Bánh chưng ký sự

08:58 | 05/02/2019

697 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bánh chưng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày Tết Nguyên đán, không thể thiếu trong mâm cỗ gia đình ngày đầu năm. Bánh chưng đã trở thành đặc sản mang đậm phong cách người Việt bình dị mà chan chứa nghĩa tình.

Bánh chưng mặn

Ngày xưa, các vị hoàng tử vào đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi dẹp xong giặc Ân, tiếp nhận chiếu chỉ của vua cha rằng ai tìm được thức ăn ngon lành nhất, bay cỗ có ý nghĩa nhất thì sẽ được kế vị.

Vị con trai thứ 18 của Hùng Vương là Tiết Liêu (Lang Liêu) vốn bản tính hiền hậu, lối sống nề nếp, có đạo đức, hiếu thảo với mẹ cha. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ nên ông lo lắng không biết phải làm sao. Khi ông nằm mộng, có một vị Thần chỉ hướng cho ông rằng vật trong trời đất không gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người, hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, tròn tượng trưng cho Trời gọi là bánh Dầy, vuông tượng trưng cho Đất được chưng trong chõ gọi là bánh chưng, lấy lá xanh bọc ngoài, nhân đỗ và thịt tượng trưng cho vạn vật muôn loài. Lang Liêu mừng rỡ làm theo lời Thần dạy.

Đến ngày hẹn, trước bao nhiêu sơn hào hải vị không hiếm lạ thì bánh dầy và bánh chưng của Lang Liêu lại trở nên nổi bật, vừa bình dị mà đầy ý nghĩa. Sau khi Vua Hùng nghe kể lại câu chuyện Thần báo mộng, nếm thử, thấy bánh vừa ngon lại có ý nghĩa bèn truyền lại ngôi Vua cho con trai thứ 18 của mình là Lang Liêu. Từ đó, cứ mỗi khi đến Tết Nguyên đán, dân chúng lại làm bánh chưng, bánh dầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời đất.

banh chung ky su

Vì là quan niệm dân gian nên có nhiều vùng miền lại có cách giải thích khác. Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng cho trái Đất, là âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng cho Trời, là dương, thể hiện triết lý Âm Dương, theo Biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam nói riêng. Bánh chưng âm dành cho Mẹ, bánh dầy dương dành cho Cha. Bánh chưng bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.

Bánh chưng ngọt

Gói bánh chưng ngọt cần hoa hồi, chút vỏ quế, dừa, thế mới làm nên hương vị đặc biệt. Hoa hồi khô mua ở tiệm thuốc Bắc cùng vỏ quế được nghiền thành bột mịn rồi ướp với thịt, nước mắm, hạt tiêu. Đường phên gói đến đâu, cạo tới đó để tránh đường bị ướt.

Gói bánh chưng ngon, không cần ngâm gạo hay luộc đỗ trước. Bánh cứ thế gói, luộc kỹ, miếng bánh ăn mềm mát. Một bát gạo, một bát đỗ, vài lát thịt, một lớp dày đường phên, phủ thêm gạo, đỗ, gói chặt lá dong, lạt ống giang, chiếc bánh chưng đem luộc đến gần 12 tiếng sẽ được độ ngon nhất. Người ta gọi đó là “rền” bánh.

Bánh chưng mặn, người làm bánh cố gắng sao cho chiếc bánh bóc ra xanh từ trong ra ngoài, bánh chưng ngọt đơn giản hơn. Bởi màu bánh đã là màu nâu cánh gián của đường phên. Nhìn màu vỏ bánh cũng có thể phân biệt vị bánh bên trong.

banh chung ky su

Ngày xưa trong dân gian, nhiều gia đình nghèo khó, không có tiền mua thịt nên chỉ cho mật mía, vừa rẻ, ăn lại ngon, nhiều nhà phú hộ gói bánh chưng thịt đến khi ăn cũng chấm qua một lượt mật mía vừa thơm mùi mật, vừa béo ngậy vị thịt, là món ngon ngày Tết khó cưỡng nổi.

Ngày nay, điều kiện kinh tế tốt hơn, đa phần người dân có thể gói bánh chưng thịt nhưng nhiều hộ gia đình còn giữ nét truyền thống gói bánh chưng ngọt như một điều tưởng nhớ về tổ tiên cho cả năm mới may mắn, gia đình hòa thuận, có nhiều người lại do thói quen lâu đời và thích ăn ngọt. Bánh chưng đường bây giờ nhiều gia đình không còn làm cầu kỳ như vậy nữa, mà tối giản đi chỉ gồm có gạo nếp, đỗ xanh và đường phên (có nhà dùng đường kính bình thường, có nhà dùng mật mía đậm vị hơn) vừa đơn giản mà ăn vẫn ngon.

Bánh tét

Bánh Tét là món ăn truyền thống mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, là một phong tục ngày Tết của người dân Nam bộ. Chiếc bánh nhìn giản đơn nhưng thấm đẫm triết lý của người miền Nam về con người và cuộc sống. Bánh được bọc nhiều lá như mẹ bọc lấy con, ăn bánh Tét lại nghĩ về mẹ, sống với mẹ, như chị em đùm bọc lẫn nhau cùng một mẹ sinh ra.

banh chung ky su

Không chỉ vậy, bánh Tét xanh nhân nhụy vàng gợi cho ta màu xanh của đồng quê, của đời sống chăn nuôi, của an vui xóm – làng, gợi cho ta niềm mơ ước “an cư lạc nghiệp” của con người, một mùa xuân thái hòa. Tất cả những ý nghĩa đó đã đề cao sức lao động của con người, sự hòa hợp của trời đất, của con người với thiên nhiên, hướng về nguồn gốc tổ tiên.

Hành trình một chiếc bánh

Lá dong phải là những lá lành lặn và xanh vừa phải, quá non sẽ không giữ được bánh, quá già thì bị giòn và dễ rách. Lạt để gói được chẻ từ ống giang, phải chẻ mỏng lạt mới dai và dễ gói. Gạo nếp phải được vo sạch và ngâm nước từ 10-12 tiếng cho gạo mềm, bánh mới nhanh chín. Sau khi vớt lên thì sóc với 1 ít muối cho bánh có vị đậm đà. Đỗ xanh phải được tách vỏ, lấy nhân vàng ươm và nên luộc chín trước khi gói. Gói bánh chưng có nhà gói bộ, có nhà lại dùng khuôn cho bánh được vuông. Gói bộ không cần lá to, khoảng 6-7 lá vừa và nhỏ là được, gói khuôn thì phải dùng 4 lá to cắt vừa kích thước của khuôn rồi chia ra xếp ở 4 góc khuôn.

Sau khi gói xong bánh chưng thì xếp vào nồi, chèn chặt bánh tránh tình trạng gạo nở làm bung bánh. Ở dưới đáy nồi đặt một lớp cuống lá để bánh không tiếp xúc với nồi tránh bị cháy. Bánh phải được luộc đủ 12 tiếng đồng hồ, phải luộc đủ lửa, nước luôn sôi và không để bị cạn nước tránh tình trạng bánh bị sống, nhanh bị cứng, sượng và lại gạo sau này.

banh chung ky su

Bánh chín, vớt ra rửa qua 1 lượt nước lạnh để tầy trừ chất nhờn, sạch bánh rồi ép ra hết nước tránh cho bánh nhanh bị thiu và tạo hình cho bánh trở nên vuông vức. Bánh khi vừa vớt ra còn đang nóng, mùi gạo nếp chín thơm quyện với mùi đỗ xanh thanh mát, vị thịt béo ngậy cùng hương lá dong bình dị, thơm đậm vị truyền thống tạo thành mùi hương quyến rũ và hấp dẫn nhất ngày Tết.

Thông thường người ta sẽ gói và luộc bánh vào 2 ngày 27 và 28 Tết, những năm nhuận tháng Chạp có 30 ngày có gia đình đến ngày 29 Âm lịch mới gói và luộc bánh. Nhà nào có đông trẻ con hay gói thêm những cái bánh chưng con, nhỏ xíu khoảng lòng bàn tay người lớn, bỏ vào luộc chung khiến cho đám trẻ vây quanh nồi bánh ngày cuối đông háo hức mong chờ lúc vớt bánh.

Hà Ly

banh chung ky su Ý nghĩa và cách bày mâm ngũ quả ngày Tết
banh chung ky su Đi chợ hoa giữa lòng phố cổ, hoài niệm Tết xưa!
banh chung ky su Phòng bệnh mùa xuân để đảm bảo sức khỏe ăn Tết