Công an, Ban Văn hóa tư tưởng Trung ương, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, Văn phòng Quốc vụ viện cùng nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Trung Quốc tại thời điểm đó như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân, Chủ tịch Quốc hội Kiều Thạch đã lên tiếng về cuốn sách này.

Phía trước quần thể các tòa nhà có tên gọi là Trung Nam Hải

 

Ông Uông Đông Hưng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, vệ sĩ riêng của Chủ tịch Mao đã nêu 4 ý kiến về cuốn sách này. Thứ nhất, tháng 10/1979 và tháng 4/1983, đã 2 lần nêu ý kiến và kết luận về sự không tin tưởng về chính trị và phẩm chất đạo đức của Lý Chí Tuy. Thứ hai, Trung ương đã có chế độ hạn chế việc cho phép nhân viên ra nước ngoài nhưng vẫn còn kẽ hở.

Thứ ba, cuốn “Đời sống riêng của Mao Trạch Đông” là một thủ đoạn tuyên truyền phản động của Mỹ và Đài Loan đối với Trung Quốc. Thứ tư, cần có sự chỉnh đốn đối với những sách báo, tạp chí nói về cái gọi là “bí mật của Đảng, của Quốc gia”, đồng thời cần có thái độ đúng đắn, nghiêm túc đối với những tác phẩm bôi nhọ, phỉ báng, tiết lộ bí mật quốc gia của bất cứ ai.

Khi đó, để rộng đường dư luận, Lâm Khắc (từng là thư ký kiêm giáo viên dạy tiếng Anh cho Mao Chủ tịch) đã cùng với vợ chồng Từ Đào - Ngô Húc Quân (Từ Đào là bác sĩ khám bệnh cho Chủ tịch Mao từ năm 1953 tới 1957, còn Ngô Húc Quân là y tá trưởng của Mao Chủ tịch từ năm 1953 đến 1974) viết cuốn “Sự chân thật của lịch sử” để bác bỏ những điều “vô lý, dựng chuyện” của Lý Chí Tuy. Trong cuốn “Sự chân thật của lịch sử”, 3 tác giả Lâm Khắc, Từ Đào và Ngô Húc Quân đã đưa ra nhiều nhân chứng, vật chứng để chứng minh cho những điều họ viết.

Ví như ngày 3/6/1957 Lý Chí Tuy mới được làm bác sĩ cho Chủ tịch Mao (điều này được trích dẫn từ phần lý lịch cá nhân, hồ sơ đảng viên, hồ sơ cán bộ do chính Lý Chí Tuy viết), nhưng ông lại viết làm bác sĩ cho Mao Chủ tịch từ năm 1954, hoặc người giúp Mao Chủ tịch học tiếng Anh là Lâm Khắc chứ không phải Lý Chí Tuy… Những thông tin xung quanh 2 cuốn sách này từng là chủ đề tranh cãi của không ít giới, cũng như dư luận bởi nhiều điều được đề cập trong đó cho tới nay vẫn là bí mật của lịch sử.

(Xem tiếp kỳ sau)

Đông Ngàn-Từ Sơn