Nhật Bản:

Bầu cử và năng lượng nguyên tử

11:35 | 29/11/2012

762 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 16/12 tới - cuộc bầu cử đầu tiên tại Nhật Bản kể từ sau thảm họa phóng xạ Fukushima hồi tháng 3/2011 - các cử tri Nhật Bản dường như có thể bỏ phiếu ủng hộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập vốn ủng hộ điện hạt nhân - một kết quả sẽ được cho là "điều ngạc nhiên trên thế giới".

 

Thủ tướng Yoshihiko Noda nói dân chúng Nhật không muốn có các nhà máy nguyên tử

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng dù đảng đối lập chính LDP sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 16/12 tới thì điều này sẽ không phản ánh bất kỳ sự ủng hộ gia tăng nào của dân chúng đối với vấn đề điện hạt nhân. Thay vào đó, nó sẽ cho thấy sự thiếu vắng những chính khách có uy tín, đi tiên phong trong hoạt động chống hạt nhân tại Nhật Bản và cho thấy khả năng của LDP trong việc hướng tranh luận vào các vấn đề an ninh và nền kinh tế trì trệ. Chiến thắng của LDP cũng sẽ cho thấy cuộc vận động hành lang của "làng hạt nhân" Nhật Bản - gồm các công ty dịch vụ công cộng, các quan chức và các nhà làm luật - đã thành công, bất chấp cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima tồi tệ nhất thế giới trong 1/4 thế kỷ qua.

Kazue Suzuki - nhà hoạt động thuộc Tổ chức môi trường Hòa bình Xanh - nói: "Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima. Nếu nó không đem lại một chính phủ chống hạt nhân thì đây sẽ là một trong những điều đáng kinh ngạc trên thế giới. Kể từ sau sự cố Fukushima, Đức và Italia đã từ bỏ điện hạt nhân. Nếu Nhật Bản không từ bỏ điện hạt nhân, cả thế giới sẽ bị bất ngờ".

Trận động đất và sóng thần khủng khiếp hồi tháng 3/2011 đã cướp đi sinh mạng của gần 19.000 người và phá hỏng nhà máy Fukushima Daiichi của Công ty Điện lực Tokyo, gây ra vụ phóng xạ khiến khoảng 160.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Thảm họa này đã đập tan huyền thoại rằng điện hạt nhân rẻ, sạch và an toàn. Nó cũng khiến những cử tri Nhật Bản vốn thờ ơ với chính trị, tích cực tham gia vào các cuộc tuần hành lớn phản đối hạt nhân. Theo kết quả khảo sát trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đại bộ phận người dân Nhật Bản muốn chấm dứt điện hạt nhân muộn nhất là vào năm 2030.

Song các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy LDP - vốn ủng hộ hạt nhân - dẫn trước nhiều điểm hơn đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) của Thủ tướng Yoshihiko Noda, mặc dù một bộ phận cử tri vẫn còn "do dự" trước khi diễn ra cuộc bầu cử ngày 16/12 tới.

Jeffrey Kingston - Giám đốc nghiên cứu về châu Á thuộc Đại học Temple - nói: "LDP có thể chiến thắng, nhưng chiến thắng này không phải bởi vì đảng này ủng hộ hạt nhân mà bởi vì DPJ không gặp may, bởi nền kinh tế đang khó khăn và người dân nghĩ rằng đây là lúc cần phải thay đổi".

 Cựu Thủ tướng Shinzo Abe - người đứng đầu LDP đang tìm cách khôi phục lại vị thế cũ của mình sau khi ra đi vào năm 2007 - đang kêu gọi thực hiện một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn để cứu vãn nền kinh tế và một đường lối ngoại giao cứng rắn đối với Trung Quốc - những vấn đề trọng tâm trong chiến dịch vận động tranh cử của ông.

 

Nhà máy bay điện hạt nhân Fukushima I đã bị hư hại nặng sau thảm họa kép hồi tháng 3/2011

Trong khi đó, về phần mình, Thủ tướng Noda đang cố gắng làm nổi bật sự khác nhau giữa phe Dân chủ theo đuổi cam kết loại bỏ dần điện hạt nhân và phe LDP - từng thúc đẩy năng lượng nguyên tử trong gần 60 năm cầm quyền của mình và thậm chí hiện vẫn còn "mơ hồ" về tương lai điện hạt nhân. LDP cho biết sẽ dần quyết định về việc tái khởi động các lò phản ứng được cho là an toàn (theo như kết luận của một cơ quan điều chỉnh mới) trong 3 năm tới và đi đến kết luật về "các loại năng lượng tốt nhất" cho Nhật Bản trong 10 năm tới. Trong khi đó, DPJ trong các tuyên bố tranh cử của mình, dự kiến sẽ đưa ra cam kết xóa bỏ sự phụ thuộc của Nhật Bản vào điện hạt nhân vào năm 2030, phù hợp với chiến lược được chính phủ công bố hồi tháng 9 sau nhiều tháng tranh cãi.

Trong một tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Yoshihiko Noda cam kết Nhật sẽ từ bỏ việc sử dụng năng lượng nguyên tử trong vài thập niên tới. Ông nói rằng sau tai nạn nguyên tử ở Fukushima, người dân Nhật không muốn phụ thuộc vào các nhà máy nguyên tử nữa.

Nhưng theo giới quan sát, lời cam kết vừa nêu chẳng qua để khẳng định lại lập trường từng được công bố trước đây, theo đó Nhật Bản sẽ không còn sử dụng năng lượng nguyên tử vào cuối thập niên 2030.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng thề quyết  thực hiện các chính sách ngoại giao và quốc phòng một cách “trầm tĩnh và thực tế” trong lúc ông cố gắng phản bác những lời tố cáo của các đối thủ cho rằng Đảng Dân chủ Nhật Bản của ông không chịu đương đầu với các nước ngoài.

 Sự thay đổi mạnh về chính sách năng lượng của DPJ đã vấp phải nhiều sự chỉ trích từ phía Liên đoàn các doanh nghiệp Nhật Bản. Trước thảm họa Fukushima, Nhật Bản đã có kế hoạch tăng sản lượng điện nguyên tử từ mức gần 30% lên đến 50% tổng sản lượng điện. Các nhà sản xuất cho rằng sự thay đổi trong chính sách năng lượng của DPJ sẽ làm tăng giá điện và buộc họ phải chuyển hoạt động sản xuất và việc làm ra nước ngoài.

 Andrew DeWit, giáo sư nghiên cứu về chính sách năng lượng thuộc Đại học Rikkyo ở Tokyo, nói: "Ông Noda đang cố lấy chính sách hạt nhân để làm điểm nhấn về sự khác biệt giữa DPJ và LDP. Tiếc thay, ông Noda - với tư cách là người tiên phong trong việc xóa bỏ hạt nhân - lại thiếu uy tín".

Th.Long (Theo AFP)