Ba vụ thảm sát không thể lãng quên (Kỳ 2)

07:00 | 17/05/2013

13,931 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sự tàn bạo của lính Mỹ với dân thường Việt Nam đã từng trở thành đề tài tranh cãi nóng hổi ở Hoa Kỳ, thế nhưng, những hành động tương tự của lính Hàn Quốc đánh thuê cho Mỹ ở Việt Nam thì ít được phương Tây nhắc đến. Sau nhiều thập niên bắt phải im tiếng thì từ mùa xuân năm 2000, những trang sử đen tối trong lịch sử quân đội Hàn Quốc đã gây ra cho thường dân Việt Nam được lần giở. Những tiết lộ đó đã gây ra nhiều tranh cãi ở Hàn Quốc, nhưng sau đó một phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” đã dấy lên ở Hàn Quốc.

>> Ba vụ thảm sát không thể lãng quên (Kỳ 1)

Kỳ 2: Xin lỗi và hàn gắn

Những lời xin lỗi muộn mằn

Tháng 2/2012, tôi có dịp gặp nhà nghiên cứu về Nhật Bản và Hàn Quốc, GS.TS Mun Woong-lee, Đại học Khoa học xã hội, Đại học Quốc gia Seoul tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM trong lần đầu tiên đến Việt Nam. Ông rất tự hào khi nói rằng, chính “văn hóa cơm trộn” đã tạo nên sự thần kỳ của Hàn Quốc trong thời đại mới nhưng ông cũng không quên “xin lỗi” dân tộc Việt Nam. Và ông cũng thừa nhận một điều chua xót rằng, chính nhờ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam mà Hàn Quốc được hưởng rất nhiều lợi ích về kinh tế.

Sự xin lỗi của GS.TS Mun Woong-lee chỉ là một trong hàng trăm nghìn lời xin lỗi trong phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” mà nhân dân Hàn Quốc muốn nói. Sau nhiều thập niên bị bắt phải im lặng bởi các nhà cầm quyền thì mãi đến năm 2000, những bằng chứng trên truyền thông - báo chí Hàn Quốc, đặc biệt là trong loạt bài phóng sự của nhà báo Ku Su-jeong về cuộc thảm sát của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam trên tờ Hankyoreh 21 - một tờ báo cấp tiến có uy tín ở Hàn Quốc, cùng bài viết “Nhớ lại các oan hồn Việt Nam” đã gây chấn động cả nước Hàn Quốc. Và phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” đã kéo theo nhiều công dân trẻ của đất nước Hàn Quốc hằng năm đến Việt Nam để xin hàn gắn vết thương xưa.

Nhà báo Ku Su-jeong (đầu tiên, bên trái) và các thành viên Tổ chức "Tôi và chúng ta" tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát tại Bình An, Tây Sơn, Bình Định

 

Khi làm luận án thạc sĩ và bảo vệ năm 2000 với đề tài “Hàn Quốc và sự can dự trong chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam”, nhà báo Ku Su-jeong đã đi điền dã khắp các tỉnh Duyên hải miền Trung, đến nơi những gia đình có nạn nhân bị thảm sát. 45 ngày đêm, cô vác balô đi một mình để tìm ra sự thực về những cuộc thảm sát mà cô đã đọc qua sách báo, tài liệu. Bước chân Ku Su-jeong trải qua từng thôn Đa Ngư, Thọ Lâm ở Hòa Hiệp Nam (Phú Yên), trải dài qua Bình An, Tây Sơn, Tây Vinh, Diên An (Bình Định) và đến Diên Niên, Hà Tây, Phước Bình, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi)…

Sự thật đã được phơi bày và chính Ku Su-jeong phải hứng chịu nhiều búa rìu dư luận của các cựu chiến binh Hàn Quốc. Vì thế năm 2000, khi cô bảo vệ luận văn thạc sĩ cũng là năm cô phải ra hầu tòa vì một số cựu chiến binh Hàn Quốc kiện cô đã vu cáo và phỉ báng họ. Tòa soạn Báo Hankyoreh 21 bị cựu chiến binh Hàn Quốc đập phá. Nhà cha mẹ nhà báo Ku Su-jeong bị ném đá phải xin tá túc một ngôi chùa trên núi…

Gần 10 năm sau (năm 2008), nhà báo Ku Su-jeong tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP HCM với đề tài “Mối quan hệ Việt - Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam” (1955-2005) và đạt điểm tuyệt đối. Trong những kết quả mới của luận án đã nhấn mạnh đến quá trình can dự quân sự của Hàn Quốc vào miền Nam Việt Nam trước năm 1975, chứng minh Hàn Quốc là đồng minh của Mỹ gửi quân tham chiến đông nhất, tác chiến quyết liệt nhất, gây nhiều vụ thảm sát nhất, trú đóng tại Việt Nam lâu nhất.

Trở lại câu chuyện ông Phạm Trung, một người bị mất mát quá nhiều trong cuộc thảm sát của lính Đại Hàn ở xóm Soi năm 1966. Sau khi chịu đựng bao nỗi mất mát, 4 năm bị đày đi Côn Đảo, hòa bình ông quay về làng, đi tiếp bước nữa với người phụ nữ cùng quê, làm ruộng, mưu sinh và sống cuộc đời bình dị đến hôm nay. Nhưng tâm hồn không hề bình an vì mỗi khi đến ngày giỗ tập thể của cha mẹ, vợ con, các em của ông thì ký ức lại trở về. Nỗi buồn rồi cũng qua đi vì đã hơn 40 năm trôi qua kể từ vụ thảm sát ấy, nhưng đối với ông chưa bao giờ nguôi ngoai.

Còn ông Nguyễn Hữu Cơ, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Thọ Lâm cũng có người thân mất trong trận thảm sát ấy. Năm 2012, gia đình ông tiến hành lấy hài cốt người thân và di mộ ra nghĩa trang địa phương. Khi khai quật 7 ngôi mộ thì dưới 7 ngôi mộ đó đều không còn gì ngoài 5 viên đạn và 1,6 lượng vàng còn sót lại. “Nhờ 1,6 lượng vàng mà gia đình chúng tôi bán và đem xây mộ cho các cô, các em”, ông cho biết thêm. Như vậy, qua bao thời gian, những lần mưa lũ đầy vơi, thân xác các nạn nhân đều phân hủy.

Khi hỏi về những bù đắp cho sự mất mát của gia đình, ông Phạm Trung chân thật: “Vụ Đại Hàn thảm sát là chúng tôi không nhận bất cứ một cái gì hết. Nhưng cách đây trên dưới 10 năm, tụi lính Hàn Quốc có hai thằng, một cô phiên dịch người Việt Nam và cán bộ của mình nhờ tôi dẫn ra sát trận địa xem bắn làm sao, lính Hàn Quốc tập trung chỗ nào... Lúc đó tôi nói với họ rằng, quân đội Hàn Quốc sang Việt Nam đánh cộng sản. Diệt được cộng sản thì giỏi mà không diệt được thì dở chứ thảm sát người già, đàn bà, trẻ em để làm gì. Tui đề nghị với cô phiên dịch nói với ông Hàn Quốc là cho một số tiền để di mộ về rừng chứ để giữa đồng thế này, mùa mưa ngập nước tội quá. Tôi xin 20 triệu để dời đi, nó lặng thinh rồi bỏ đi đến bây giờ”. 20 ngôi mộ chôn cùng một khu đất, còn lại thì được chôn rải rác trong vườn nhà người thân nhưng giờ đa số người dân đã có tiền và di dời hài cốt đưa về nghĩa trang địa phương an táng.

Khi cả gia đình ông bị thảm sát, con trai duy nhất của ông còn sống sót khi đó mới 6 tuổi. Khi lớn lên, quá căm phẫn trước tội ác của giặc, anh Phạm Thảo thoát ly năm 1971 khi mà cha anh cũng đang bị tù chính trị ở Côn Đảo. Trong một lần đi công tác anh Thảo bị trúng mìn và bị thương, giờ là thương binh hạng 4/4.

Một gia đình có quá nhiều người bị thảm sát như thế, chỉ hai người còn sống đều đi theo cách mạng, người bị tù đày, người là thương binh. Thiết nghĩ, gia đình ông Phạm Trung xứng đáng được phong anh hùng và hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước. Có thể nói, gia đình ông Phạm Trung cũng như nhiều gia đình khác trên đất nước này, mất mát hy sinh quá nhiều, đau thương quá lớn cho cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Để rồi, hòa bình lập lại, không danh xưng, không truy tặng, họ quay về làng sống với nghề nông mưu sinh chân chất.

Ông Nguyễn Kỳ Tuấn cũng cho rằng, cách đây trên dưới 10 năm, mấy đoàn người Đại Hàn về đây phỏng vấn ông mấy lần. Ông có hỏi, những người thân còn sống ở đây đa số đều khổ thì có gì bù đắp cho họ không. Bọn chúng chỉ lắc đầu nói là sinh viên đi thực tế viết bài thôi chứ không dám hứa đền bù gì.

Ông Nguyễn Hữu Cơ là một trong những người may mắn thoát chết trong trận lính Đại Hàn thảm sát dân thường ngày 14/5/1966 tại xóm Soi, thôn Thọ Lâm, Hòa Hiệp Nam

Vùng đất này, những người dân vô tội bị thảm sát không phải là những chiến sĩ cộng sản nhưng họ là những lá chắn che chở cách mạng, nhưng đến hôm nay, người thân của họ cũng không nhận được bất cứ một sự trợ giúp nào của Nhà nước. Đó là điều làm cho chính người viết bài này cũng rất trăn trở.

Tôi gặp ông Phạm Công - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Hiệp Nam - nơi có 3 vụ thảm sát ở thôn Đa Ngư và Thọ Lâm để biết thêm về chế độ, chính sách dành cho thân nhân các gia đình bị nạn nhưng buồn thay, câu trả lời là không. Họ không nhận được bất cứ một chế độ, chính sách nào vì đơn giản, họ không thuộc diện thương binh, liệt sĩ. Bản thân ông cũng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, nghe các cụ lớn tuổi trong xã kể về 3 vụ thảm sát trên, thấy rất đau lòng nhưng ngân sách địa phương có hạn. Trong khi địa phương là căn cứ cách mạng trước giải phóng nên lực lượng thoát ly rất đông. Hòa bình lập lại, hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một người hoặc là thương binh, hoặc là liệt sĩ…, đau lòng nhất là có gia đình bị giết sạch trong các vụ thảm sát. Ông cũng cho biết thêm là cách đây 10 năm, phía Hàn Quốc đến địa phương đặt vấn đề. Đích thân ông dẫn đi gặp các nhân chứng còn sống và có đề nghị họ hỗ trợ một số tiền để xây dựng bia tưởng niệm các nạn nhân bị thảm sát trong năm 1966 nhưng chưa thực hiện được.

Lật lại cuốn “Lịch sử 30 năm đấu tranh cách mạng của nhân dân xã Hòa Hiệp”, riêng phần phụ lục ghi gần 1.000 liệt sĩ, đó là chưa kể hàng ngàn thương binh, bệnh binh và gia đình có công với cách mạng khác. Điều đó cho thấy, quá nhiều, quá nhiều sự hy sinh, mất mát, đau thương của người dân đã đổ xuống để giữ từng tấc đất quê hương.

Hàn gắn phần nào nỗi đau thương

Hòa bình lập lại, để bù đắp cho những mất mát mà thế hệ cha chú đã gây ra cho bao người dân vô tội ở miền Nam Việt Nam, Chính phủ Hàn Quốc và một số tổ chức phi chính phủ ở Hàn Quốc có những chương trình hỗ trợ xây dựng các công trình an sinh xã hội ở Hòa Hiệp. Trong đó có Trường tiểu học số 2 ở xã Hòa Hiệp Nam, Bệnh viện Hàn - Việt (nay là Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hòa) và Công viên Hòa bình Hàn - Việt ở xã Hòa Hiệp Trung.

Tôi đến thăm Trường tiểu học số 2 ở xã Hòa Hiệp Nam được xây dựng cách không xa “Bia căm thù” (được dựng lên cách đây mấy chục năm sau vụ thảm sát dân thường của lính Đại Hàn ở Vũng Tàu). Chiều tà, cổng trường im vắng, từng hàng phi lao vi vút thổi, gió mát, phía xa xa sóng biển vỗ bờ. Trẻ con ở đây giờ bình an cắp sách đến trường chứ không phải nơm nớp lo sợ có thể bị bắt đi bất cứ lúc nào, bị giết bất kể khi nào như cách đây 47 năm.

Công viên Hòa bình Hàn - Việt do bạn đọc Tạp chí Hankyoreh 21 (Hàn Quốc) đóng góp, xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 3/2003 nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của cư dân địa phương. Ấn tượng nhất có lẽ là tác phẩm mỹ thuật hoành tráng có bán kính 3,5m, với phần khung bằng bêtông cốt thép và phần tranh hình vuông được lắp ở mỗi mặt 264 bức do các em thiếu nhi dùng vữa màu, gốm màu, những miếng sứ, sành nhỏ, đá cuội… vẽ trên viên gạch nung đất sét. Đây là tác phẩm do các họa sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc, Việt Nam cùng 50 em thiếu nhi có năng khiếu hội họa của Nhà thiếu nhi Phú Yên thực hiện. Tác phẩm “Em vẽ tranh hòa bình” cũng là sáng kiến của Báo Hankyoreh 21 Hàn Quốc nhằm thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết, hòa bình giữa hai dân tộc Việt - Hàn. Tuy nhiên, do xây cách xa khu dân cư và ít được sử dụng, cùng với sự ăn mòn của muối biển nên nhiều hạng mục nhanh chóng xuống cấp.

Trường tiểu học số 2 Hòa Hiệp Nam được xây dựng cách đây 10 năm, kinh phí do Hàn Quốc tài trợ

Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hòa nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi là Bệnh viện Hàn Quốc được xây dựng để phục vụ cho nhân dân vùng bị trực tiếp ảnh hưởng của chiến tranh. Công trình có tổng kinh phí đầu tư trên 15,4 tỉ đồng, trong đó Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ 600.000USD cùng một số trang thiết bị y tế, phần còn lại do tỉnh đầu tư. Giờ người dân ở Hòa Hiệp có bệnh tật, ốm đau không phải mất hơn 20km ra bệnh viện tỉnh.

Theo ông Nguyễn Mười - Bí thư xã Hòa Hiệp Trung thì công viên có quy mô nhỏ, trò chơi thì cũng không có gì. Nó được xây chủ yếu như một biểu tượng của tình đoàn kết Việt - Hàn, trong công viên có ba quả trứng bằng đá mà theo quan niệm của dân tộc Hàn Quốc là biểu tượng của sự đoàn kết, hàn gắn. Còn bệnh viện hoạt động hiệu quả, rất khang trang, phục vụ cho 110.000 dân của huyện Đông Hòa, nhưng hiện nay đội ngũ y, bác sĩ trong bệnh viện còn thiếu, chưa tương xứng với một bệnh viện có quy mô như vậy.

Ngoài ra, ông Mười còn cho biết thêm là, kể từ sau khi hai công trình an sinh xã hội này được xây dựng thì cứ 1 đến 2 năm là có một đoàn người Hàn Quốc ghé đến tham quan, chụp ảnh, tặng quà lưu niệm. Người Hàn Quốc hôm nay đến để gặp nhân chứng, nhìn lại mảnh đất mà thế hệ cha ông họ một thời đến và gây nên nhiều tội lỗi. Sự tạ lỗi dù có muộn mằn thì cũng rất đáng trân trọng.

Liệu rằng, những hỗ trợ kinh phí để xây dựng trường học, công viên, bệnh viện có bù đắp được những mất mát mà lính Đại Hàn đã gây nên trên mảnh đất này? Chắc chắn là không. Nó chỉ là bù đắp phần nào và góp phần hữu hảo, hàn gắn, đoàn kết mà thôi. Giờ đây người dân Hòa Hiệp hằng ngày đều xem phim Hàn. Giới trẻ thì mê các chàng trai, cô gái Hàn sành điệu, đẹp lạ kỳ nhưng các cụ lớn tuổi xem mà vẫn cứ nhắc, hồi chiến tranh, tụi lính Đại Hàn nó xấu chứ có đẹp như bây giờ đâu. Nghe mà lòng thấy cay cay. Nói quên mà có quên được đâu, ký ức vẫn rõ mồn một đấy chứ.

Ngày nay, có lẽ nhiều bạn trẻ ở địa phương sẽ không hề biết về một quá khứ đau thương mà thế hệ ông bà, cha mẹ từng gánh chịu. Những cuộc thảm sát, vây bắt, lập vành đai trắng. Máu và máu đổ tràn bờ ruộng. Nước mắt đổ quá nhiều đến nỗi không thể khóc được nữa. Nó khô quánh. Nỗi đau thân xác có thể lành lặn theo thời gian nhưng nỗi đau trong tim, trong óc thì vẫn âm ỉ.

Giờ đây, nhiều người dân nơi này không muốn nhắc lại hai chữ “Đại Hàn”, vì nó quá kinh hoàng, quá khủng khiếp trong tiếng súng vang rền, bom mìn nổ inh tai, những khẩu đại liên độc ác đã giết đi bao sinh mệnh người thân của họ. Nhưng người ta vẫn xem phim Hàn, gọi Bệnh viện Hàn Quốc, Công viên Hàn Quốc, Trường học Hàn Quốc… để thấy rằng, dân tộc mình có lòng vị tha vô bờ bến. Chính điều này đã làm cho nhà báo Ku Su-joeng cảm thấy vô cùng an ủi. Dù rằng, hơn 40 năm qua, nỗi đau còn đó nhưng khi nhà báo Ku Su-jeong gặp lại các nhân chứng thì cô không thấy bất cứ sự hận thù, hằn học nào mà còn vỗ về, an ủi khi thấy cô khóc.

Hòa bình lập lại năm 1975 nhưng mãi đến ngày 22/12/1992, Việt Nam và Hàn Quốc mới thiết lập quan hệ ngoại giao trở lại. Từ đó đến nay, mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp. Hiện nay, đã có hàng trăm nghìn cô gái Việt Nam đang làm dâu tại Hàn Quốc. Ở Hòa Hiệp cũng có những cô gái xinh đẹp đi lấy chồng Hàn, có người sống hạnh phúc, có người vất vả nhưng qua đó thấy rằng, sự hận thù đã nguôi ngoai theo thời gian.

Chiến tranh, sự tàn sát đã tạo nên những hố ngăn cách trong lòng người nhưng hòa bình, hàn gắn sẽ dần làm mờ các vết thương cho bao người dân vô tội. Dân tộc Hàn Quốc đang hàn gắn mối quan hệ Việt - Hàn, mỗi năm đều có những đoàn người Hàn Quốc quay lại mảnh đất này và khóc. Họ khóc vì lòng vị tha, đôn hậu của dân tộc này trước những tội ác mà cha ông họ đã gây ra.

 

Phóng sự của Thiên Thanh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps