Tháo gỡ cho truyền tải điện như thế nào?

Bài 3: Mở lối cho điện được truyền tải

06:30 | 04/08/2023

237 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo quy định, trong Luật Quy hoạch 2017 không có quy định cho phép điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đột xuất, nên khó đảm bảo tính linh hoạt cung cấp điện cho nhu cầu phụ tải thay đổi đột biến.
Bài 1: Để các dự án nguồn điện tăng tốcBài 1: Để các dự án nguồn điện tăng tốc
Bài 2: Vì sao chưa “mời” doanh nghiệp tư nhân vào làm truyền tải điện?Bài 2: Vì sao chưa “mời” doanh nghiệp tư nhân vào làm truyền tải điện?

Hệ thống điện là một hệ thống liên kết chặt chẽ giữa nguồn điện và mạng lưới điện truyền tải, phân phối các cấp điện áp. Ngành điện là ngành hạ tầng kỹ thuật, trong khi phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu sử dụng điện luôn thay đổi dẫn đến việc điều chỉnh các nội dung đã được nêu trong Quy hoạch là việc phải thực hiện trong thời gian ngắn để đảm bảo tính cấp thiết trong công tác đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Bài 3: Mở lối cho điện được truyền tải
Quy hoạch điện VIII được đánh giá là có nhiều mục tiêu đột phá.

Chính vì vậy, việc thay đổi các thủ tục liên quan đến điều chỉnh quy hoạch hoặc có cơ chế đặc thù cho ngành điện trong công tác quy hoạch là vấn đề quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình phê duyệt bổ sung các công trình nguồn và lưới điện, cũng như khuyến khích hơn nữa việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho kinh tế xã hội.

Để khắc phục các tình trạng nêu trên phù hợp với tính chất chuyên ngành điện, trước mắt cần nghiên cứu đưa các giải pháp nội dung sửa đổi bổ sung trong Luật Điện lực. Cụ thể, Luật Điện lực cần bổ sung nội dung áp dụng thực hiện bổ sung điều chỉnh quy hoạch cục bộ (không theo chu kỳ) và quy định giải pháp phạm vi danh mục dự án điện (nguồn điện trên 50 MW và lưới truyền tải không thuộc quan trọng ưu tiên đầu tư) thuộc Quy hoạch Điện quốc gia và danh mục dự án điện (nguồn điện dưới 50 MW và lưới phân phối) tích hợp thuộc quy hoạch tỉnh.

Bài 3: Mở lối cho điện được truyền tải
Cần sớm tháo gỡ vướng mắc về việc sử dụng vốn ODA từ Nhật Bản cho Dự án Nhiệt điện Ô Môn III.

Đối với các dự án dự kiến vay vốn ODA, các văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua chưa xác định được cơ quan thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Điển hình như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III (NMNĐ Ô Môn III) sử dụng nguồn vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA có giá trị vốn vay dự kiến khoảng 860 triệu USD đã được Chính phủ phê duyệt danh mục dự án vay vốn ODA từ 2012. Tuy nhiên, quá trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhiệt điện Ô môn III đã tốn hơn 4 năm 6 tháng chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định 56/2020/NĐ-CP thì mới xác định được cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư, dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Còn theo các quy định trong thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định về quản lý dự án xây dựng (Nghị định 59/2015/NĐ-CP), đối với các công trình truyền tải (220 kV, 500 kV) là công trình cấp 1 và cấp đặc biệt. Công tác thẩm tra, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, dự toán dự án kéo dài do thủ tục cần phải trình qua nhiều cơ quan nhà nước thẩm định, phê duyệt.

Hiện nay, theo nghị định 15/2021/NĐ-CP (thay thế nghị định 59/2015/NĐ-CP) thì không những phải trình CQQLNN thẩm định Thiết kế cơ sở mà còn phải trình thẩm định đầy đủ Báo cáo nghiên cứu khả thi (gồm thuyết minh Báo cáo nghiên cứu khả thi luận chứng hiệu quả đầu tư, tổng mức đầu tư và thiết kế cơ sở).

Mặt khác, do đặc thù của các tuyến đường dây điện lực (đặc biệt là đường dây có cấp điện áp từ 110kV đến 500kV), khi lựa chọn địa điểm xây dựng (sau đây gọi tắt là tuyến đường dây) ngay từ giai đoạn Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi luôn phải tuân thủ nguyên tắc giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến môi trường, xã hội, các công trình công cộng và khu vực có liên quan đến quốc phòng an ninh (tránh tối đa đi qua khu dân cư, khu công nghiệp, khu kinh tế và khu dân cư tập trung...). Do đó trong quá trình thỏa thuận tuyến đường dây với địa phương có một số đoạn tuyến không tránh khỏi phải đi qua khu vực đất rừng.

Bài 3: Mở lối cho điện được truyền tải
Xây dựng hệ thống truyền tải điện cần có cơ chế riêng về sử dụng đất đai.

Hiện nay, thủ tục xin chuyển đổi đất rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang đất xây dựng dự án khá phức tạp, chuyển qua lại giữa các đơn vị, ở nhiều cấp để kiểm tra rà soát, có dự án thời gian kéo dài cả gần năm chưa xong. Đơn giản là việc thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang phục vụ các dự án truyền tải điện, cần thực hiện hồ sơ theo quy định, trình qua nhiều cấp bao gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ… Điều này gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện xây dựng các dự án điện, nhất là các dự án có yêu cầu gấp về tiến độ nhằm giải tỏa công suất các nhà máy điện, đảm bảo nhu cầu cung cấp điện cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng chậm là một trong những khó khăn lớn ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án điện. Có nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện tại từng địa phương xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý đất đai, tổ chức, bộ máy triển khai và phối hợp thực hiện giữa các cơ quan chưa đồng bộ, quyết liệt, nhưng có những nguyên nhân khách quan liên quan đến lịch sử về chính sách, thủ tục pháp lý quản lý đất đai và tài sản trên đất qua các thời kỳ để lại.

Theo Chuyên gia cao cấp Năng lượng Nguyễn Thái Sơn - Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, một số vướng mắc chính như gồm: Công tác quản lý đất đai của địa phương còn tồn tại nhiều bất cập; Về đơn giá đất chưa phù hợp với thực tế; Bố trí khu tái định cư còn nhiều bất cập; Nhân lực thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng, chưa thực sự chủ động, độc lập trong giải quyết công việc. Đặc biệt, khi có khó khăn vướng mắc thuộc trách nhiệm của địa phương giải quyết còn chưa kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp, làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng.

Theo quy định hiện hành, việc sử dụng đất tạm thời để thi công công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn do đơn vị thi công và người sử dụng đất thỏa thuận theo quy định của pháp luật về dân sự. Thực tế, Chủ tài sản (người sử dụng đất) yêu cầu với giá cao, không có cơ sở, dẫn đến phải mất nhiều thời gian để vận động, thuyết phục hộ dân và nhiều trường hợp phải áp dụng biện pháp hành chính.

Bài 3: Mở lối cho điện được truyền tải
Để huyển dịch năng lượng thành công Việt Nam cần hàng trăm tỉ USD.

Bên cạnh rào cản về luật, sự phối hợp triển khai thì công thì Luật Điện lực và các luật khác có liên quan chưa xác định rõ ưu đãi trong cơ chế tài chính đối với các dự án truyền tải điện cũng như nguồn điện.

Hiện nay, nguồn vốn huy động để cho vay dài hạn của các Ngân hàng trong nước không nhiều. Trong khi đó nhu cầu đầu tư của các dự án điện lớn và thời gian đầu tư dài nên rất ít ngân hàng thương mại trong nước có khả năng tham gia huy động vốn cho dự án.

Hầu hết nhu cầu vay vốn phát triển dự án đều vượt các quy định về giới hạn tỷ lệ an toàn tín dụng khi cho vay theo Luật các tổ chức tín dụng (tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. Hoặc tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại).

Vì vậy, cần xem xét cho phép các ngân hàng thương mại trong nước cho EVN, PVN, TKV và các đơn vị vay vốn để đầu tư các dự án điện quan trọng được phép vượt các quy định về giới hạn tỷ lệ an toàn tín dụng khi cho vay theo qui định tại Quyết định số 13/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, cần xem xét bổ sung cơ chế hỗ trợ về tài chính, bảo lãnh Chính phủ về vốn vay để góp phần đảm bảo đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Có thể thấy rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, triển khai các dự án nguồn, truyền tải điện được nhanh chóng, hiệu quả. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, quyết toán dự án không chỉ cần sự phối kết hợp giữa các Bộ - Ngành - Địa phương mà cần sự chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ. Bởi vậy, gần đây nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nên khôi phục lại Bộ Năng lượng hoặc thành lập một Tổ chuyên gia về điện lực và các dự án điện trực thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ mới để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn kịp thời, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thành Công

Ngành Điện nỗ lực vượt khó để đáp ứng nhu cầu điện của đất nướcNgành Điện nỗ lực vượt khó để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước
“Chủ công” trên những công trường truyền tải điện“Chủ công” trên những công trường truyền tải điện
Xây dựng hệ thống truyền tải điện đồng bộ, hiện đạiXây dựng hệ thống truyền tải điện đồng bộ, hiện đại
Bài 1: Để các dự án nguồn điện tăng tốcBài 1: Để các dự án nguồn điện tăng tốc