Bản lĩnh người lính truyền tải điện (Bài 1)

13:57 | 13/01/2015

1,182 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 01/7/2008, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) chính thức ra đời. Kể từ thời điểm này, công tác đầu tư xây dựng và quản lý vận hành Hệ thống truyền tải điện quốc gia (cấp điện áp 220kV và 500kV) đã được thu về một mối.

Nói về Truyền tải điện, trước hết phải nói đến tinh thần, bản lĩnh và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công nhân viên công tác trong lĩnh vực Truyền tải điện, trong bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào vẫn vươn lên, nối dài Hệ thống truyền tải điện tới mọi miền của Tổ quốc. Nói về những sự kiện lịch sử trong lĩnh vực Truyền tải điện không thể không nhắc đến những dấu mốc quan trọng khi xây dựng đường dây 220kV đầu tiên ở miền Bắc, đường dây siêu cao áp 500kV mạch 1, mạch 2 và mạch 3,… Đó là những kỳ tích không thể nào quên, đánh dấu những bước trưởng thành quan trọng không chỉ của Hệ thống truyền tải điện quốc gia mà còn của ngành Điện Việt Nam.

Tháng 5/1981, tuyến đường dây 220kV  Hòa Bình - Hà Đông được đưa vào vận hành, trở thành tuyến đường dây 220kV đầu tiên ở miền Bắc. Tiếp sau đó là hàng loạt các công trình đặc biệt khác mang dấu ấn của những người lính truyền tải điện trên khắp cả nước. Sự kiện thu hút sự mong chờ của hàng chục triệu người dân Việt Nam và ghi nhận dấu ấn trở thành kỳ tích của những người làm công tác truyền tải điện là tháng 5/1994, đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam dài 1.487 km được chính thức đóng điện vận hành. Lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống điện Việt Nam đã có trục “xương sống” chạy suốt từ Bắc tới Nam chỉ sau 2 năm xây dựng thần tốc.

Sửa chữa đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 1.

Hệ thống truyền tải điện  500kV Bắc - Nam đi vào vận hành đã phát huy ngay vai trò của mình trong hệ thống điện lực. Một lượng điện năng rất lớn cung cấp cho miền Nam và miền Trung từ miền Bắc đã được truyền tải qua hệ thống này, cụ thể năm 1994 là 988 GWh và năm 1995 lên tới 2.813 GWh. Riêng trạm biến áp 500kV Phú Lâm, năm 1995 đã nhận đến 2.005 GWh, nhiều hơn điện năng phát trong cùng năm của hai nhà máy thủy điện Trị An và Thác Mơ cộng lại. Tình trạng “đói” điện đã được chấm dứt. Điện năng cung cấp cho miền Trung tăng thêm 43%, chất lượng điện áp được cải thiện rõ rệt. Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam đã đáp ứng 30% nhu cầu điện năng của miền Nam. Vào mùa khô, tỉ trọng này lên tới 40%. Nhờ có Hệ thống truyền tải điện 500kV ngành Điện đã có khả năng đáp ứng được tốc độ tăng trưởng phụ tải nhanh chóng của Hệ thống điện miền Nam bằng nguồn điện có giá thành thấp hơn.

Nhìn nhận một cách khách quan cho thấy việc đưa Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam vào vận hành không chỉ tiếp thêm sức mạnh phát triển kinh tế -xã hội cho miền Trung và miền Nam mà còn thổi một luồng sinh khí mới cho các nhà máy điện ở miền Bắc và các mỏ cung cấp than thời bấy giờ. Việc xây dựng và đưa vào vận hành thành công Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam còn là một bước trưởng thành quan trọng của ngành Điện Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành và hợp tác quốc tế.

Đến năm 2005 đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2 tiếp tục được hoàn thành đảm bảo hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500kV có hai mạch song song, tăng cường sự liên kết cho hệ thống điện toàn quốc và đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải ngày càng cao của miền Trung và miền Nam.

Trước những đòi hỏi cấp thiết của sự phát triển và được sự đồng ý của Chính phủ, ngày 01/7/2008 đánh dấu mốc quan trọng với việc chính thức thành lập EVNNPT, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên, 100% vốn điều lệ của Nhà nước, do EVN là chủ sở hữu. Sự kiện này mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của lĩnh vực truyền tải điện Việt Nam.

Chỉ mấy tháng sau khi được thành lập, EVNNPT đã đóng điện đường dây 220kV Châu Đốc - Tịnh Biên - Takeo cấp điện cho Campuchia vào tháng 3/2009. Đây là đường dây 2 mạch dài 69,5 km, 210 vị trí, công suất truyền tải lớn nhất 200 MW, sản lượng trung bình từ 900 triệu đến 1,4 tỷ kWh/năm. Công trình này có ý nghĩa to lớn không chỉ về kinh tế mà còn góp phần mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Tiếp theo, EVNNPT đã kịp thời hoàn thành các công trình lưới điện 500 kV đấu nối đồng bộ Nhà máy Thủy điện Sơn La để đưa dòng điện của Sơn La hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần vào thành tích của EVN hoàn thành đóng điện Nhà máy Thủy điện Sơn La vượt mức tiến độ hơn 2 năm; đóng điện và đưa vào vận hành đường dây 220kV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long vào ngày 28/12/2012 sau hơn 12 tháng triển khai thi công, góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là kỷ lục về tiến độ, là điển hình của sự quyết tâm, bám sát công việc của lãnh đạo và cán bộ công nhân viên EVNNPT.

Ngày 05/5/2014, EVNNPT đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông (đường dây 500kV mạch 3). Việc đóng điện và đưa vào vận hành công trình trọng điểm cấp bách này đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và EVN có ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định từ miền Bắc vào miền Nam, kịp thời cung cấp đủ điện cho sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội của toàn miền Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng ngay trong mùa khô năm 2014 và những năm tiếp theo. Cùng với  đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, việc đưa vào vận hành kịp thời  đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông góp phần tạo liên kết hệ thống điện miền Trung và miền Nam, đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng, miền trên cả nước.

Kết quả đạt được nêu trên thể hiện sự quyết tâm cao độ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, cùng với sự nỗ lực và tinh thần hăng say thi đua lao động, ngày đêm bám trụ trên công trường của các đơn vị thi công dự án; sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các đơn vị tham gia dự án; sự chia sẻ và ủng hộ của các địa phương trong suốt quá trình triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hơn nữa là sự đồng thuận, chia sẻ của nhân dân với các dự án trọng điểm cấp bách.

Nếu như đường dây 500kV mạch 1 được xây dựng bằng tinh thần dám làm dám chịu trách nhiệm, đường dây 500kV mạch 2 được xây dựng bằng tinh thần phát huy nội lực và chứng minh khả năng tự lực, tự cường thì đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông được xây dựng bằng sức trẻ, lòng nhiệt thành và bản lĩnh của đội ngũ cán bộ công nhân viên EVNNPT.

Đặng Phan Trường

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNNPT

  • el-2024