Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo

13:54 | 18/10/2022

294 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022 diễn ra từ ngày 12 đến 28/10/2022 tại Hà Nam. 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp từ Trung ương tới địa phương (chủ yếu ở khu vực phía Bắc) mang tới liên hoan 27 vở diễn đặc sắc.
Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 diễn ra từ ngày 12 đến 28-10 tại Hà Nam
Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 diễn ra từ ngày 12 đến 28-10 tại Hà Nam

Chèo là một loại hình sân khấu độc đáo, có sự kết hợp giữa hát, múa, nhạc, kịch - một di sản văn hóa nghệ thuật đáng quý. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, chèo đã trở thành môn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Ngày 20/10/2021, Chính phủ đã đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật chèo là di sản văn hóa thế giới.

Tuy vậy, chèo cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông cho rằng: Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các chương trình văn hóa, giải trí ngập tràn trên Internet, trên sóng truyền hình khiến cho nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng bị lấn át, có nguy cơ mai một. Để chèo đến gần hơn với công chúng, được khán giả yêu thích, việc giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo là vấn đề nan giải. Với những cố gắng, nỗ lực, làng chèo Việt Nam mong muốn và hy vọng sẽ làm cho công chúng ngày càng biết đến và yêu chèo nhiều hơn.

Trong 27 vở diễn tham dự Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022 có gần 40% các vở diễn có đề tài mới và 60% giữ giá trị nghệ thuật chèo truyền thống. Nhiều vở diễn đề cập đến nhân vật, sự kiện lịch sử của dân tộc.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Ly Ly khẳng định: Cục Nghệ thuật Biểu diễn luôn quan tâm đến giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống. Tại liên hoan năm nay, Ban Tổ chức mong muốn khán giả đến xem đông nhất có thể để nghệ thuật chèo “được tràn vào nhân dân”. Trong thời đại công nghệ thông tin, việc tổ chức liên hoan chèo là một cách để “giữ lửa” cho văn hóa phi vật thể. Điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy các di sản văn hóa đó tới thế hệ kế cận. Các hình thái nghệ thuật khi phát triển đến một mức nào đó vẫn phải quay lại truyền thống để tìm kiếm chất liệu và cảm hứng sáng tạo mới. Truyền thống chính là cốt lõi, nền tảng cho sự phát triển đương đại. Không thể phát triển mà không có gốc. Việc tổ chức liên hoan cũng là một cách thu hút khán giả đến gần hơn với nghệ thuật chèo.

Để tạo điểm nhấn, thu hút khán giả đến với sân khấu chèo, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã thực hiện ý tưởng thiết kế bộ nhận diện của liên hoan chèo, vừa mang tính truyền thống vừa có sức thuyết phục với xã hội mới, với hình ảnh chủ đạo là chiếc quạt - biểu tượng của giá trị truyền thống - cùng với hình ảnh dòng sông, cũng chính là dải lụa trong chèo, thể hiện dòng sông thời gian chảy từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Ba màu chủ đạo là nâu, đỏ, vàng - biểu tượng cho vùng châu thổ Bắc Bộ, cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống. Qua đó có thể thấy một tinh thần rất hiện đại nhưng lại thể hiện được yếu tố truyền thống cốt lõi của chèo.

Liên hoan chèo lần này có sự tham gia của hơn 1.250 diễn viên, trong đó rất nhiều gương mặt trẻ dưới 35 tuổi, được coi là thế hệ “măng mọc” đan xen, kết nối giữa các thế hệ, là tín hiệu tốt cho nghệ thuật chèo truyền thống.

Hồng Hạnh