Bất lực với giá vàng!
Ảnh minh họa. |
Giá vàng chốt phiên giao dịch ngày 18/7 được niêm yết ở mức 36,83 triệu đồng/lượng. Mức giá này so với sáng nay đã giảm nhẹ 40.000 đồng nhưng nếu so với giá chốt phiên ngày 16/7 thì lại giảm tới 270.000 đồng. Trên thị trường thế giới, ghi nhận theo giờ Việt Nam hồi 18 giờ cho thấy, giá vàng được niêm yết ở mức 1.325,28 USD/Ounce, giảm tới 12 USD so với chốt phiên tuần trước.
Diễn biến này của giá vàng một lần nữa đã cho thấy sự “thất thường”, “điên loạn”, đi ngược với mọi dự báo, phân tích kinh tế mà giới chuyên gia đã đặt ra. Theo đó, sau khi chứng kiến giá vàng bật tăng từ 1.329 USD/Ounce lên 1.337 USD/Ounce, giới chuyên gia phân tích cũng như các nhà đầu tư toàn cầu đã đưa ra những nhận định hết sức lạc quan về giá vàng trong tuần từ 18 – 23/7.
Và căn cứ cho kỳ vọng này là những tác động của cuộc đảo chính chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ, và một phần quan trọng là những thông tin về nhu cầu vàng ở Nhật Bản tăng cao do các chính sách kích cầu kinh tế của quốc gia này đã đẩy dòng vốn đầu tư vào các kênh an toàn, trong đó có vàng. Theo ghi nhận trên thị trường New York, sau khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ công bố thông tin về một nhóm quân đội vũ trang có âm mưu lật đổ Chính phủ, giá vàng đã tăng mạnh. Cụ thể: Lúc 16h42 giờ New York (3h42 sáng ngày 16/7 giờ Việt Nam) giá vàng giao ngay tăng 0,23% lên 1.337,73 USD/ounce.
Cùng với đó, tại Nhật Bản, công bố mới nhất của Tanaka Kikinzoku Kogyo K.K – đơn vị bán lẻ vàng lớn nhất Nhật Bản – cho thấy, 6 tháng đầu năm, doanh thu của đơn vị này đã tăng tới 30% so với cùng kỳ, chạm mức 15 tấn. Đáng chú ý, trong 7 phiên giao dịch từ 24/6- 4/7, khối lượng bán vàng của Tanaka Kinozoku Kogyo đã tăng gấp đôi so với bảy ngày làm việc trước đó...
Ngoài ra, việc đồng USD lên cao nhất trong 3 tuần gần đây so với đồng Yên, cùng với những số liệu kinh tế tích cực của Mỹ khiến khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lớn hơn. Điều này được kỳ vọng sẽ kéo giá vàng tăng mạnh trong thời gian tới khi bởi nếu xảy ra, việc FED tăng lãi suất cho có tác động nhất định đến thị trường chứng khoán, hoạt động của doanh nghiệp...
Nhưng như đã đề cập ở trên, mọi dự báo, kỳ vọng lạc quan về giá vàng đã không xảy ra, giá vàng đã quay đầu giảm mạnh. Điều này một lần nữa cho thấy những rủi ro trên thị trường vàng là rất lớn, vượt xa mọi phân tích, dự báo của giới chuyên gia, đầu tư toàn cầu. Xa hơn, giá vàng đang phá vỡ mọi quy tắc, nguyên tắc trên thị trường hàng hóa toàn cầu.
Trước đó, trong các phiên giao dịch từ 13 – 15/7, khi những tín hiệu về khả năng hồi phục của giá vàng được ghi nhận là rõ nét nhất thì giá vàng đã bất ngờ quay đầu giảm mạnh, từ mức 37,40 triệu đồng/lượng giảm xuống còn 36,85 triệu đồng/lượng, giảm tới 500.000 đồng/lượng. Và cũng đúng lúc giới đầu tư đang bi quan nhất về giá vàng thì phiên giao dịch ngày 16/7, giá vàng đã bật tăng trở lại, lấy lại mốc 37 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thực sự đang làm nản lòng, thất vọng giới đầu tư toàn cầu, nó đã và đang làm bất lực mọi phân tích, dự báo của cả giới chuyên gia và các nhà phân tích. Đầu tư vào vàng vì thế chẳng khắc nào một canh bạc!
Chốt phiên giao dịch ngày 18/7: Giá vàng SJC được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 36,45 – 36,83 triệu đồng/lượng, giảm 230.000 đồng chiều mua và 270.000 đồng ở chiều bán. Giá vàng SJC được Tập đoàn Doji và công ty Phú Quý niêm yết ở mức 36,55 – 36,75 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng ở cả chiều mua và bán. Giá vàng SJC được Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 36,57 – 36,73 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 ở cả chiều mua và bán. Giá vàng Rồng Thăng Long được ghi nhận ở mức 35,58 – 36,03 triệu đồng/lượng, giảm 180.000 đồng ở chiều mua và 180.000 đồng ở chiều bán. |
Hà Lê
-
Tin tức kinh tế ngày 19/9: Xuất khẩu gạo vượt 4 tỷ USD
-
Giá vàng hôm nay (19/9): Thị trường thế giới bất ngờ giảm mạnh
-
Giá vàng hôm nay (18/9): Thị trường trong nước và thế giới trái chiều
-
Tin tức kinh tế ngày 17/9: Dư nợ bất động sản cao kỷ lục
-
Giá vàng hôm nay (17/9): Tăng trong phiên giao dịch đầu tuần