Bánh Trung thu 'ế' sẽ đi về đâu?

10:56 | 28/09/2015

3,388 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Đến hẹn lại lên” cứ sau mỗi một mùa Trung thu, câu hỏi về việc những chiếc bánh trung thu ế sẽ đi về đâu đều nhận được sự quan tâm của dư luận?

Trên thực tế, hầu hết hãng bánh lớn đều đã tiến hành việc thu hồi bánh trung thu ngay từ trước đêm rằm. Tuy nhiên, ngoài việc thanh lý bánh ế cho nhân viên, thì không hề có thông tin nào về cách xử lý số lượng bánh còn lại và cũng chẳng có nhà sản xuất nào công bố về việc tiêu hủy bánh.

Dư luận đặt ra giả thuyết liệu có phải bánh trung thu được thu về để chế biến thành những dạng bánh kẹo khác?

Hà Nội: Ế cũng không có chuyện giảm giá

Tại Hà Nội, trong ngày 27/9 (rằm Trung thu), theo quan sát của PV Báo Năng lượng Mới - PetroTimes, hầu hết các quầy bánh trung thu đều đã tháo bạt nghỉ bán. Đa số các chủ sạp đều cho biết, họ chắc chắn sẽ không giảm giá bánh cho tới những giây cuối cùng. Cũng có người thì lạc quan cho rằng sẽ không có chuyện ế bánh vì sức mua mấy ngày gần đây vẫn cứ tăng đều.

Chị Đỗ Thị Thu, chủ một quầy bán bánh trung thu ở đường Văn Cao cho hay, năm nay sức mua của người tiêu dùng có chiều hướng giảm sâu. Đối với cửa hàng của chị thì cứ tình hình như hiện tại thì khả năng còn thừa khoảng gần 150 chiếc bánh. Tuy nhiên, số bánh ế này chắc chắn sẽ không giảm một đồng?

“Phía công ty phân phối bánh Trung thu sẽ có nhân viên lưu động tới các quầy hàng hằng ngày. Những người này sẽ theo dõi, điều phối lượng bánh và giám sát hoạt động của đại lý. Nếu có vi phạm thì sẽ phạt theo quy định trong hợp đồng đã ký.” – chị Thu nói.

Như vậy, theo hợp đồng giữa các đại lý và nhà phân phối, thì số bánh còn dư phía nhà phân phối sẽ chịu trách nhiệm thu hồi toàn bộ, các đại lý chỉ việc bán hàng mà không bị mất một khoản tiền nào cả. Tuy nhiên các đại lý cũng phải có trách nhiệm cân đối làm sao để cho số bánh tồn không quá nhiều.

TP HCM: Bánh ế giảm giá cho người thu nhập thấp

Theo ghi nhận của PV Năng Lượng Mới - PetroTimes, sau rằm tháng Tám (16/8 âm lịch), hầu hết các gian hàng bán lẻ bánh Trung thu trên địa bàn TP HCM bắt đầu giảm giá rầm rộ. Trong những ngày này, lượng khách mua bánh Trung thu đã tăng lên đáng kể. Dường như đây chính là thời điểm “ăn nên làm ra” của các thương hiệu bánh Trung thu nhỏ.

giai bai toan banh trung thu e di ve dau
Quầy bánh trung thu Bibica.

Dạo một vòng các gian hàng bánh Trung thu trên đường 3/2, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Hoàng Văn Thụ... hầu hết các gian hàng bánh Trung thu Kinh Đô, Bibica đã trống trơn. Phần lớn số bánh Trung thu đề bảng giảm giá đều là của các hãng nhỏ lẻ hoặc không có nhãn mác, bao bì, và số lượng được bày bán vẫn không có dấu hiệu giảm.

Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra ở đây là, các hãng này đã treo biển giảm giá mạnh từ cách đây 2 tuần. Nhưng số bánh hiện còn tồn lại có ngày sản xuất rất gần, khoảng sau 20/9. Nếu lượng hàng tồn quá lớn để buộc phải giảm giá, vậy tại sao các hãng này lại sản xuất thêm nhiều đợt bánh mới như vậy?

Có hai hướng giải thích được đưa ra: Một là các hãng này tập trung tung hàng vào thời điểm người dân có tâm lý đổ xô đi mua hàng giảm giá, tức là những ngày kế cận hoặc sau rằm tháng tám. Hai là hạn sử dụng trên bao bì là con số... không thực tế?

Chưa xét đến tính xác thực của ngày sản xuất và hạn sử dụng của các loại bánh này, nhưng thực tế cho thấy chính tại thời điểm này mới là lúc “kiếm cơm” của các hãng bánh nhỏ. Bởi lẽ trong ngày cuối cùng của mùa trung thu, lượng người mua đông hẳn lên khi cửa hàng dồn dập khuyến mại.

Khi chúng tôi hỏi nhân viên tại quầy SG Đồng Khánh trên đường Hoàng Văn Thụ, tại sao bánh khuyến mãi mà lại có ngày sản xuất mới như vậy? Nhân viên ở đây cho biết, bánh giảm giá, khuyến mãi được tiêu thụ khá mạnh. Và phần lớn là do các doanh nghiệp, nhóm hội đặt mua làm từ thiện. Vì vậy, các chủ quầy cũng phải liên tục lấy về bánh mới.

giai bai toan banh trung thu e di ve dau
Các loại bánh Trung thu giá rẻ bắt đầu tăng cường hàng vào dịp hậu Trung thu.

“Dòng bánh cao cấp thường được bán mạnh trước ngày rằm khoảng hơn 1 tuần. Còn cận tết Trung thu, người lao động chủ yếu mua ăn nên đều chọn bánh rẻ. Lúc này mà ôm hàng bánh giá cao, người bán cầm chắc lỗ”, một chủ đại lý khẳng định.

Rõ ràng, lượng bánh Trung thu giá rẻ này được tính toán để tiêu thụ mạnh nhất vào những ngày cận và sau Rằm tháng 8, và đánh vào tâm lý ham rẻ của một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập thấp.

Anh Trần Thanh Minh (Gò Vấp) sau đi dò giá một vòng các cửa hàng bánh trung thu đưa ra nhận định rằng giá bánh sẽ còn giảm nữa.

“Mua ăn thì cứ từ từ chờ giảm nữa mà mua. Những cửa hàng ôm nhiều bánh sẽ phải giảm thêm thôi”, anh Minh khẳng định.

Sau khi dạo một vòng quanh các quận nội thành tại TP HCM, hầu hết những người được chúng tôi hỏi đều nói họ sẽ chọn quầy nào giảm giá bánh nhiều nhất để mua, còn thương hiệu không quan trọng.

Bánh trung thu ế sẽ về đâu?

Những năm gần đây, cảnh các quầy bán bánh trung thu trần, bóc nhãn giảm giá la liệt khắp phố đã quá quen thuộc đối với người dân thủ đô. Và theo như quảng cáo thì những loại bánh này đều là bánh ế của các hãng nổi tiếng như Hải Hà, Kinh Đô, Hữu Nghị... do nhân viên của các công ty này mua rồi bán lại ra ngoài.

“Để tránh ảnh hưởng tới thương hiệu của các hãng bánh lớn, nên bánh đã được tháo bỏ hết nhãn mác.” -  Một người bán bánh hạ giá ở phố Trương Định (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.

Để tìm hiểu rõ chuyện này, PV đã liên hệ làm việc với công ty bánh kẹo Hải Hà – Kotobuki (số 25, đường Trương Định), đại diện của công ty này cho hay, năm nay số lượng bánh ế, tồn không nhiều nên công ty sau khi thu hồi sẽ chia ra một phần để cho cán bộ nhân viên, số còn lại sẽ được đưa đi làm từ thiện ở những vùng khó khăn.

“Tôi khẳng định rằng, không có chuyện công ty bán hàng ế, tồn ra ngoài thị trường. Đối với các cán bộ nhân viên thì nếu phát hiện ra trường hợp nào bán bánh ra ngoài sẽ bị xử lý nghiêm. Còn chuyện những người bán bánh không nhãn mác ngoài đường họ lấy nguồn bánh ở đâu thì chúng tôi không rõ.”

Như vậy, theo thực tế mà chúng tôi tìm hiểu được ở Hà Nội và TP HCM thì hầu hết những chiếc bánh trung thu ế, giảm giá đang được bày bán giảm giá ngoài thị trường đều là của các hãng nhỏ hay những cơ sở sản xuất gia công theo thời vụ.

Việc bánh trung thu giám giá có gắn mác các hãng bánh nổi tiếng như Hải Hà, Kinh Đô, Hữu Nghị... đều là chiêu trò lừa đảo người tiêu dùng.

Tìm tới một cơ sở làm bánh trung thu gia công theo thời vụ ở một con ngõ nhỏ trên phố Đội Cấn, khi được hỏi về việc bánh trung thu ế sẽ được giải quyết như thế nào - anh Cường, chủ một tiệm bánh cho biết: “Bánh tồn chúng tôi sẽ cố gắng bán đại hạ giá cho người có nhu cầu hoặc có những cơ sở họ mang đi các tỉnh bán với giá rẻ. Nói là ế chứ thật ra chả ế đâu, bánh bán trong vụ lãi khoảng 70-80%, nên bánh tồn lãi được 20% vốn là cũng được rồi.”

Theo anh Cường, nếu bán đại hạ giá mà không hết hàng và bánh đã quá hạn sử dụng thì một số cơ sở sẽ bán cho các đầu lậu thu mua bánh quá “đát” về tái chế thành các loại bánh nướng cỡ nhỏ, bánh chả... sau đó tuồn hàng lên các tỉnh miền núi hoặc miền Trung...

Có một thực tế hiện nay, các loại bánh kẹo không nhãn mác, không ghi rõ nguyên liệu, thành phần cũng như hạn sử dụng đang xuất hiện tràn lan tại các chợ bán buôn, cửa hàng bán lẻ các chợ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa... Và những người kinh doanh không có tâm đã lợi dụng chính điều này để tiêu thụ bánh trung thu ế, quá hạn sử dụng, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là đối tượng tiêu thụ các sản phẩm này chủ yếu là các em nhỏ.

Mặc dù trước rằm tháng 8, hầu như tất cả các Sở y tế đều tổ chức kiểm tra chất lượng nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Tuy nhiên, sau đó không có bất kỳ biện pháp nào giám sát, quản lý việc thu hồi xử lý hàng tồn.

Rõ ràng các cơ quan quản lý Nhà nước đã thả nổi vấn đề này!

Cẩm Tú - Nguyên Phương

Năng Lượng Mới