Bán đảo Sơn Trà & Những chuyện cần cảnh giác

09:22 | 10/09/2019

1,893 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khi tìm trên Google cụm từ “bán đảo Sơn Trà”, có tới 17.400.000 kết quả trong 0,43 giây. Nhiều mỹ từ được dùng để miêu tả bán đảo này như “viên ngọc quý”, “lá phổi xanh của Đà Nẵng”, “bán đảo đẹp nhất Đông Dương”... Thế nhưng, tại “viên ngọc quý” này đang có những chuyện buồn đáng tiếc.

Đêm 27/8/2019, Đà Nẵng mưa to. Phía bán đảo Sơn Trà, từng cơn mưa rừng đổ xuống ào ào qua những tán cây. Ở khoảng rừng phía gần mũi Nghê, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Đà Nẵng, có một nhóm “phượt thủ” bị lạc rừng. Nhóm này gồm 4 người, đến từ TP HCM và Huế. Bất chấp biển cảnh báo nguy hiểm đã được cơ quan chức năng cắm ở phía trên, nhóm “phượt thủ” vẫn đi theo đường mòn giữa rừng dẫn từ phía cây đa nghìn năm tuổi xuống mũi Nghê. Kết cục, 1 người trong nhóm bị lạc, 3 người còn lại dùng đèn pin tìm bạn và tri hô giữa rừng.

ban dao son tra nhung chuyen can canh giac

Toàn cảnh Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà

Hai người dân đang câu cá ở gần đó nghe thấy người tri hô đã vội vã tới ứng cứu. Nhưng không may, 1 trong 2 người là anh Trần Long Khải trong quá trình đi cứu người đã trượt chân ngã xuống vực và tử vong. Sau đó, cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ phải dùng canô để tiếp cận khu vực mũi Nghê từ hướng biển. Nhưng vì mưa to, sóng lớn nên đến tận 3 giờ 30 phút ngày 28/8, thi thể anh Khải và 1 du khách bị thương mới được đưa về đất liền. Những “phượt thủ” còn lại phải băng rừng ngược lên phía trên bán đảo Sơn Trà và di chuyển bằng đường bộ.

Anh Khải năm nay 30 tuổi, quê ở Quảng Trị, gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Vợ chồng anh Khải từ quê vào Đà Nẵng làm việc, sinh sống, vì khó khăn phải để 2 con nhỏ (4 tuổi và 14 tháng tuổi) ở quê cho ông bà chăm sóc. Để có thêm thu nhập, anh Khải ban ngày làm công nhân, ban đêm đi câu cá tại các bãi ở bán đảo Sơn Trà bán cho các quán nhậu.

ban dao son tra nhung chuyen can canh giac

Phớt lờ cảnh báo nguy hiểm, nhiều người vẫn để xe máy lại, luồn rừng xuống khu vực mũi Nghê

Chỉ vì ham khám phá nhưng lại thiếu kỹ năng, 4 du khách trẻ đã tự làm mình bị thương, lại còn làm hại đến mạng sống của một người khác.

Không chỉ du khách Việt, từng có nhiều trường hợp du khách nước ngoài đi lạc ở bán đảo Sơn Trà. Tháng 9/2018, cũng tại khu vực mà anh Trần Long Khải tử nạn, một nhóm du khách nước ngoài bị lạc.

Ngày 13/9/2018, 4 người bạn cùng một nhóm đi bộ khám phá rừng Sơn Trà bị lạc nhau. Một ngày sau, tối 14/9/2018, 2 du khách nữ lần mò ra được khỏi rừng và đến Công an phường Thọ Quang thông báo về việc 2 người bạn đi cùng bị mất tích. Sáng hôm sau, 1 người nữa cũng tìm được đường ra khỏi rừng và thông báo với cơ quan chức năng là còn 1 người nữa vẫn ở trong rừng nhưng kiệt sức ở mũi Nghê không thể đi được. Lực lượng cứu hộ đã phải điều canô ra mũi Nghê để đưa người này về.

Trước đó, vào tháng 6/2018, cũng có 1 du khách mang quốc tịch Philippines bị lạc trong rừng Sơn Trà và được ngư dân địa phương cứu giúp.

ban dao son tra nhung chuyen can canh giac

Các con đường ở bán đảo Sơn Trà gấp khúc, độ dốc lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao

Với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam. Tại Sơn Trà một ngày có bốn mùa: Buổi sáng mùa xuân; buổi trưa mùa hạ, buổi chiều mùa thu và buổi tối mùa đông. Vì thế, việc du khách trong nước và khách nước ngoài rất thích leo núi, luồn rừng, khám phá bán đảo Sơn Trà cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, du khách cần phải được trang bị những kỹ năng đi rừng cần thiết, để bảo đảm an toàn cho bản thân và không gây ảnh hưởng đến những người khác.

Theo ông Phan Minh Hải, Phó trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng, khu vực các du khách hay bị lạc là từ cây đa nghìn năm tuổi xuống mũi Nghê. Đây là khu vực rừng nguyên sinh, chưa có chủ trương khai thác du lịch, nhưng nhiều du khách vẫn chọn cách xuống mũi Nghê theo lối đi dân sinh của ngư dân và những người đi câu cá. Đây là đường đi dễ lạc vào rừng sâu nên cơ quan chức năng đã cho cắm biển cảnh báo, cắt cử nhân viên nhắc nhở, thế nhưng rất nhiều du khách vẫn bỏ qua, bất chấp nguy hiểm để đi vào rừng.

Theo thống kê từ Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, từ đầu năm 2019 đến nay, tại bán đảo Sơn Trà đã xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết, 3 người bị thương. Các nạn nhân tử vong đều là nữ, lưu thông trên bán đảo Sơn Trà bằng xe tay ga. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn được xác định là đường lên núi Sơn Trà quanh co, dốc hiểm trở, khiến người điều khiển xe bị mất lái, lao xuống vực hoặc đâm vào lan can.

Bản thân người viết bài này cũng nhiều lần đi bán đảo Sơn Trà bằng xe gắn máy và nhận thấy rằng, không nên tham quan bán đảo này bằng xe tay ga. Khi học lái xe, người học thường được nghe câu “lên dốc số nào, xuống dốc số đó” bởi việc hãm động cơ bằng số sẽ giảm áp lực lên phanh, nhất là những đường có độ dốc lớn như tại bán đảo Sơn Trà. Đường lên núi Sơn Trà có độ dốc lớn hơn 10%, nhiều đoạn có độ dốc 21%, hướng tuyến quanh co, nhiều đường cong có bán kính nhỏ hơn 15m. Trong khi đó, xe tay ga không có số, hoàn toàn không phù hợp với việc xuống các đường có độ dốc lớn, hoặc người xuống dốc phải có kỹ năng mớm ga để bộ ly hợp trong xe tay ga bó vào động cơ nhằm giảm tốc độ. Nhưng đây là kỹ năng không nhiều người biết, nhất là đối với phụ nữ.

Những cái hay, cái đẹp ở bán đảo Sơn Trà có thể không cần phải nói thêm nhiều, bởi đã có quá nhiều thông tin ca ngợi. Thế nhưng, để thưởng ngoạn vẻ đẹp ở bán đảo này một cách an toàn thì du khách cần tìm hiểu kỹ thông tin, tuân thủ các cảnh báo của cơ quan chức năng, đồng thời tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để đi du lịch tại đây như kỹ năng chạy xe an toàn, kỹ năng tìm đường trong rừng... Điều đó là vô cùng cần thiết để bảo đảm an toàn cho bản thân, cũng như không để có thêm những câu chuyện buồn ở bán đảo xinh đẹp này.

Từ đầu năm 2019 đến nay, tại bán đảo Sơn Trà xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết, 3 người bị thương. Các nạn nhân tử vong đều là nữ, lưu thông trên bán đảo Sơn Trà bằng xe tay ga.

Thanh Hiếu