Bầu cử Mỹ 2020: Sức nặng của những lá phiếu sớm

21:13 | 28/10/2020

161 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Số người bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 lập kỷ lục và có thể tác động đáng kể đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Bầu cử Mỹ 2020: Sức nặng của những lá phiếu sớm - 1
Số cử tri bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử năm nay ở Mỹ cao kỷ lục. (Ảnh: EPA)

Hơn 70 triệu người đã bỏ phiếu sớm

Tính đến ngày 28/10, chưa đầy một tuần trước ngày bầu cử, hơn 70 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm, tương đương hơn 50% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, theo Dự án Bầu cử Mỹ của giáo sư Michael McDonald từ Đại học Florida. “Những con số thật đáng kinh ngạc”, giáo sư khoa học chính trị Michael McDonald bình luận.

Số cử tri bỏ phiếu sớm tăng kỷ lục cho thấy sự quan tâm của cử tri Mỹ đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Mặt khác, điều này cũng phản ánh xu hướng cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu qua thư trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ai bỏ phiếu sớm?

BBC dẫn thống kê của Trung tâm nghiên cứu thông tin của Đại học Tufts cho biết, hơn 3 triệu cử tri Mỹ trong độ tuổi từ 18-29 đã bỏ phiếu sớm tính đến ngày 21/10. Trong số này, khoảng 2 triệu cử tri đã bỏ phiếu ở 14 bang chiến trường - những bang được đánh giá có thể quyết định kết quả cuộc bầu cử năm nay.

Khảo sát cũng chỉ ra, năm nay tỷ lệ cử tri trẻ tuổi bỏ phiếu sớm cao hơn so với 4 năm trước. Nếu năm 2016, tỷ lệ cử tri trong độ tuổi từ 18-29 bỏ phiếu sớm là 46% thì năm nay tỷ lệ này ước tính khoảng 63%. Năm 2016, tỷ lệ cử tri trên 65 tuổi bỏ phiếu lên tới 71%.

Năm nay, số cử tri Mỹ gốc Phi bỏ phiếu sớm cũng nhiều hơn. Tính đến 18/10, số cử tri da màu bỏ phiếu sớm đã cao gấp hơn 6 lần so với cùng thời điểm năm 2016.

Năm nay, nhiều bang của Mỹ triển khai bỏ phiếu sớm hơn. Ví dụ, Texas bắt đầu bỏ phiếu sớm từ ngày 13/10 thay vì 19/10. Minnesota và South Dakota là những bang bắt đầu bỏ phiếu sớm nhất, với bỏ phiếu trực tiếp bắt đầu từ 46 ngày trước bầu cử.

Bỏ phiếu sớm không có nghĩa là sẽ dễ dàng hơn so với bỏ phiếu đúng ngày. Ví dụ, ở Georgia, hàng nghìn người đã phải chờ nhiều giờ đồng hồ để bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu.

Sức nặng của phiếu bầu sớm

Bầu cử Mỹ 2020: Sức nặng của những lá phiếu sớm - 2
Bỏ phiếu sớm ít nhiều tác động đến kết quả bầu cử. (Ảnh: Getty)

BBC dẫn nhận định của giáo sư McDonald cho rằng, việc số người bỏ phiếu sớm cao kỷ lục sẽ có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử bởi đảng nào có số cử tri đi bỏ phiếu nhiều hơn thường có ưu thế hơn. Thực tế, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden tiếp tục dẫn trước Tổng thống Donald Trump trong các thăm dò dư luận, tuy vậy, ông vẫn kêu gọi người ủng hộ đi bỏ phiếu sớm nhất có thể, tránh tâm lý chủ quan.

Giáo sư McDonald dự đoán, số cử tri Mỹ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay có thể đạt kỷ lục hơn 150 triệu người, tương đương 65% số cử tri có quyền bỏ phiếu. Đó sẽ là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1908.

Các dữ liệu thống kê đến thời điểm này cho thấy, cử tri bỏ phiếu sớm qua thư chủ yếu là những người nghiêng về đảng Dân chủ. Tuy nhiên, đây không phải một chỉ số đáng tin cậy hoàn toàn để xác định ai có nhiều cơ hội đắc cử tổng thống hơn. Ví dụ, bỏ phiếu sớm qua thư cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như lá phiếu bị chậm trong quá trình gửi qua bưu điện hoặc những lá phiếu không hợp lệ.

Trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông Trump liên tục công kích việc bỏ phiếu sớm qua thư, cho rằng hình thức bỏ phiếu này làm tăng nguy cơ gian lận bầu cử. Những thông điệp từ ông Trump có thể khiến nhiều người ủng hộ lựa chọn bỏ phiếu vào đúng ngày bầu cử thay vì bỏ phiếu sớm.

Hơn nữa, việc lựa chọn tổng thống ở Mỹ dựa trên cơ chế phiếu bầu đại cử tri mà không phải là phiếu bầu phổ thông (lá phiếu của cử tri). Năm 2016, dù ít hơn đối thủ của đảng Dân chủ Hillary Clinton khoảng 3 triệu phiếu phổ thông, song ông Trump vẫn giành chiến thắng nhờ có nhiều phiếu đại cử tri hơn.

Theo Dân trí