Bản tin Năng lượng xanh: Châu Âu loại trừ khí đốt và hạt nhân khỏi hệ thống phân loại xanh

16:35 | 19/11/2021

115 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - 16 đại diện từ 8 quốc gia châu Âu mới đây đã phản đối đề xuất đưa năng lượng hạt nhân vào hệ thống phân loại của Liên minh châu Âu - một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu nhằm thúc đẩy tài chính bền vững và phát triển nền kinh tế carbon thấp ở EU.
Bản tin Năng lượng xanh: Châu Âu loại trừ khí đốt và hạt nhân khỏi hệ thống phân loại xanh

Trung Quốc có kế hoạch xây dựng ít nhất 150 lò phản ứng điện hạt nhân công suất 147 GW trị giá lên tới 440 tỷ USD trong vòng 15 năm tới, bằng cả thế giới xây dựng trong hơn 35 năm qua, nhằm cắt giảm phát thải CO2 (ước tính 1,5 tỷ tấn/năm) cũng như đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh nước này vừa trải qua đợt thiếu điện và phụ thuộc vào giá khí đốt thế giới. Dự kiến đến năm 2025, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành quốc gia sản xuất điện hạt nhân số 1 thế giới, hiện đang có 18 lò phản ứng trong quá trình xây dựng và 28 trong kế hoạch.

16 đại diện từ 8 quốc gia châu Âu mới đây đã phản đối đề xuất đưa năng lượng hạt nhân vào hệ thống phân loại của Liên minh châu Âu - một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu nhằm thúc đẩy tài chính bền vững và phát triển nền kinh tế carbon thấp ở EU. Các đại diện trên cho rằng, năng lượng hóa thạch, năng lượng hạt nhân và khí đốt không thân thiện với môi trường và do đó không thể đưa vào phân loại đầu tư bền vững của EU. Liên minh cũng nên loại trừ khí đốt và hạt nhân khỏi hệ thống phân loại xanh để đảm bảo độ tin cậy và cần tăng cường đầu tư trực tiếp và các nguồn năng lượng thực sự sạch. Ngoài ra, đầu tư vào khí đốt và điện hạt nhân làm tăng sự phụ thuộc của EU vào Nga và các nước khác. Trước đó, Bộ trưởng môi trường và an toàn hạt nhân của Đức S.Schulze đã từ chối công nhận năng lượng hạt nhân là thân thiện với môi trường. Bà Schulze cho rằng, Đức không có nhu cầu sử dụng năng lượng hạt nhân và phản đối quảng bá loại năng lượng này trong EU do những lo ngại về môi trường. Ngoài ra, các nhà máy điện hạt nhân sẽ không giúp giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu, chi phí xây dựng cao và thâm dụng lao động lớn.

Nhà sản xuất điện lớn nhất tại Đức RWE mới đây thông báo, hãng dự định đầu tư 50 tỷ euro vào phát triển năng lượng xanh vào năm 2030 như một phần của chiến lược Phát triển xanh. Chương trình đầu tư của RWE được dự báo sẽ mở rộng các dự án NLTT hiện nay. Công ty dự kiến tăng công suất lắp đặt điện trung bình từ các dự án hiện có thêm 1,5-2,5 GW mỗi năm. Đồng thời, công ty sẽ đảm bảo lợi nhuận trước thuế của hãng tăng thêm 9%. RWE cũng đã công bố tăng dự báo cho năm tài chính 2022. Đức hiện là thị trường NLTT lớn nhất EU. Quốc gia này nằm trong danh sách các nước đi đầu trong phát triển các nguồn NLTT ở EU. Chính phủ Đức tích cực tham gia vào thúc đẩy sản xuất điện mặt trời và điện gió trong nước bằng các chính sách trợ cấp và ưu đãi cho các dự án NLTT. Tuy nhiên, tiêu thụ than tại Đức đã tăng thêm 30% kể từ đầu năm 2021 đến nay. Đức có kế hoạch loại bỏ tất cả các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2023 và loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng than vào năm 2038.

Viễn Đông