Bài 2: Cần chính sách sớm và đồng bộ
PV: Ông có thể chia sẻ những thông tin về tình hình phát triển ĐGNK trên thế giới hiện nay?
TS Hoàng Xuân Quốc |
TS Hoàng Xuân Quốc: ĐGNK đang phát triển rất nhanh và đang trở thành một xu thế chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ ở phạm vi toàn cầu, do hai yếu tố.
Thứ nhất là nhu cầu cấp bách về giảm phát thải carbon, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và bền vững được nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cam kết thực hiện.
Thứ hai là những tiến bộ về khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung, ĐGNK nói riêng cũng rất nhanh. Điều đó làm giảm giá thành và tăng hiệu quả đầu tư ĐGNK rất đáng kể. Điều này cũng gần giống như điện mặt trời giai đoạn đầu, những tấm pin mặt trời rất nặng nề, giá đắt đỏ, hiệu suất kém, nhưng càng ngày hiệu suất càng tăng và giá thành giảm đi rất nhiều. ĐGNK cũng vậy, cách đây mấy năm, các turbine gió ngoài khơi chỉ có công suất tầm 3-6 MW, bây giờ đều trên dưới 10 MW. Các loại turbine 13 MW trở lên hiện trở nên phổ biến, sắp tới sẽ lên khoảng 15-18 MW với chiều cao cột gió có thể tới 120-150m trên mặt biển. Bên cạnh đó, công nghệ truyền tải điện cao áp một chiều với điện áp lên tới 800 kV, cho phép truyền tải công suất lớn đi xa cả nghìn ki-lô-mét với chi phí thấp và ít tổn thất điện năng hơn truyền tải điện xoay chiều truyền thống. Những điều đó làm cho ĐGNK dần trở nên hiệu quả và cạnh tranh hơn. Theo tôi, trong tương lai, ĐGNK có thể cạnh tranh được với điện khí LNG nếu giá LNG vẫn neo ở mức cao.
Thêm nữa, tuy cùng là năng lượng tái tạo, nhưng ĐGNK có ưu điểm hơn so với điện mặt trời là tính ổn định vận hành và hệ số công suất cao hơn rất nhiều. Dĩ nhiên còn tùy khu vực, nhưng nhìn chung, turbine gió có thể chạy 5.000-6.000 giờ/năm, tương đương với nhà máy nhiệt điện. Trong khi đó, điện mặt trời thường chỉ vận hành được khoảng 2.000 đến dưới 3.000 giờ/năm.
Theo nhận định của giới chuyên môn, việc phát triển ĐGNK là xu hướng không thể đảo ngược trên toàn thế giới trong 10-20 năm tới. Cùng với mục tiêu của đa số các quốc gia trên thế giới đều cam kết phát thải ròng CO2 bằng 0 (Net-zero) vào khoảng năm 2050-2060, ĐGNK chắc chắn sẽ có thêm nhiều cơ hội, động lực để phát triển mạnh hơn nữa.
PTSC và SCU đã ký thỏa thuận hợp tác chung đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn NLTTNK trên thềm lục địa Việt Nam |
PV: Các quốc gia đánh giá như thế nào về tiềm năng ĐGNK của Việt Nam, thưa ông?
TS Hoàng Xuân Quốc: Việt Nam được đánh giá có tiềm năng về ĐGNK khá tốt, ước tính lên tới 600 GW, tức 600 nghìn MW. So với công suất lắp đặt của toàn hệ thống điện quốc gia nước ta hiện nay khoảng trên 75 nghìn MW, tiềm năng ĐGNK gấp khoảng 8 lần. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá cao nhất về ĐGNK.
PV: Hiện nay, theo ông, điều gì là quan trọng nhất để nước ta có thể phát triển ĐGNK?
TS Hoàng Xuân Quốc: Tôi cho rằng, đầu tiên cần phải có khảo sát, đánh giá cụ thể nguồn tài nguyên này. Gió cũng phải coi là một dạng tài nguyên quốc gia, phải được khảo sát và đánh giá trữ lượng, tiềm năng. Hiện nay, chúng ta nói tiềm năng ĐGNK Việt Nam là 600 GW, nhưng tiềm năng đó được phân bổ như thế nào ở các vùng biển khác nhau thì chưa có. Theo tôi, Chính phủ thực hiện hoặc giao cho doanh nghiệp có kinh nghiệm thực hiện khảo sát các khu vực về gió ngoài khơi và lập bản đồ năng lượng gió giống như là bản đồ các lô dầu khí vậy. Sau đó, căn cứ vào các lô năng lượng gió để có thể kêu gọi đầu tư phát triển ĐGNK, như hình thức phát triển các mỏ dầu khí của nước ta.
Thứ hai là, phải có chính sách, khung pháp lý đồng bộ và đầy đủ cho ĐGNK, từ quy hoạch, tỷ lệ của ĐGNK trong tổng thể bức tranh năng lượng quốc gia, cho đến các chính sách lựa chọn nhà đầu tư, đối tác, đấu thầu, mua bán điện hoặc là mua bán nhiên liệu xanh sản xuất từ năng lượng tái tạo ngoài khơi (hydro, amoniac...), vấn đề truyền tải, kết nối với hệ thống điện quốc gia... đặc biệt là phải có chính sách liên quan đến xuất khẩu ĐGNK để khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên quý báu này.
Thứ ba là, nên có một doanh nghiệp phù hợp để tiên phong thực hiện những dự án ĐGNK lớn đầu tiên. Theo tôi, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên có nhiều thuận lợi để có thể đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện một số dự án ĐGNK, tận dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có.
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn về ĐGNK, ước tính lên tới 600 GW, tức 600 nghìn MW. So với công suất lắp đặt của toàn hệ thống điện quốc gia nước ta hiện nay khoảng trên 75 nghìn MW, tiềm năng ĐGNK gấp khoảng 8 lần. |
PV: Ông có thể phân tích cụ thể hơn những ưu thế của Petrovietnam khi tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi?
TS Hoàng Xuân Quốc: Thứ nhất, Petrovietnam đã tiến hành hoạt động thăm dò, khai thác, đầu tư sản xuất kinh doanh ở các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam hơn 35 năm, có nhiều kinh nghiệm, có đầy đủ nhân lực và các thiết bị chuyên dụng để thực hiện các công việc chuyên ngành ngoài biển khơi.
Petrovietnam đã có cơ sở vật chất và nhân sự chuyên môn hóa để thiết kế, chế tạo các cấu kiện, thiết bị cho ngành Dầu khí, hoàn toàn có thể sử dụng cho ĐGNK, ví dụ như chân đế hay trạm biến áp các dự án điện gió ở nước ngoài mà PTSC đã và đang triển khai. Việc vận hành và bảo dưỡng các trạm ĐGNK có thể không phức tạp hơn các giàn khai thác dầu khí, nên tôi cho rằng Petrovietnam hoàn toàn có thể đảm đương được.
Một điều đáng nói nữa, theo tôi, những khu vực mà các mỏ dầu khí đã khai thác đến giai đoạn đóng mỏ, thay vì tháo dỡ hoặc bỏ không sử dụng thì có thể nghiên cứu chuyển đổi thành những khu sản xuất ĐGNK. Giàn khoan cũ có thể nghiên cứu sử dụng để làm trạm biến áp ngoài khơi (OSS), hệ thống đường ống sẵn có được cải tạo phù hợp để vận chuyển sản phẩm hydro, amoniac xanh được sản xuất từ ĐGNK để đưa vào bờ...
Dĩ nhiên, đó mới chỉ là ý tưởng, còn cần phải nghiên cứu thêm. Nhưng rõ ràng nếu Petrovietnam tiên phong làm ĐGNK sẽ có rất nhiều thuận lợi. Đặc biệt, từ trước đến nay, ngành Dầu khí luôn đi đầu và hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh biển đảo của Tổ quốc, an ninh năng lượng quốc gia, sẽ tiếp tục phát huy và củng cố thế mạnh vững chắc trong lĩnh vực mới mẻ này.
Điện gió ngoài khơi đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới |
PV: Quan điểm của ông về xuất khẩu ĐGNK như thế nào?
TS Hoàng Xuân Quốc: Đây là vấn đề khá mới. Việc nước ta xuất khẩu ĐGNK sang một số nước xung quanh là khả thi. Trước mắt, Singapore và sau đó có thể là Malaysia, hai quốc gia mà Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu ĐGNK sang được.
Theo tôi, chúng ta nên sản xuất ĐGNK để xuất khẩu trước bởi một số lý do.
Thứ nhất, ĐGNK không bị phụ thuộc về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và hợp đồng mua bán điện trong nước, trong khi các chính sách phát triển ĐGNK để tiêu thụ trong nước cần phải có thời gian để nghiên cứu, ban hành phù hợp.
Thứ hai, ĐGNK hiện nay giá thành còn cao hơn so với các nguồn điện truyền thống khác, những nước phát triển có giá điện cao như Singapore hoàn toàn có thể chấp nhận được. Mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 của Singapore cũng sớm hơn nước ta, vào khoảng năm 2030-2035. Do đó, họ đã và sẽ phải thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch.
Thứ ba, sản xuất ĐGNK để xuất khẩu là các dự án nằm ở các vị trí thật sự xa bờ, vì vậy không ảnh hưởng gì đến các dự án ĐGNK nằm trong Quy hoạch điện VIII.
Cuối cùng, từ việc sản xuất ĐGNK cho xuất khẩu, chúng ta cũng có thời gian để chuẩn bị và có kinh nghiệm để triển khai các dự án ĐGNK quy mô lớn, cung ứng điện cho thị trường trong nước.
Ngày 10-2-2023, tại Singapore, nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, PTSC và Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) đã ký thỏa thuận hợp tác chung đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn ĐGNK trên thềm lục địa Việt Nam. Nếu PTSC xuất khẩu được điện sang Singapore vào năm 2030 sẽ tạo ra tiền đề rất tốt cho phát triển các dự án ĐGNK ở nước ta trong thời gian tới.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng và đoàn công tác thăm công trường lắp ráp Dự án Điện gió ngoài khơi đế nổi Hywind Tampen của Equinor tại Gulen, Na Uy năm 2022 |
PV: Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tìm hiểu khả năng hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực ĐGNK ở nước ta. Theo ông, nhà đầu tư nước ngoài có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy phát triển ĐGNK của nước ta?
TS Hoàng Xuân Quốc: Đặc thù của ĐGNK là phải đầu tư lớn mới hiệu quả. Các dự án ĐGNK thông thường phải từ 1 GW (1.000 MW) trở lên. Do đó, tôi nghĩ vai trò của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này rất quan trọng. Vì đầu tư ĐGNK cần vốn rất lớn, các dự án hầu như đều cần hàng tỉ USD. Như vậy việc thu xếp được nguồn vốn lớn, đặc biệt là vốn nước ngoài với chi phí vốn hợp lý là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm trong vận hành, khai thác, bảo trì, sửa chữa những cụm ĐGNK, lựa chọn những công nghệ phù hợp nhất và quản trị rủi ro trong quá trình thực hiện các dự án.
Do đó, tôi nghĩ Việt Nam cần có chính sách phù hợp để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ĐGNK. Nhiều công ty lớn và quỹ đầu tư, trong đó có VinaCapital, hiện đang rất quan tâm tới phát triển năng lượng tái tạo nói chung, điện gió nói riêng.
Petrovietnam có nhiều kinh nghiệm, có đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện các công việc chuyên ngành ngoài biển khơi, hoàn toàn có thể thực hiện các dự án ĐGNK. Việc vận hành, bảo dưỡng các trạm ĐGNK không phức tạp hơn các giàn khai thác dầu khí, nên Petrovietnam có thể đảm đương được. |
PV: Theo ông, các chính sách về giá và bao tiêu sản lượng điện có tác động như thế nào tới ĐGNK?
TS Hoàng Xuân Quốc: Rất quan trọng. Đối với năng lượng tái tạo ngoài khơi, cần có chính sách rõ ràng, phải tìm được đầu ra cho sản phẩm (điện gió, nhiên liệu xanh) ở trong nước hoặc xuất khẩu. Trong đó, để tiêu thụ hiệu quả nguồn năng lượng sạch này ở trong nước, theo tôi, chúng ta cần có thị trường điện cạnh tranh phù hợp; cần phân biệt rạch ròi giữa điện sạch từ năng lượng tái tạo và nhiệt điện truyền thống; cần mở rộng việc mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện sạch và hộ tiêu thụ điện; nên cho phép có những doanh nghiệp chuyên kinh doanh điện sạch, điện tái tạo để bán cho những hộ tiêu thụ có nhu cầu đặc thù. Sẽ có những hộ tiêu thụ sẵn sàng trả giá cao để mua điện sạch nhằm giúp sản phẩm của họ đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh. Còn hiện nay, chúng ta cơ bản trộn lẫn các loại điện và bán cùng một khung giá, sẽ không thấy được hiệu quả của điện sạch.
Ở một số quốc gia, điện sạch được bán với giá cao là điều bình thường. Nhưng cơ chế mua bán điện phải cho hộ tiêu dùng có quyền lựa chọn. Tương tự như chúng ta muốn sử dụng thực phẩm hữu cơ thì phải trả giá cao hơn thực phẩm thông thường. Đối với các nhà sản xuất cũng vậy, sản phẩm của họ sẽ giá trị hơn, dễ xuất khẩu với giá tốt hơn nếu sử dụng điện sạch để sản xuất, như vậy, họ sẵn sàng mua điện sạch với giá cao hơn.
Chúng ta không thể và không nên đứng ngoài xu thế đó bởi vì Việt Nam có độ mở kinh tế rất lớn, tham gia vào nhiều hiệp định kinh tế đa phương, hàng hóa xuất khẩu rất nhiều và phải phù hợp tiêu chuẩn hàng hóa của thế giới, trong đó có các tiêu chuẩn ngày càng cụ thể và khắt khe về môi trường, kinh tế xanh. Những ưu thế về một nền sản xuất sạch, thân thiện với môi trường sẽ tạo ra nhiều giá trị bền vững cho Việt Nam.
Ưu thế về một nền sản xuất công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường sẽ tạo ra nhiều giá trị bền vững |
PV: Ông kỳ vọng như thế nào về sự phát triển ĐGNK của nước ta những năm tới?
TS Hoàng Xuân Quốc: Tôi nghĩ đến một lúc nào đó ĐGNK sẽ phát triển rất mạnh mẽ. Chính phủ đã đưa vào Quy hoạch điện VIII đến năm 2030 sẽ có khoảng 6.000 MW điện gió. Con số này, theo tôi, cũng còn tương đối thận trọng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, cần phải có chính sách sớm và đồng bộ. Phát triển một dự án ĐGNK quy mô lớn thông thường mất khoảng 7 năm. Nếu làm từ bây giờ thì hy vọng đến năm 2030 chúng ta sẽ có những MW ĐGNK đầu tiên.
Chắc chắn vẫn còn nhiều thách thức nhưng đây là xu thế không thể đảo ngược. Quan điểm của tôi là dù muốn hay không, sớm hay muộn, chúng ta cũng phải phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
PTSC và Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) đã ký thỏa thuận hợp tác chung đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn ĐGNK trên thềm lục địa Việt Nam. Nếu PTSC xuất khẩu được điện sang Singapore vào năm 2030 sẽ tạo ra tiền đề rất tốt cho phát triển các dự án ĐGNK ở nước ta trong thời gian tới. |
Mai Phương
-
Động lực mới phát triển ngành Logistics Bà Rịa - Vũng Tàu
-
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024: Tìm giải pháp cho sự phát triển tổng cầu, phát triển kinh tế
-
Ứng dụng công nghệ AI trong xây dựng nội dung truyền thông
-
Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã