Ca sĩ Ái Vân: Bay qua vùng ký ức

07:58 | 05/06/2016

1,644 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không phải lần đầu tiên ca sĩ Ái Vân về nước, nhưng khác với các lần trước đó, lần này trở về Ái Vân mang theo cuốn sách của đời mình, đó là tự truyện “Để gió cuốn đi”. Cuốn sách ấy chất chứa biết bao ký ức mà cho đến bây giờ, người đọc mới có dịp tiếp cận.

Cuối buổi ra mắt tự truyện, theo yêu cầu của rất nhiều khán giả, Ái Vân có phần đắn đo khi cầm mic. Tưởng rằng, chị sẽ hát “Bài ca xây dựng” - ca khúc giúp chị đạt giải thưởng lớn và giải được khán giả yêu thích nhất tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế Dresden năm 1981 tại Đức; hay “Trăng chiều”, “Triệu đóa hồng” - là những ca khúc làm nên tên tuổi của chị. Nhưng không, bài hát đầu tiên mà Ái Vân cất lên là “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, giữa Sài Gòn cũng đang oằn mình vì nắng nóng, vì “vắng những cơn mưa”.

Qua giọng hát ngọt ngào, trữ tình ấy, người ta nhận ra tận trong sâu thẳm, Hà Nội vẫn luôn khắc khoải như lời chị đang hát: “Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ/ Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay/ Hơi ấm trao em tuổi thơ ngây/ Tưởng như, tưởng như còn đây”.

bay qua vung ky uc

Chuyện từ những ngày lưu lạc

Gặp lại Ái Vân sau buổi giới thiệu sách, thấy chị không khác bao nhiêu. Vẫn với phong thái tươi vui, hoạt bát cùng dáng vẻ đài các quý phái của người con gái gốc Hà Nội dường như chưa bao giờ nhòa phai. Ái Vân trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 62 của chị. Chị đứng dậy đi tìm bút và giấy với tiếng cười giòn tan: “Già rồi. Phải có giấy bút để có gì quan trọng còn ghi lại, không lại quên mất!”.

Ái Vân nói, thời điểm năm 1990, lúc đó chị mới đạt giải quốc tế, sân khấu ngoài Bắc cũng đang hoạt động sôi nổi. Tuy nhiên, trái ngược với sự nghiệp âm nhạc sáng chói bao nhiêu thì cuộc sống riêng lại bế tắc bấy nhiêu. Chia sẻ của chị khiến người ta nghĩ đến cuộc sống với người chồng thứ hai, cũng là một nghệ sĩ lúc bấy giờ. Sau đổ vỡ từ cuộc hôn nhân đầu tiên với một nghệ sĩ kịch câm, Ái Vân kết hôn lần hai nhưng rồi cuộc hôn nhân đó không kéo dài được lâu. Người đàn ông đầu tiên đặt lên vai chị gánh nặng nợ nần. Còn người đàn ông thứ hai lại làm chị tổn thương bởi sự ghen tuông.

Đó là chuỗi ngày chị phải sống trong sợ hãi, đau đớn. Ái Vân thừa nhận, đó chính là lý do khiến chị phải rời Tổ quốc, bỏ lại Hà Nội, bỏ lại người cha yêu thương cùng người mẹ lúc đó đang đau ốm. Và đặc biệt là bỏ lại đứa con trai đầu lòng khi vừa lên 4 tuổi. Ái Vân âm thầm ra đi, rồi trở thành người đàn bà lưu lạc. 

bay qua vung ky uc

Ái Vân đã có nhiều lần phải bất lực trong những đêm dài nơi đất khách. Một mình. Bên ngoài, tuyết rơi trắng xóa. Ái Vân từng có những chuyến lưu diễn ở trời Âu, cái lạnh cắt da thịt, chị đã thấu đã cảm. Nhưng nó không khắc nghiệt bằng cái lạnh đang rin rít sâu tận trong lòng. Bởi thiếu hơi ấm tình thân, thiếu hơi ấm của đứa con trai mới bốn tuổi. Thiếu luôn cả một người cùng chị đầu ấp tay gối đêm đêm. Bởi vậy mà lạnh!

Ái Vân nói, những ngày sống ở Đức, chị được hỗ trợ ăn, ở. Nhưng cuộc sống đó không khác gì cảnh chú chim họa mi trong lồng. Nhiều khi thèm được bay đến nơi này nơi kia, thèm được cất lên tiếng hót cho đỡ nhàm tẻ mà không được! Ngày qua ngày, chị vẫn phải quanh quẩn trong không gian chật hẹp của mình, tuyệt đối không được đi làm, kể cả đi hát. Phải làm sao đây giữa không gian tù túng và ngột ngạt ấy? Chạy ra ngoài trời, giữa tuyết trắng mênh mông mà hét lên một tiếng cho nhẹ lòng? Ái Vân không làm như vậy. Chị vượt lên bằng cách chìm lắng trong tiếng hát của chính mình.

Ngày xa nhà, trong hành lý của chị có thêm chiếc băng cát-sét. Mang theo không chủ đích, vậy mà giờ nó trở thành bầu bạn với chị. Chiếc băng cát-sét ấy tập hợp 22 ca khúc của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, đều do chị hát. Những “Trăng chiều”, “Ru con mùa đông”, “Bên cây trúc đào”, “Tôi vẫn hát”… Chị đã từng hát, tiếng hát ấy vỗ về cho biết bao người; còn giờ đây, chị lại phải dùng tiếng hát của mình để khêu lên ngọn lửa âm ỉ trong lòng, mà tự sưởi ấm mình.

Những đổ vỡ trong hôn nhân

Có một sự tình cờ, trước khi tới gặp ca sĩ Ái Vân, người viết cũng vừa được đọc cuốn sách tập hợp những cuộc trò chuyện với các nghệ sĩ nổi tiếng của làng văn nghệ. Ở đó, khá nhiều nữ danh ca có cùng chung cảnh 2, 3 lần đò. Những  đổ vỡ, trắc trở trong đời sống như đè nặng lên đôi vai gầy của họ, khiến họ trở thành những người đàn bà truân chuyên. Họ, không thể khác hơn khi là minh chứng cho câu nói “hồng nhan bạc mệnh” đã có từ lâu. Những Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Khánh Hà, Họa Mi… Và giờ đây, đối diện với người viết là Ái Vân!

Tuy nhiên, Ái Vân lúc này không còn phải chịu cảnh lẻ bóng. Ngay cả khi ngồi trò chuyện với người viết, cạnh bên vẫn có ông xã của chị, anh Nguyễn Lê Tiến. Thỉnh thoảng, họ lại trao cho nhau những câu nói tình tứ, trong sự duyên dáng ý nhị của những người đã đi cùng nhau một đoạn đường dài.

Người đàn ông ấy có vóc dáng cao, sự trầm tĩnh; và, như Ái Vân thú nhận cảm giác mà chị nhận được từ lần gặp đầu tiên, đó là sự ấm áp. Người đàn ông ấy sẵn sàng nhún mình xuống để nâng vợ mình lên, bằng những từ ngữ mà không khiến người khác mảy may nghi ngờ. Âu đó cũng là món quà, bù đắp lại cho Ái Vân, sau những tháng ngày nổi trôi theo phận hồng nhan.

Những ngày dài lê thê khi phải tự mình nghe giọng hát của mình rồi cũng qua đi. Đó là khi cơ hội được hát trở lại của chị. Cơ hội ấy đến một cách khó khăn và không kém phần chật vật nên với Ái Vân đó là niềm hạnh phúc khó đong đếm. Được hát không chỉ là đam mê mà như chị nói, chị phải hành nghề. “Đó là nghề của mình, mình phải hát chứ. Tôi nhớ khán giả, nhớ sân khấu lắm. Tôi muốn được trở lại sân khấu”. Chính từ cơ hội được trở lại sân khấu, mang đến cho Ái Vân cơ hội gặp gỡ và viết tiếp giấc mơ hạnh phúc gia đình với người chồng thứ ba. Cuộc gặp gỡ tình cờ vào cuối năm 1991 đã xích hai người gần lại với nhau để đến tháng 7 năm 1992, hai người chính thức nên duyên vợ chồng.

Danh ca Khánh Ly khi được hỏi về ba cuộc hôn nhân của mình từng bộc bạch: “Thêm một người đàn ông là thêm một nỗi nhục, chứ không phải thêm một niềm hãnh diện”. Còn Ái Vân, với hai lần đổ vỡ từ trước đó, chị thừa nhận hôn nhân là một thất bại của đời mình: “Có ai muốn mình phải đi nhiều chuyến đò thế đâu, ai người ta cũng chúc là trăm năm hạnh phúc cơ mà. Chứ đâu phải về sống cùng nhau mấy năm rồi lại tan vỡ như thế. Đó là sự không ai muốn, nhất là với phụ nữ. Nhưng mà ông trời đã định cho mình con đường như thế, không giống như người khác. Cái đó là số phận, không tránh được”.

Con người luôn bé nhỏ trước sự xoay vần của con tạo, huống chi đó là người đàn bà yếu đuối, nhiều khi cũng phải đành bất lực nương theo sự xoay vần ấy. Tuyệt nhiên không biết phía trước như thế nào, có những gì đang chờ mình. Ái Vân nói, thời gian đầu ở Đức, lúc nào nghĩ về phía trước trong đầu chị cũng chỉ hiện lên màu xám bàng bạc như sương giăng. Dù có cố gắng cách mấy cũng khó để hình dung ra một thứ sắc màu nào khác tươi sáng hơn bởi thực tại luôn trì níu lấy ý nghĩ chị. Nhưng Ái Vân không ân hận với lựa chọn ngày đó. Nhất là bây giờ chị đã có một bờ vai mạnh mẽ cho mình tựa nương. Ngày đó, nếu chị không đi, chắc gì gặp được người đàn ông đã đồng hành cùng chị suốt 24 năm qua. Thêm vào đó, sự đoàn tụ giữa chị và Vũ cũng được diễn ra như mong mỏi cháy bỏng của chị trong những ngày đầu ở xứ người.

Ái Vân kể, sau hơn một năm chuyển từ Đông Đức qua Tây Đức thì chị gặp anh. Lẽ thường, khi mang trong mình những mất mát và thương tổn, người ta giống như chú chim sợ cành cong. Dù vẫn còn ước mơ về một mái ấm gia đình hạnh phúc, có vợ chồng con cái quây quần sớm tối nhưng sự đổ vỡ từ hai cuộc hôn nhân trước khiến Ái Vân không khỏi e dè. Nhưng rồi Ái Vân bảo, cuộc gặp gỡ với Nguyễn Lê Tiến là một sự tình cờ mà cho đến bây giờ chị vẫn còn mang cảm giác ngạc nhiên không hiểu vì sao cuộc tình của mình lại tự nhiên đến như thế. 

Người đàn ông của Ái Vân cũng từng một lần đi qua sự đổ vỡ, anh là dân kỹ thuật nhưng lại có tâm hồn văn nghệ. Chính điều đó tạo nên sự đồng điệu cho hai người. Ái Vân không ngần ngại dành cho “tập ba” nhưng lời lẽ đầy thương yêu: “Như tôi đã nói, lúc đó tâm lý của tôi như con chim sợ cành cong. Nhưng ở bên anh Tiến, tự nhiên tôi cảm thấy hết sức bình yên và tin cậy. Thú thật, lúc đầu tôi chưa yêu anh Tiến đâu nhưng tôi cảm thấy đây là người mình yên tâm. Trước tiên, tôi muốn con mình đón sang phải có một người bố; thì đây là người bố tốt. Nhưng rồi sống với nhau, giữa tôi và anh Tiến có sự trân trọng nhau, có sự tin cậy và cảm thấy người này mình có thể chia sẻ tất cả mọi điều. Anh Tiến là người biết lắng nghe”.

Vẫn cảm thấy có lỗi với con 

Đi qua những ngày giông bão, Ái Vân nói tâm trạng của chị giờ đây rất thanh thản và nhẹ nhõm. Không ai muốn những tai ương giáng xuống cuộc đời mình, nhưng điều đó không thể nào tránh được. Bởi cuộc đời đâu phải lúc nào cũng bằng phẳng, lúc nào cũng là con đường êm ái, cỏ hoa sặc sỡ và chim hót ríu ran hai bên đường. Vậy nên, không cách gì hơn là chấp nhận những tai ương ấy. “Khi đã đủ chín, đủ già, đủ vật vã để nhìn lại mọi thứ, tôi cảm thấy vô cùng thanh thản. Giống như tôi đang nhìn lại cuộc đời của một người khác, không phải của mình”, Ái Vân chia sẻ. 

Vũ, con trai Ái Vân giờ đã là chàng trai 31 tuổi. Không còn là cậu bé con ngày nào, nhưng trong Ái Vân vẫn còn đó nỗi day dứt khuôn nguôi. Ái Vân nói, Vũ giống như một mảnh ghép trong một bức tranh, là nhân chứng và cũng là nạn nhân của một bi kịch gia đình. Vào hoàn cảnh đó, đương nhiên Vũ là đứa trẻ bất hạnh khi không có được tuổi thơ bình lặng giống như bất cứ đứa trẻ nào cũng có. Vậy nên cho đến tận bây giờ, Ái Vân vẫn cảm thấy có lỗi với con. Chị tâm sự: “Dù Vũ đã 31 tuổi rồi nhưng tôi vẫn mặc cảm, vẫn cảm thấy có lỗi với con, không chỉ vì chuyện ra đi mà tất cả những gì con phải gánh chịu”.

Có lẽ, đó chính là lý do khiến chị bỏ trắng 7 trang trong tự truyện khi viết về “tập hai” dù đã viết được 8.808 chữ. Chị lý giải: “Câu chuyện chưa từng kể ra này cho biết phần nào lý do vì sao tôi phải rời Tổ quốc năm 1990 khi tôi đang được Nhà nước cho nhiều ưu ái. Nhưng vì câu chuyện quá đau đớn, khi đọc lại tôi không thể chịu nổi. Con trai tôi - nếu đọc được phần này - chắc chắn cũng sẽ không chịu nổi”.

Suy cho cùng, đó là cách một người mẹ yêu con, và bảo vệ con. Dù theo cách như thế nào, thì điều đó cũng đáng tôn trọng!

Ca sĩ Ái Vân sinh năm 1954 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Chị nổi tiếng là ca sĩ nhạc nhẹ trong thập niên 70-80 của thế kỷ trước với những bài hát ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả như “Triệu đóa hồng”, “Trăng chiều”, “Ru con mùa đông”, “Người ơi người ở đừng về”… Đặc biệt, ca khúc “Bài ca xây dựng” đã đem lại cho Ái Vân giải thưởng lớn tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế Dresden, được xem là giải thưởng đầu tiên trên trường quốc tế của Việt Nam.

Từ năm 1990, ca sĩ Ái Vân bắt đầu định cư tại Đức, sau đó sang Mỹ sinh sống và biểu diễn. Ngoài âm nhạc, ca sĩ Ái Vân từng thử sức ở lĩnh vực điện ảnh. Chị từng tham gia vai chính trong phim “Chị Nhung”, hai vai phụ trong phim “Chú rể đi đâu” và “Bản danh sách mật”. Năm 2002, sau 12 năm đằng đẵng xa nhà, ca sĩ Ái Vân đã trở lại quê hương biểu diễn trong vòng tay thân thương của người thân, bạn bè và khán giả Hà Nội.

 

Hồ Huy Sơn

Năng lượng Mới số 528

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

(PetroTimes) - Nằm sâu 450m dưới lòng đất đảo Olkiluoto (Phần Lan), Onkalo - hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới sắp hoàn thành...