Tăng trưởng xanh- những vấn đề cần đặt ra:

Bài 7: Doanh nghiệp cần “xanh hóa” hoạt động để tiếp cận tín dụng xanh

09:36 | 14/08/2024

76 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trao đổi với Năng lượng Mới, ông Nguyễn Việt Long Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trao đổi với ngân hàng về nhu cầu tín dụng, hiện trạng của doanh nghiệp và xác định các công việc cần thực hiện. Đồng thời chủ động trong việc “xanh hóa” hoạt động của bản thân doanh nghiệp... để có thể tiếp cận được các nguồn tín dụng xanh.
Bài 7: Doanh nghiệp cần “xanh hóa” hoạt động để tiếp cận tín dụng xanh
Nguyễn Việt Long Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam.

PV: Mới đây Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, ban hành bộ tiêu chí xanh quốc gia. Ông có thể chia sẻ sự cần thiết của quá trình này?

Ông Nguyễn Việt Long: Tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, cùng các bộ, ngành xây dựng “tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (sau đây gọi là “danh mục phân loại xanh”), trình Chính phủ ban hành trước 31-12-2022. Tuy nhiên, tới nay bộ tiêu chí xanh này vẫn chưa được ban hành. Theo thông tin chúng tôi được biết thì dự kiến bộ tiêu chí sẽ được ban hành trong quý III năm nay.

Theo góc nhìn của tôi, việc ban hành bộ tiêu chí xanh là cần thiết để các thành phần kinh tế, doanh nghiệp có định hướng rõ về các tiêu chí họ cần hướng đến để đạt phân loại xanh. Bộ tiêu chí này vừa là cơ sở để nhà nước ban hành các chính sách theo lộ trình phù hợp, vừa là thông tin chỉ dẫn cho cộng đồng các doanh nghiệp để sớm có chiến lược/kế hoạch chuẩn bị cho chuỗi giá trị của doanh nghiệp cho các mục đích phát triển xanh khác nhau (từ khâu cung ứng đầu vào, sản xuất, thị trường, tiếp cận vốn xanh v.v…). Thêm nữa, việc ban hành bộ tiêu chí xanh, trong đó có các yếu tố về biến đổi khí khậu (phát thải khí nhà kính, hay còn gọi là phát thải carbon) sẽ thể hiện rõ việc thực thi cam kết Net Zero của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

PV: Mối quan hệ giữa “tín dụng xanh” và kinh tế xanh? Nhu cầu cầu tín dụng xanh trong nền kinh tế Việt Nam hiện ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Long: Kinh tế xanh nhấn mạnh việc chuyển đổi sang các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, thúc đẩy công nghệ sạch và tạo ra việc làm bền vững. Tín dụng xanh có liên quan mật thiết đến kinh tế xanh ở chỗ nó cung cấp nguồn tài chính cần thiết để thực hiện chuyển đổi sang một nền kinh tế thấp carbon và bền vững hơn. Bằng cách hỗ trợ tài chính cho các dự án và doanh nghiệp thân thiện với môi trường, tín dụng xanh góp phần thúc đẩy đổi mới và đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng cho sự phát triển của kinh tế xanh, từ đó giúp giảm thiểu tác động đến môi trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tín dụng xanh là một trong các nguồn vốn thuộc lĩnh vực tư nhân để giúp thúc đẩy việc chuyển chuyển dịch sang nền kinh tế xanh. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (tháng 7 năm 2022), Việt Nam sẽ cần khoảng 368 tỷ USD cho giai đoạn 2022-2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm để đạt đực mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Trong số 368 tỷ USD này, khoảng 184 tỷ USD, tương đương khoảng gần 4,7 triệu tỉ đồng theo tỉ giá hiện tại, sẽ đến từ khu vực tư nhân, thông qua hình thức tín dụng xanh từ các ngân hàng và phát hành các công cụ dựa trên thị trường như cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.

Nói riêng về tín dụng xanh tại Việt Nam, trong giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến hết tháng 3 năm 2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).

Con số về dư nợ so với nhu cầu về nguồn vốn ước tính để thực hiện lộ trình Net Zero của Việt Nam cho thấy Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả hơn nữa để tăng dư nợ tín dụng xanh trong thời gian tới.

PV: Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hiện có “room" tín dụng xanh là bao nhiêu? Các doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn tín dụng xanh này cần đáp ứng/chuẩn bị những gì?

Ông Nguyễn Việt Long: Tính toán nhu cầu vốn cho đầu tư nguồn, lưới điện tại dự thảo quy hoạch điện VIII là gần 14 tỷ USD một năm, trong đó 75% vốn cho nguồn điện, 25% vốn cho lưới điện. So với yêu cầu này, rõ ràng dư nợ tín dụng cho năng lượng tái tạo còn có khả năng tăng nhiều trong thời gian tới.

Hiện tại, chưa có các con số chính xác về “room” tín dụng xanh cho năng lượng tái tạo của các ngân hàng, Tuy nhiên, có thể kể đến các con số như nguồn vốn 9.500 tỷ VND BIDV nhận được năm 2022 từ các tổ chức quốc tế tài trợ cho các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, điện mặt trời, chống biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ y tế kỹ thuật, cải thiện chất lượng sống của con người[1] hay gói tài chính xanh Green up 5.000 tỷ VND cho năm 2024 của VietinBank.

Nhìn chung, nhiều ngân hàng thương mại hiện nay đều có định hướng tăng trưởng danh mục tín dụng xanh, trong đó dư nợ cho năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ tiếp tục được tập trung. Tuy nhiên, việc tìm được các khách hàng và dự án thỏa mãn các tiêu chí cho vay năng lượng tái tạo theo khung/tiêu chuẩn cho vay xanh, trong khi vẫn đảm bảo lợi ích về mặt kinh tế cho các ngân hàng là thách thức lớn đối với nhiều ngân hàng hiện nay.

Về phía doanh nghiệp, để có thể tiếp cận với các nguồn tín dụng xanh, nên cân nhắc:

Thứ nhất là chủ động tìm hiểu, nắm rõ các tiêu chí và các yêu cầu của ngân hàng đối với các khoản các gói cho vay xanh; chủ động trao đổi với ngân hàng về nhu cầu tín dụng, hiện trạng của doanh nghiệp và xác định các công việc cần thực hiện.

Thứ hai là chủ động trong việc “xanh hóa” hoạt động của bản thân doanh nghiệp. Có thể bắt đầu với việc tìm hiểu định hướng của Chính phủ về các mục tiêu phát triển bền vững, Net Zero, các định hướng và yêu cầu của đối với ngành doanh nghiệp đang hoạt động; tìm hiểu các quy định của thị trường doanh nghiệp xuất khẩu; tìm hiểu về các quy định công bố thông tin.

Bước tiếp theo là xác định các công việc cần thực hiện, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trong đó trước mặt đặt ưu tiên cao hơn cho các nội dung các ngân hàng quan tâm và các nội dung các thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp quy định. Doanh nghiệp có thể chủ động trao đổi các nội dung này với ngân hàng, tìm kiếm sự giúp đỡ từ các hiệp hội, các đơn vị tư vấn khác.

Đối với các khoản cho vay năng lượng tái tạo, ngoài việc chứng minh về hiệu quả của dự án và các quy định cơ bản về ESG của doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải chứng minh khả năng đo lường được các tiêu chí đánh giá tác động của dự án xanh như: công suất lắp đặt của dự án năng lượng tái tạo, số kilowat giờ (kWh) năng lượng tạo ra từ năng lượng tái tạo hàng năm theo loại, lượng khí nhà kính tránh được hàng năm (tCO2e)….

Bài 7: Doanh nghiệp cần “xanh hóa” hoạt động để tiếp cận tín dụng xanh
Nếu không “xanh hóa” các sản phẩm xuất sang EU sẽ phải trả thuế carbon, làm tăng chi phí, giảm tính cạnh tranh trên thị trường.

PV: Sắp tới Liên minh châu Âu (EU) sẽ thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (EU's Carbon Border Adjustment Mechanism - EU CBAM) đối với các quốc gia có mặt hàng xuất khẩu vào EU. Việt Nam xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia phải chăng để giảm thiểu thiệt hại đối với cơ chế này?

Ông Nguyễn Việt Long: Về bản chất, CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

CBAM có sự tác động tới các ngành trong hệ thống kinh tế Việt Nam vào những khoảng thời gian khác nhau. Ở giai đoạn chuyển tiếp từ tháng 10 năm 2023 đến tháng 12 năm 2025, CBAM sẽ tác động đến các ngành xi măng, điện, phân bón, sắt thép, trong đó ảnh hưởng chính là ngành sắt thép.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn khi tuân thủ CBAM, như nhận thức và năng lực thực hiện đánh giá kiểm kê phát thải khí nhà kính, rào cản công nghệ. Đồng thời, lộ trình thực hiện giảm phát thải còn đòi hỏi sự nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và nguồn lực sẵn có để đầu tư hoặc được tiếp cận hỗ trợ tài chính.

CBAM chỉ là một trong các thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải trong chuyển dịch xanh. Vì vậy, càng sớm ban hành bộ tiêu chí xanh và các chính sách đi kèm, các doanh nghiệp sẽ càng sớm chủ động xác định rõ các thách thức, rào cản, và quan trọng hơn, sớm có chuyển dịch cần thiết để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh chuyển dịch xanh của nền kinh tế thế giới.

PV: Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN vào EU như: thép, xi măng, nhôm, dệt may, thủy sản… cần chuyển đổi, “xanh hóa” như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Long: Các ngành chịu tác động của CBAM ban đầu (2023) gồm sản xuất sắt - thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và hydro. Ngoài sắt - thép, các mặt hàng còn lại Việt Nam không xuất khẩu hoặc xuất khẩu không đáng kể sang EU. Nhưng theo lộ trình, danh sách các ngành dự kiến được mở rộng cho đến năm 2030. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu của CBAM, nhìn rộng hơn là không “xanh hóa”, thì các sản phẩm xuất sang EU sẽ phải trả thuế carbon, làm tăng chi phí, giảm tính cạnh tranh trên thị trường.

Các doanh nghiệp thuộc ngành thép sẽ cần có các bước chuyển mình mạnh mẽ, bắt đầu bằng việc kiểm kê khí nhà kính, chủ động tìm hiểu thông tin và hỗ trợ từ các hiệp hội và cơ quan nhà nước liên quan, áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, và cao hơn là cần xác định chiến lược và lộ trình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao năng suất và giảm phát thải[2].

Đối với các doanh nghiệp ngành dệt may, tôi khuyến nghị họ thực hiện một số việc sau: (i) chủ động theo dõi chặt chẽ tiến độ của CBAM và các quy định tương tự của các thị trường nhập khẩu khác; (ii) đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính; (iii) chủ động xanh hóa hoạt động quản trị và sản xuất theo hướng tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính; (iv) chủ động đánh giá các cơ hội chuyển hướng sang các sản phẩm “xanh”.

Các doanh nghiệp cần nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng đối với các yêu cầu về báo cáo phát thải khí nhà kính, phát triển các quy trình nội bộ, hệ thống tính toán lượng phát thải phục vụ CBAM. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có thể cung cấp thông tin phát thải trong quá trình sản xuất, gia công hàng hóa, trong khi CBAM yêu cầu thông tin số liệu phát thải trong cả nguyên liệu đầu vào sản xuất.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chưa có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng xanh

Trao đổi tại tại diễn đàn thường niên về Quản trị công ty lần thứ 6, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, hiện lãi suất ưu đãi tín dụng xanh đang thấp hơn từ 0,5 - 2% so với mức lãi suất thông thường nhưng vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng này.

Cũng theo ông Ánh, bản thân các ngân hàng trong quá trình chuyển dịch xanh cũng gặp không ít khó khăn như chưa có khung pháp lý rõ ràng về danh mục phân loại xanh quốc gia để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng huy động vốn cũng như cấp tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn thành vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, do vậy các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay, trong khi đó lại thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh.

Ông Ánh kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhanh chóng ban hành hướng dẫn phát triển ngân hàng xanh và tiêu chí phân loại xanh có tính tới sự phù hợp với các tiêu chuẩn thực hành tốt, để các TCTD có thể áp dụng cho vay các dự án xanh, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, với “room” tín dụng cấp hàng năm, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét tiêu chí tăng thêm tỷ lệ tăng trưởng, cấp tín dụng đối với các ngân hàng có tỷ trọng cấp cho lĩnh vực tín dụng xanh ở mức cao, nhằm khuyến khích các ngân hàng chuyển dịch cơ cấu, tạo danh mục tín dụng xanh, tín dụng bền vững.

Với các doanh nghiệp, ông Ánh cho rằng để tiếp cận tài chính xanh một cách dễ dàng hơn cần hiểu rõ hiện nay có hai nguồn tín dụng xanh, một là nguồn vốn từ ngân hàng nội địa và hai là từ các định chế tài chính quốc tế. Để tiếp cận được, điều kiện cần là phải hiểu được khung quản trị của chính doanh nghiệp mình, hiểu tiêu chuẩn của các định chế tài chính đưa ra khi giải ngân tín dụng xanh là gì. Cùng với đó, điều kiện đủ là phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tổng Giám đốc MB khẳng định, nếu đặt lên bàn cân giữa doanh nghiệp đã áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG (viết tắt của môi trường - xã hội - quản trị) và doanh nghiệp chưa có thì ngân hàng sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp có ESG. Do đó, để tiếp cận được nguồn vốn xanh thì các doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ các giấy phép và chứng nhận sản phẩm/dịch vụ đạt tiêu chuẩn xanh. Đồng thời, đáp ứng khung quản trị rủi ro môi trường cũng như các tiêu chí tín dụng xanh của ngân hàng.

*Ghi chú dành cho độc giả: Bài viết thể hiện quan điểm của người trả lời phỏng vấn, không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các tổ chức thành viên.

Minh Khang (ghi)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps