Báo chí thời 4.0 - Xu thế tất yếu

08:52 | 21/06/2019

386 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một bài báo có giá trị về nội dung phải xuất phát từ “cái tâm” của người cầm ngòi bút vì nhân sinh, vì những điều tốt đẹp của xã hội. Nhà báo phải luôn giữ những tiêu chí của người làm báo là sự thật, công bằng và cân bằng. Đó là những điều mà máy móc hay công nghệ không thể thay thế được.      

Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã tạo những áp lực lớn đối với nhiều tờ báo, kể cả báo giấy, báo nói, báo hình và báo điện tử. Bạn đọc giờ đây sở hữu những phương tiện nghe, nhìn hiện đại, nhiều tính năng, vì thế có thể tiếp nhận thông tin ở mọi lúc, mọi nơi và ở nhiều kênh khác nhau.

Trước tình hình đó, báo chí phải thích ứng với thời cuộc để không bị tụt hậu. Hàng loạt động thái của các cơ quan báo chí trong thời gian qua đã cho thấy sự chuyển mình rõ rệt. Nhiều tờ báo coi mạng xã hội như một mảnh đất tốt để đưa các sản phẩm báo chí chính thống đến với người dân. Chính những mặt trái của mạng xã hội, trong đó, rõ nhất là nạn đưa tin giả, tin chưa được kiểm chứng… tạo hiệu ứng xấu lại là cơ hội để các tờ báo khẳng định được vị trí, giá trị của mình thông qua việc đưa ra những bài viết phản biện với cách kiến giải trung thực, chính xác, sâu sắc, kịp thời.

bao chi thoi 40 xu the tat yeu
Nhà báo Trần Anh Tuấn tác nghiệp tại Trường Sa

Cùng với đó, kỹ năng tác nghiệp của phóng viên đã có nhiều thay đổi. Nhiều tờ báo đã hướng phóng viên đến cách làm việc “3 trong 1”. Giờ đây, một phóng viên không chỉ cần thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh mà còn phải biết quay video về cùng một sự kiện, để sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói.

Nhiều tòa soạn đã có những thay đổi để đáp ứng với xu thế phát triển của xã hội hiện đại. Mô hình “tòa soạn hội tụ” - mô hình tòa soạn hiện đại, tận dụng tối đa ưu thế về nhân lực đa phương tiện và nền tảng công nghệ kỹ thuật tiên tiến để sản xuất các ấn phẩm cho nhiều loại hình, phương tiện báo chí khác nhau - đã được một số báo lựa chọn. Mô hình này đang trở thành xu thế tất yếu. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình “tòa soạn hội tụ” ở Việt Nam hiện nay vẫn ở mức sơ khai, chưa có sự đầu tư đầy đủ, hoàn chỉnh về cả công nghệ lẫn kỹ năng, đồng thời chỉ diễn ra ở một số cơ quan báo chí có tiềm lực mạnh.

Báo chí hiện tại và trong tương lai vẫn luôn phải đối mặt với áp lực đổi mới phù hợp với thời đại công nghệ số. Nhưng dù có ở nền tảng công nghệ nào, dù kỹ thuật làm báo có phát triển đến đâu thì những giá trị cốt lõi của báo chí cũng không thể mất và không được phép mất.

Lãnh đạo của một tờ báo điện tử từng chia sẻ: “Làm báo thời đại số nhiều nan giải. Nội dung vẫn cần phải được ưu tiên, nhưng nếu không có công nghệ thì báo chí thời đại công nghệ số sẽ thất bại. Báo chí ngày nay muốn có bạn đọc nhanh phải tập trung công nghệ, nhưng muốn giữ bạn đọc phải chú trọng nội dung. Nội dung tốt mà không ứng dụng công nghệ thì tờ báo khó phát triển mạnh. Những tờ báo sử dụng các giải pháp công nghệ tốt có thể đạt mục tiêu ban đầu về lượt view, share... nhưng nếu thỏa mãn với những con số này thì dễ đi xuống nhanh, vì độc giả sẽ quay lưng khi nội dung không có chiều sâu, nhàm chán. Công nghệ đưa báo đến gần và rộng, nhưng nội dung sẽ giúp báo ở lại lâu và sâu với độc giả”.

Công nghệ số cho những người làm báo nhiều phương tiện, nhiều “vũ khí” hơn để thuận lợi hơn trong công việc. Nhưng, chính đạo đức của người làm báo, thái độ trân trọng sự thật, trách nhiệm với tin tức và sự dấn thân là những giá trị cơ bản, xuyên suốt của nghề báo. Đó là giá trị cốt lõi không bao giờ mất đi. Chỉ khi giữ được những giá trị đó thì báo chí cách mạng mới có thể biến thách thức thành cơ hội và tận dụng tối đa cơ hội đó để phát triển bền vững, bất kể đó là thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhắc nhớ về sứ mệnh của báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng khẳng định: “Việt Nam muốn sánh vai với cường quốc năm châu, muốn hùng cường, thì chúng ta phải khai phóng được nguồn tài nguyên vô hạn của đất nước, đó là năng lượng, là trí tuệ trong mỗi con người Việt Nam. Chỉ có báo chí mới làm được, đó là tạo niềm tin và khát vọng dân tộc. Sứ mệnh vĩ đại ấy đặt lên vai những người làm báo”.

Liệu báo chí có gánh vác được sứ mệnh đó không? Câu trả lời là “có”. Nhưng để thực hiện được sứ mệnh đó đòi hỏi cả một quá trình lâu dài và gian nan. Và, sự khởi đầu hôm nay chính là mỗi người làm báo, mỗi tòa soạn báo phải chấp nhận đổi thay mạnh mẽ, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển đi lên, tự tin gánh vác sứ mệnh thiêng liêng của mình.

Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 844 cơ quan báo chí đang hoạt động với hơn 1.000 sản phẩm báo chí, gần 20.000 nhà báo chuyên nghiệp. Các loại hình báo chí đa dạng, phong phú từ báo giấy, báo nói, báo hình, báo điện tử… đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của người dân.

Minh Loan