Bản tin Năng lượng xanh: Mục tiêu mở rộng điện gió ngoài khơi toàn cầu sẽ cần 27 tỷ USD vào năm 2026

14:35 | 18/08/2023

7,911 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một báo cáo của công ty nghiên cứu và tư vấn Wood Mackenzie cho biết các mục tiêu của các chính phủ nhằm tăng số lượng lắp đặt công suất điện gió trên toàn cầu lên gấp 5 lần hàng năm vào năm 2030 là “không thực tế” và sẽ cần 27 tỷ USD đầu tư vào chuỗi cung ứng vào năm 2026.
Bản tin Năng lượng xanh: Mục tiêu mở rộng điện gió ngoài khơi toàn cầu sẽ cần 27 tỷ USD vào năm 2026

Mục tiêu mở rộng điện gió ngoài khơi toàn cầu lên gấp 5 lần là 'không thực tế' và sẽ cần 27 tỷ USD vào năm 2026 - Wood Mackenzie

Wood Mackenzie dự báo công suất hàng năm có nhiều khả năng tăng thêm 30 gigawatt (GW) mỗi năm vào năm 2030, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 80 GW mỗi năm, mức tăng gấp 5 lần do các chính phủ trên thế giới đề ra.

Chris Seiple, Phó Chủ tịch Năng lượng và Năng lượng tái tạo tại Wood Mackenzie, cho biết: “Gần 80 GW công suất lắp đặt hàng năm để đáp ứng tất cả các mục tiêu của các chính phủ là không thực tế, thậm chí việc đạt được mức tăng 30 GW như dự báo của chúng tôi cũng sẽ không thực tế nếu không có sự đầu tư ngay lập tức vào chuỗi cung ứng”. “Chuỗi cung ứng đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô và sẽ là trở ngại để đạt được các mục tiêu khử cacbon nếu không có sự thay đổi".

Báo cáo cho biết sẽ cần 27 tỷ USD đầu tư mới vào chuỗi cung ứng vào năm 2026 và 100 tỷ USD đầu tư vào năm 2030 để ngành năng lượng điện gió có thể đáp ứng mục tiêu của các chính phủ về tăng trưởng gấp 5 lần công suất lắp đặt hàng năm vào cuối thập kỷ này.

Wood Mackenzie lưu ý rằng tỷ suất lợi nhuận thấp đối với sản xuất điện gió ngoài khơi và sự không chắc chắn về thời gian hoàn thành của dự án dẫn đến nhu cầu chuỗi cung ứng rất khác nhau, khiến cho việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này trở nên khó khăn.

Theo báo cáo Đánh giá thống kê về năng lượng thế giới trong tháng 6/2023, năng lượng gió và mặt trời toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục chiếm 12% sản lượng điện vào năm ngoái, vượt qua năng lượng hạt nhân.

Các nhà phân tích tại Wood Mackenzie cho biết, việc thiết lập mục tiêu và kế hoạch cho cơ sở hạ tầng thị trường điện để hỗ trợ điện gió ngoài khơi cần phải kéo dài sau năm 2030 để mở rộng quy mô chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi.

Nhóm nhà đầu tư Mỹ đạt được thỏa thuận tín dụng thuế để mua lại năng lượng tái tạo trị giá 1,5 tỷ USD

Hôm thứ Tư (16/8), Invenergy Renewables, Blackstone và Quỹ hưu trí lớn thứ hai của Canada (Caisse de Depot et Place du Quebec) cho biết họ đã ký một thỏa thuận với Bank of America để giúp mua các nhà máy năng lượng mặt trời và gió trị giá 1,5 tỷ USD, tận dụng cơ cấu thuế mới có trong Đạo luật giảm phát (IRA) mang tính bước ngoặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Blackstone đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào Invenergy Renewables. Caisse de Depot et Place du Quebec cũng là đối tác đầu tư của Invenergy Renewables. Invenergy Renewables cho biết họ đã đồng ý bán các khoản tín dụng thuế trị giá 580 triệu USD cho Bank of America và dành số tiền đó để mua 14 dự án năng lượng từ American Electric Power.

Người đứng đầu Bộ phận tài chính bền vững toàn cầu của Bank of America, Karen Fang, cho biết đây là giao dịch quy mô lớn đầu tiên thuộc loại này được công bố. Karen Fang cho biết: “Giao dịch này tạo ra một sản phẩm có thể chuyển nhượng được về mặt tài chính, sẽ được sử dụng để mở rộng quy mô tăng trưởng của năng lượng tái tạo”.

Các nhà phát triển và nhà đầu tư đang tìm cách tận dụng điều khoản trong Đạo luật giảm phát năm 2022, cho phép các công ty được giảm thuế để tài trợ cho các dự án năng lượng sạch.

Các nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư Credit Suisse đã ước tính IRA có thể dẫn đến việc tạo ra các khoản tín dụng thuế trị giá 576 tỷ USD vào năm 2031.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ hy vọng hệ thống mới sẽ mang lại nhiều tiền hơn từ các nguồn mới đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, lâu nay vốn phải dựa vào một nhóm hạn chế các ngân hàng lớn có thể xử lý quá trình mua cổ phần và giảm thuế liên quan.

Khoảng 4 nghìn tỷ USD cần được chi cho phát triển năng lượng sạch trên toàn cầu mỗi năm vào năm 2030 để cho phép các nền kinh tế trên thế giới cắt giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức phát thải ròng bằng 0 (Netzero).

Brazil nghiên cứu các dự án hydro carbon thấp trị giá khoảng 30 tỷ USD

Hôm thứ Tư (16/8), quan chức của Bộ Năng lượng và Mỏ của Brazil, Thư ký Kế hoạch chuyển đổi năng lượng Thiago Barral, cho biết Brazil đang nghiên cứu một số dự án trị giá 30 tỷ USD nhằm sản xuất hydro carbon thấp. Ước tính nước này có sản lượng tiềm năng là 1,8 tỷ tấn. Thiago Barral cho biết sản lượng tiềm năng này sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, cũng như việc thu giữ carbon từ khí thải nhiên liệu hóa thạch./.

Thanh Bình

(Source: Reuters)