Bàn cờ Syria sau khi Mỹ rút quân

13:03 | 08/10/2019

1,328 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đột ngột rút hết lực lượng khỏi Syria, khoảng trống Mỹ để lại được dự báo sẽ tạo nên nhiều hỗn loạn và tranh đấu tại khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện rõ ràng mong muốn rời khỏi Syria suốt nhiều tháng qua. Bản thân ông hồi năm 2016 cũng đắc cử một phần nhờ lời hứa đưa Mỹ thoát khỏi "những cuộc chiến tranh bất tận vô lý".

Nhưng tốc độ ra quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi phía bắc Syria có nguy cơ phá hủy hầu như mọi mục tiêu Washington đặt ra ở Trung Đông, chuyên gia nhận định.

Bàn cờ Syria sau khi Mỹ rút quân
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd và binh sĩ Mỹ trong một cuộc tuần tra ở thành phố Hasakah, Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, hồi tháng 11/2018. Ảnh: Reuters.

Sự rút lui đột ngột của Mỹ diễn ra đúng vào lúc Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tái tập hợp lực lượng. IS được thành lập trong cơn hỗn loạn cuộc nội chiến Syria và với việc Mỹ rút đi, sự hỗn loạn nhờ thế có cơ hội trở lại.

Trump hôm 7/10 tuyên bố Mỹ góp công lớn trong việc "đánh bại 100% Nhà nước Hồi giáo". Nhưng khi dân quân người Kurd ở Syria tiến lên phía bắc để đối phó với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vượt trội rất nhiều về vũ trang, khoảng trống sẽ được tạo ra ở nơi họ bỏ lại và đây là cơ hội tốt để IS "tái sinh trên cát", bình luận viên Nick Paton Walsh từ CNN nhận định.

Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị mở chiến dịch quân sự, khẳng định sẽ tiêu diệt toàn bộ lực lượng khủng bố tại miền bắc Syria. Các cố vấn quân sự và đặc nhiệm Mỹ trong khi đó đã bắt đầu rút khỏi vùng biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Washington tỏ ý sẽ không ngăn cản hoạt động của Ankara, hành động được coi là bật đèn xanh để Ankara mở chiến dịch tấn công lực lượng dân quân người Kurd được Mỹ hậu thuẫn nhưng bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là các tổ chức khủng bố. Dân quân người Kurd cáo buộc Washington "đâm sau lưng" khi không ngăn Ankara tiến hành chiến dịch quân sự.

Khi phải bận rộn chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ chính mình, nhiệm vụ kiềm chế IS chắc chắn sẽ trở thành thứ yếu đối với các tay súng dân quân người Kurd. Theo Walsh, quyết định của Trump còn là một món quà đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chính quyền Syria từ lâu đã muốn tìm cách chiếm lại Deir Ezzor ở phía bắc nước này, nơi trước đây là thành trì do IS chiếm đóng và hiện được lực lượng dân quân người Kurd kiểm soát. Mỹ rút lui, đồng nghĩa người Kurd cũng mất đi lá chắn phòng không mà Washington thiết lập tại khu vực. Giờ đây, Damascus sẽ có những lựa chọn dễ dàng, hoặc ký một thỏa thuận chính trị với người Kurd, hoặc gây sức ép quân sự cho đến khi người Kurd chịu rút lui khỏi Deir Ezzor.

Sự ra đi của Mỹ cũng mang đến lợi ích cho Iran. Sự hiện diện nhỏ bé của Mỹ ở bắc Syria cùng hoạt động giám sát trên không đi kèm với nó đóng vai trò như một chốt chặn đối với Tehran, gần như khóa chặt đường di chuyển từ biên giới Iran tới các đồng minh ở Lebanon.

Khoảng trống Mỹ bỏ lại sẽ được lấp đầy bởi lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, các lực lượng thân chính quyền Syria và lính đánh thuê của Nga. Kết cục này có thể chưa gây ra những tác động trong ngắn hạn nhưng sẽ mang đến các hệ quả trong dài hạn.

Quân đội Mỹ lúc nào đó chắc chắn vẫn phải rút khỏi khu vực và dân quân người Kurd bắt buộc phải chấp nhận việc co cụm về một khu vực nhỏ bé hơn ở đông bắc Syria. Nhưng quyết định đột ngột Trump đưa ra đã tạo nên mối đe dọa ngay lập tức với Israel, đồng minh quan trọng của Mỹ, bằng cách mở tuyến đường từ Iran đi qua Iraq và Syria tới đồng minh Lebanon.

Israel coi Iran là một mối đe dọa hiện hữu và là mối nguy lớn nhất đối với tương lai của đất nước. Israel đã theo dõi sát sao ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran ở Trung Đông - từ Iraq, Lebanon cho tới Syria và kêu gọi Nga, Mỹ cùng các nước khác hành động. Tuy nhiên, Israel phần lớn đơn thương độc mã khi cố gắng hạn chế sự hiện diện của Iran tại Syria.

Trong khi đó, Iran cũng thường xuyên đe dọa Israel. Những người theo chủ nghĩa cứng rắn của nước này thường hô vang "Cái chết cho Mỹ" và "Cái chết cho Israel" trong các cuộc biểu tình.

"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm tiến hành chiến dịch ở miền bắc Syria. Các lực lượng vũ trang Mỹ không hỗ trợ hay tham gia chiến dịch này. Quân đội Mỹ đã đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) và sẽ không còn xuất hiện ở khu vực trên", Nhà Trắng ra thông cáo cho hay.

Thổ Nhĩ Kỳ hẳn nhiên là bên hài lòng hơn cả. Thông báo của Nhà Trắng về việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm tiến hành chiến dịch ở miền bắc Syria và các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ không còn xuất hiện tại khu vực cũng như không tham gia chiến dịch này giống như tấm vé thông hành để Ankara đường đường chính chính tấn công dân quân người Kurd ở Syria.

Song chuyên gia nhận định cuộc chiến của Tổng thống Erdogan sẽ không dễ dàng bởi dù chiếm ưu thế về mặt khí tài, đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một lực lượng dân quân người Kurd rất kỷ luật và tận tụy, đã được rèn luyện qua nhiều năm chiến tranh đô thị với IS.

Quyết định rút quân đã khiến Trump vấp phải nhiều chỉ trích từ chính các thành viên đảng Cộng hòa, những người cho rằng ông đang phản bội dân quân người Kurd.

Dường như nhằm bảo vệ cho quyết định của mình, Tổng thống Trump hôm qua đăng thông điệp trên Twitter, tuyên bố sẽ "xóa sổ hoàn toàn nền kinh tế" Thổ Nhĩ Kỳ nếu phát hiện họ "làm bất kỳ điều gì quá giới hạn" trong chiến dịch quân sự ở bắc Syria mà Ankara chuẩn bị tiến hành. Tuy nhiên, chưa rõ ông chủ Nhà Trắng sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào.

"Tương lai chưa rõ ra sao nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, nó sẽ đẫm máu hơn và hỗn loạn hơn", Walsh bình luận.

Bàn cờ Syria sau khi Mỹ rút quân
Thổ Nhĩ Kỳ muốn đẩy dân quân người Kurd khỏi biên giới phía nam giáp Syria. Đồ họa: HAL.

Theo VNE

Không quân Nga tiến hành không kích các căn cứ của Al-Qaeda ở Idlib
Thổ Nhĩ Kỳ khởi động chiến dịch chống YPG ở Syria
Quân đội Syria tiêu diệt 15 tên khủng bố IS ở Deir Ezzor
Tổng thống Nga tuyên bố kết thúc các hoạt động quân sự quy mô lớn ở Syria
Nga cảnh báo Israel về các cuộc không kích ở Syria