Đầu tư chứng khoán - Canh bạc nghiệt ngã hay mỏ vàng ròng?

Bài 6: Ngậm đắng với broker chứng khoán

06:15 | 31/10/2023

287 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau quá trình hồi phục từ tháng 11/2022 đến tháng 9/2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong những ngày đáng quên. Chỉ số VnIndex “cắm đầu” lao một mạch từ 1255 điểm về chỉ còn 1050 điểm - mất đến 200 điểm trong một thời gian ngắn, và chưa biết đâu là đáy. Dù vậy vẫn đang có một bộ phận broker (người môi giới chứng khoán) ngày nào cũng hô hào “bắt đáy” khiến cho không ít nhà đầu tư nghe theo để rồi người “ra đê”, kẻ nhảy lầu…
Bài 6: Ngậm đắng với broker chứng khoán
Thời gian qua nhiều nhà đầu tư đã trắng tay khi quá tin vào các broker.

Kiếm tiền tỷ từ “quay phí"

Khoảng 1-2 năm về trước còn là thời "hoàng kim" của các broker. Đặc biệt với những broker lâu năm, đã có sẵn kiến thức, kinh nghiệm, tệp khách hàng... thì từ năm 2020 cho đến khoảng tháng 4/2022 họ đã kiếm được nhiều, thậm chí rất nhiều tiền. Song tới thời điểm này, hầu như các nhà đầu tư F0 hoặc rời bỏ thị trường, hoặc xóa app quên pass (vì thua lỗ quá lớn). Những người còn lại thì đa phần đã có kinh nghiệm, không dại gì mà nghe theo lời broker nữa. Vậy là những nhà môi giới chứng khoán phải nghĩ ra đủ chiêu "lùa gà" mới.

Nguyễn Chung - nhân viên Công ty Chứng khoán V. từng được đồng nghiệp ví như "Midas" của làng chứng. Khi mà suốt từ đầu năm 2020 cho đến đầu năm 2022, mỗi tuần anh này kiếm được số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Cứ gom đủ tiền là Chung lại ra tiệm vàng mua lấy 1-2 lượng để cất tủ tích trữ.

Dù vào nghề mới được vài năm, kiến thức lẫn kinh nghiệm cũng chỉ thuộc loại "lõm bõm" song riêng môn "chém gió" thì Chung thuộc loại thượng thừa. Từ đầu năm 2020, nhất là từ tháng 4/2020 - sau khi nước ta có những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên - thì TTCK bước vào chu kỳ tăng giá. Chung nhanh nhạy đón đầu xu thế, lập rất nhiều "room" tư vấn cho khách hàng trên mạng xã hội Zalo.

Mỗi ngày Chung lại "ném" hàng chục mã cổ phiếu khác nhau vào các room khuyến nghị cho khách hàng mua. Do đang trong thời kỳ "mua đâu trúng đó" nên những khuyến nghị của thường Chung đúng đến 70-80%. Vì thế mà rất nhiều khách hàng tin tưởng vào "trình độ" của "thày" Chung. Tiếp đó Chung đặt ra quy định khách nào muốn vào room của cậu ta thì phải mở tài khoản chứng khoán tại công ty V. đồng thời phải add thêm ID tư vấn của Chung (để anh ta lấy % phí mỗi lần khách hàng thực hiện lệnh mua/bán). Với hàng ngàn khách hàng cùng trình độ quay phí vào loại cáo già, mỗi tháng số tiền chảy vào tài khoản của Chung là không nhỏ.

Ngoài ra, trong các room Zalo thì Chung đặt là Vip1, Vip2... để thu phí "khuyến nghị". Khách hàng mỗi tháng phải nộp từ 3-5 triệu đồng thì mới được nhận khuyến nghị ngay trong phiên giao dịch. Một nguồn thu nữa là tiền quảng cáo từ những video, livestream tư vấn chứng khoán trên mạng xã hội Youtube. Đồng thời, Chung còn nhận được mức thưởng "khủng" từ Công ty vì đạt KPI cao… Tổng số tiền Chung thu được từ môi giới có lúc lên đến vài tỷ đồng mỗi năm.

Trong giới còn truyền tai nhau một broker chuyên chăm sóc một vài khách hàng lớn (như giám đốc bệnh viện, hay CEO tập đoàn bất động sản) có thu nhập lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng. Do tài khoản của khách hàng này mỗi ngày mua bán số tiền lên đến vài trăm tỷ đồng, nên số phần trăm mà broker này được hưởng cũng rất lớn.

Bài 6: Ngậm đắng với broker chứng khoán
Một room VIP lôi kéo khách hàng tham gia khóa học, trong khi chính admin cũng thua tan nát.

Thầy, trò cùng “bay màu"

Trái ngược với thời hoàng kim năm 2021 - đầu năm 2022, thời điểm hiện tại đã có không ít broker phải bỏ nghề, hoặc nếu muốn tồn tại thì phải giở đủ "mánh". Và không ít khách hàng đã phải ngậm trái đắng khi tin tưởng những broker "mặt dầy tâm đen" này.

Năm 2022, Phan Anh - giáo viên một trường THPT được một người bạn rủ đầu tư chứng khoán, tham gia room của Chung. Trước đây Phan Anh đã đầu tư bất động sản, và thắng được một vài vụ nên cũng có tiền, và rất tự tin với "duyên" đầu tư của mình. Thêm nữa, thời điểm đó đi đâu cũng thấy bạn bè khoe đầu tư chứng khoán lãi gấp ba, gấp năm lần thì Phan Anh quyết tâm thử vận may.

Sau khi được "trợ lý" của Chung hướng dẫn lập tài khoản và đặt lệnh, Phan Anh run rẩy nạp một trăm triệu đồng để mua hai mã chứng khoán NKG và DBC. Đúng là "cờ bạc đãi tay mới", chỉ sau một tháng tài khoản của Phan Anh đã tăng được gần 10%. Nhẩm tính sau một năm mà lời được 100% thì lãi hơn buôn đất, Phan Anh lập tức rút mấy tỷ đồng đang gửi ngân hàng để quyết tâm làm giàu nhanh.

Cứ thấy Chung hô mua con nào là Phan Anh "múc" con đó. Thời điểm đó thị trường đang "sideway" (đi ngang) nên mua mười lần, Phan Anh vẫn thắng được 4-5 lần. Số vốn nhích lên được vài phần trăm. Thấy có vẻ làm ăn tốt, Phan Anh xin nghỉ dạy không lương, ngày ngày "bám sàn canh bảng" để cá kiếm. Anh ta nhẩm tính, chỉ cần cày 1-2 năm, nếu tài khoản nhân 3 như lời broker nói thì có thể "về hưu sớm" được rồi.

Song không ai biết được chữ ngờ, từ thời điểm Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn FLC bị bắt, rồi xảy ra xung đột Nga - Ukraine... tỷ lệ mua sai của Phan Anh cứ tăng dần. Phan Anh nếm mùi bị lỗ 10% (khoảng hơn 300 triệu đồng). Song nghe lời broker, "thị trường xuống một chút rồi lại hồi lên thôi mà" - Phan Anh tiếp tục "gồng lỗ". Ngày ngày anh ta cầu nguyện cho cổ phiếu cứ mãi "xanh" (tăng giá) chứ không "đỏ" (giảm giá) nữa.

Chẳng ngờ, hơn chục mã cổ phiếu của Phan Anh đang cầm "xanh" liên tục nhiều phiên, nhưng là xanh lơ (nghĩa là giảm sàn, mất từ 7-15%). Từ lúc lỗ 10%, cho tới giữa tháng 5/2022 tài khoản của Phan Anh đã âm đến 30%, đành phải cắn răng bán cắt lỗ một nửa. Nhiều ngày sau, thị trường vẫn tiếp tục đỏ lửa, broker vẫn ra sức hô: "Đáy rồi, bắt đáy đi, kiểu gì cũng ăn 30-50%". Phan Anh lập tức vung tiền mua thêm để "trung bình giá". Tiếc là người tính không bằng trời tính, VnIndex vẫn tiếp tục cắm đầu giảm thêm hơn chục phiên nữa. Lúc này tài khoản của Phan Anh đã âm đến 80 %. Thậm chí có những mã “đầu cơ" như FLC, ROS, AMD, KLF mà nhà đầu tư này cầm còn bị đình chỉ giao dịch, số tiền nhiều tỷ đồng coi như mất trắng.

Nhà đầu tư thì thế, còn broker cũng bi đát không kém. Hầu như các room tư vấn của Chung đều lâm vào cảnh chợ chiều. Thỉnh thoảng admin (trưởng nhóm) hô hào bắt đáy thì cũng chả có ai đoái hoài. Chung cũng đã phải bỏ thu phí khách VIP, chỉ cần ai có tài khoản công ty V. là sẽ nhận được khuyến nghị nóng hổi ngay trong phiên. Những lần livestream cũng lèo tèo vài mống. Do không đạt KPI nên Chung phải nghĩ ra chiêu mở lớp dạy đầu tư miễn phí, một kèm một. Song hễ thày chỉ mua con nào là y rằng con đó giảm sàn, nhà đầu tư thua lỗ nặng nên nhà đầu tư quay ra chửi luôn cả thày. Thêm vào đó, Chung cũng không giữ được "cái đầu lạnh", mua bán hết sức FOMO nên bao nhiêu tiền bạc tích trữ được trong hai năm qua cũng đều bay sạch.

Bài 6: Ngậm đắng với broker chứng khoán

Broker thường "tung hỏa mù" với những chỉ báo kỹ thuật nghe choang choang khiến nhà đầu tư lạc lối.

Nhà đầu tư Phan Anh còn may mắn chán, khi chỉ chơi bằng "tiền thịt". Dù lỗ thì vẫn còn lại vài chục %. Có không ít nhà đầu tư thường sử dụng đòn bẩy tài chính (sử dụng tài khoản margin - vay thêm tiền của công ty chứng khoán) để mua cổ phiếu. Và "cơn thủy triều" tháng 4-5-6 năm 2022 đã cuốn phăng đi toàn bộ tài sản của họ, thậm chí còn khiến những nhà đầu tư này lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Trường hợp nhà đầu tư Xuân Tú - viên chức tại quận B. là một ví dụ. Cũng được một broker tên Thắng "đưa vào đời" từ giữa năm 2021 nên Tú rất tin tưởng anh ta. Sau nửa năm đầu tư, tài khoản của anh đã tăng được 50% nên rất phấn khích với cách làm giàu mới mẻ này. Song như đa phần nhà đầu tư F0 khác, cho đến cuối tháng 5/2022 thì bao nhiêu vốn và lãi đã "bay" gần hết.

Lúc này, Thắng khẳng định như đinh đóng cột rằng thị trường đã đến vùng "quá bán", và "không mua lúc này thì mua lúc nào"? Tú vội vay mượn bố mẹ, đồng thời nạp vào tài khoản ký quỹ để vay thêm tiền từ công ty chứng khoán, quyết một trận "ăn thua đủ" với thị trường. Nghe broker tuyên bố :"Cổ phiếu H. dưới 40 ngàn đồng là món quà của thượng đế", Tú liền "all in full margin" (có bao nhiêu tiền mua sạch, cộng với vay hết định mức của công ty chứng khoán) hy vọng cổ phiếu này sẽ về lại thị giá 5x (trên 50 ngàn đồng/cp).

Sau khi mua, cổ phiếu cứ tăng được một phiên thì lại giảm 3-5 phiên. Broker ngày nào cũng gửi cho Tú rất nhiều thông tin để trấn an. Nào là theo như "chart" (đồ thị) thì giá cổ phiếu đang di chuyển đến dải trên của "dải Bollinger"; hay sắp đi vào vùng "mây Ichimoku"; "sóng elliott" đang mở rộng và "dải fibonacci" hướng tới mốc hỗ trợ; cổ phiếu đóng cửa theo hình "nến rút chân"... Tóm lại tất cả các chỉ báo kỹ thuật đều xác nhận cổ phiếu chỉ có thể tăng mà thôi!

Song trái ngược với dự đoán của broker, cổ phiếu H. cứ giảm mãi giảm mãi về mốc dưới 30.000 đồng/cp, rồi tới chạm đáy là 12.100 đồng/cp. Và tài khoản của Tú đã bị công ty chứng khoán call margin (yêu cầu bán bớt cổ phiếu để đưa tài khoản về mức an toàn), thậm chí bị "force sell" (bán giải chấp cổ phiếu để thu nợ).

Để tránh tình trạng đó, Tú tiếp tục phải đi vay thêm tiền nộp vào công ty chứng khoán. Vậy là từ số vốn mấy trăm triệu đồng khi bắt đầu chơi chứng khoán, nay nhà đầu tư này phải ôm khoản lỗ hơn hai tỷ đồng mà không biết sẽ đào đâu ra để trả. Có người trong room của Tú vì tin broker mà cứ "bắt dao rơi" từ khi chỉ số VnIndex là 1400 cho đến khi chỉ số này về mức 873 điểm. Tổng số nợ của anh này lên tới vài chục tỷ đồng. Nghĩ quẩn, anh này đã nhảy lầu tự sát.

Truy tố cựu Chủ tịch tập đoàn có nhiều mã "lùa gà" nhất VnIndex

Ngày 28/10/2023 Cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tài liệu điều tra từ cơ quan công an trong giai đoạn từ ngày 26/5/2017 đến 10/01/2022, ông Trịnh Văn Quyết đạo hai em gái Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huệ cùng một số người dùng nhiều tài khoản chứng khoán liên tục thực hiện giao dịch để thao túng thị trường chứng khoán. Việc này nhằm đẩy giá cổ phiếu FLC từ 15.500 lên 24.050 đồng/cổ phiếu, tăng 64%.

Ngày 10/1/2022, ông Quyết chỉ đạo đặt bán hơn 76,7 triệu cổ phiếu FLC và khớp lệnh 74,8 triệu cổ phiếu với giá trung bình 22.586 đồng nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch. Tổng số tiền thu về sau khi bán chui cổ phiếu là 1.689 tỷ đồng.

Cơ quan công an xác định, ông Quyết cùng đồng phạm đã thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART thu lợi bất chính 723 tỷ đồng. Các mã cổ phiếu trên cũng từng là tâm điểm của thị trường, được nhiều broker hô hào cho các nhà đầu tư lao vào tranh mua tranh bán, nhằm “quay phí" giao dịch.

Ngoài ra, ông Quyết còn bị cáo buộc tăng khống vốn chủ sở hữu của Công ty CP Xây dựng Faros, sau đó dùng thủ đoạn “lùa gà" để chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

(Còn tiếp)

Minh Tiến

Bài 1: Bùng nổ thị trường chứng khoán và câu chuyện Bài 1: Bùng nổ thị trường chứng khoán và câu chuyện "người người rủ nhau chơi chứng"
Bài 2: Công ty chứng khoán Bài 2: Công ty chứng khoán "coi nhẹ" bảo mật, nhà đầu tư mất oan tiền tỷ?!
Bài 3: Những con nghiện “chứngBài 3: Những con nghiện “chứng"
Bài 4: Những chiêu “lùa gàBài 4: Những chiêu “lùa gà" của “cá mập" chứng khoán
Bài 5: Chứng khoán ngoại hay “vịt giời”?Bài 5: Chứng khoán ngoại hay “vịt giời”?