Ba dấu ấn tướng Đồng Sỹ Nguyên ở Trường Sơn

09:57 | 07/04/2019

953 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
10 năm làm Tư lệnh Trường Sơn, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã tạo nên mạng lưới đường chằng chịt khiến Mỹ không thể chặn chi viện từ Bắc vào Nam.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần ngày 4/4/2019 ở tuổi 96. Tham gia cách mạng khi 16 tuổi, cả cuộc đời ông kinh qua nhiều vị trí, nhưng dấu ấn đậm nét nhất là 10 năm làm Tư lệnh Binh đoàn 559 Trường Sơn.

Lúc sinh thời, nhận xét về Đồng Sỹ Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói "đồng chí đã có công lao lớn trong cuộc tổng khởi nghĩa 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, đồng chí có công lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh".

Đề xuất ý tưởng về tuyến đường chi viện là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp là kiến trúc sư, chỉ huy việc thực thi. Hội nghị Trung ương lần thứ 15 năm 1959 đã đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới: "Con đường phát triển của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân". Vì vậy, việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

ba dau an tuong dong sy nguyen o truong son
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Đầu tháng 5/1959, những cán bộ đầu tiên được Bộ Quốc phòng điều về Hà Nội chuẩn bị hành quân mở đường Trường Sơn. "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" này do Thượng tá Võ Bẩm làm đoàn trưởng, Trung tá Nguyễn Thạnh là Chính ủy. Ngày 19/5/1959, đoàn được giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, tổ chức chi viện cho chiến trường miền Nam, thiết lập tuyến hành lang, nối thông liên lạc, vận chuyển gấp một số hàng quân sự thiết yếu theo yêu cầu của chiến trường.

Lúc đầu Đoàn chỉ có Ban chỉ huy đoàn, Đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận xây dựng kho, bao gói, sửa chữa vũ khí, trang bị... Cả đơn vị và cơ quan gồm 500 cán bộ, chiến sĩ. Tháng 6/1959, bộ đội Trường Sơn bắt đầu vượt sông Bến Hải và phân bố các đơn vị vào các binh trạm. Cuối năm 1959, tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn đã được thiết lập và trở thành cầu nối giữa căn cứ miền Bắc với chiến trường miền Nam.

Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đánh giá, trong số các Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thì tướng Đồng Sỹ Nguyên là người để lại dấu ấn đậm nét nhất khi lập nên kỳ tích tổ chức thế trận giao thông liên hoàn. Ông cũng là người "giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn", "kiến trúc sư hệ thống đường hầm màu lam".

"Ông Nguyên là người đề xuất xây dựng binh chủng hợp thành ở Trường Sơn và cùng hàng trăm nghìn chiến sĩ Trường Sơn tạo trận đồ bát quái, cơ động, thần tốc đưa các quân đoàn chủ lực từ Bắc vào giải phóng miền Nam", tướng Sở nói.

Khi tiếp nhận vị trí Tư lệnh Trường Sơn ngày 1/1/1967, Đồng Sỹ Nguyên có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe chia thành 4 binh trạm, việc chi viện vào chiến trường miền Nam còn rất khó khăn vì những trận bom rải thảm của địch và khí hậu khắc nghiệt của Trường Sơn. Mỗi năm, Trường Sơn chỉ có vài tháng khô, các đơn vị vận tải có thể di chuyển, còn lại là mùa mưa với những trận mưa tầm tã làm đường sụt lở, lầy lội trầm trọng. Công binh, thanh niên xung phong phải trần mình suốt ngày đêm khắc phục hậu quả của mưa lũ.

Thế nhưng chỉ 8 năm sau, đến đầu 1975, ông Nguyên đã nói với Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh là "cần bao nhiêu gạo, đạn, xăng và xe chở quân cũng có đủ". Lúc này, chỉ riêng vận tải cơ giới, Trường Sơn có 2 sư đoàn với hơn 10.000 xe.

ba dau an tuong dong sy nguyen o truong son
Tướng Đồng Sỹ Nguyên trong chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971. Ảnh tư liệu

Theo tướng Võ Sở, có kết quả đó vì ngay sau khi nhận nhiệm vụ, ông Nguyên đã cùng các lái xe thực địa từng tuyến đường. Tận mắt quan sát mọi diễn biến "địch đánh, ta sửa ta đi", ông thấy rằng cách này không hiệu quả vì sửa đường mất rất nhiều công sức. Hơn nữa, do chỉ có một con đường mòn nên trong lúc chờ sửa chữa, tất cả xe cộ đều bị đình trệ, có khi cả tháng không chi viện được cho chiến trường.

Rút kinh nghiệm, ông cho rằng muốn làm tốt nhiệm vụ chi viện thì trước hết Đoàn 559 phải có đủ sức chống lại cuộc chiến tranh ngăn chặn do không quân và bộ binh Mỹ thực hiện. Theo đó, phải hiệp đồng binh chủng, bảo vệ tuyến vận tải cơ giới để vừa chi viện, vừa đẩy lui địch trên chiến trường.

"Từ năm 1967, Đoàn 559 được bố trí trận địa pháo phòng không, tên lửa để đối phó với việc ném bom của địch, tạo thành lưới lửa bảo vệ trên đầu đội hình vận tải, không để lái xe đơn độc trên đường; ở dưới, công binh túc trực bên đường, khi địch đánh thì vào hầm trú ẩn, ngưng đánh ra sửa đường; còn bộ binh liên tục mở các chiến dịch đẩy địch ra xa", nguyên Chính uỷ Binh đoàn Trường Sơn kể.

Từ đây, tuyến đường không chỉ mang ý nghĩa là một "đường dây vận tải chi viện" đơn thuần nữa mà đã chuyển thành một chiến trường đúng nghĩa - chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh. Từ thế phòng ngự bị động, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chuyển sang chủ động dùng kế nghi binh, ngụy trang. Mỹ đánh bom trọng điểm, công binh sẽ san lấp chuyển thành hố nghi binh ngụy trang khéo léo, thỉnh thoảng cho xe chạy qua để địch tiếp tục đánh phá.

Địch thích đánh trọng điểm nào, bộ đội Trường Sơn càng tạo điều kiện, "kêu gọi" địch đánh vào đấy. Trong lúc đó, công binh mở thêm 2 tuyến đường song song bên cạnh để đoàn xe tiếp tục lưu thông.

Từ một con đường mòn, đường Trường Sơn dưới thời ông Nguyên đã trở thành một tuyến giao thông chiến lược với cả hệ thống như trận đồ bát quái xuyên rừng rậm. Đó là những con đường ngang dọc chằng chịt mà Mỹ không cách nào ngăn chặn được với 5 trục dọc, 21 trục ngang, tổng chiều dài 20.000 km phủ kín dãy Trường Sơn, cả sườn Đông lẫn sườn Tây, xuyên 3 nước Đông Dương.

Trong đó, có hơn 800 km đường kín, 1.500 đường rải đá, 200 km đường nhựa. Ngoài ra còn có 1.500 km đường dẫn xăng dầu, 1.350 km đường dây cáp thông tin, 3.800 km đường giao liên, 500 km đường sông.

"Mỹ bắn phá đường này thì đội vận tải sẽ đi đường khác, cắt khu vực này đi khu vực khác. Sau chiến dịch đường 9 Nam Lào, Mỹ đã phải khẳng định 'thua Việt Nam rồi' và 'không thể nào chặn được các đoàn xe chi viện từ Bắc vào Nam", ông Sở nói.

Sau chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" 1972, bộ đội Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ trên chiến trường Trường Sơn. Tuyến chi viện trở nên thông suốt và cực kỳ hiệu quả. Lúc cao điểm, trên toàn tuyến có tới 9 sư đoàn trong đó 8 sư đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh quân khu Trường Sơn với 12 vạn binh sĩ, trong đó có hơn một vạn là thanh niên xung phong. Đội quân hùng hậu này không chỉ đảm bảo chi viện thông suốt mà còn là lực lượng dự bị chiến lược để tăng cường cho các chiến dịch.

Sự chuyển mình của Binh đoàn Trường Sơn khiến Mỹ điên cuồng ném bom chặn phá. Chúng đã ném hơn 8 triệu tấn bom trên toàn lãnh thổ Việt Nam nhưng riêng Trường Sơn đã hứng chịu hơn 4 triệu tấn. Thế nhưng, bộ đội Trường Sơn cũng bắn rơi hơn 2.400 máy bay, bằng một nửa số máy bay Mỹ bị Việt Nam bắn rơi. Trường Sơn lúc này không chỉ đơn vị vận tải đơn thuần mà còn là chiến trường đánh địch trên cả 3 nước Đông Dương.

ba dau an tuong dong sy nguyen o truong son
Đoàn xe vận tải hùng hậu trên đường Trường Sơn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh tư liệu.

Để giúp các chiến trường miền Nam nhanh chóng xoay chuyển tình thế, ông Nguyên cũng cùng các chiến sĩ của mình sáng tạo nghệ thuật quân sự cơ giới hoá bộ binh, tạo khả năng cơ động cao, sức đột kích mạnh, đè bẹp các cuộc tấn công của Mỹ.

Từ vận chuyển vật chất phục vụ chiến đấu, lực lượng vận tải Trường Sơn đã tiến lên cơ động các binh đoàn chủ lực, thần tốc vượt hàng nghìn km vào tham gia chiến dịch, đặc biệt là cuộc Tổng tấn công năm 1975. Khi tình huống xuất hiện, bộ đội Trường Sơn cũng trở thành lực lượng cơ động bộ binh chiến đấu tấn công vào sào huyệt kẻ thù.

Vượt qua hơn 733.000 lần máy bay bắn phá với gần 4 triệu tấn bom đạn, trong 16 năm, toàn tuyến đường Trường Sơn đã vận chuyến hơn 1 triệu vật chất, vũ khí vào chiến trường, vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc, 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.

16 năm tuyến đường hoạt động, có 22.000 bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong đã ngã xuống, trên 30.000 người khác nhiễm chất độc da cam, hàng chục nghìn người khác bị thương. Ước tính, cứ 1.000 tấn hàng đưa vào chiến trường trót lọt qua đường Trường Sơn thì có 57 người bị thương, 21 người hy sinh, 25 xe ôtô và 143 tấn hàng bị phá hủy.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (tên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt) tên thật là Nguyễn Hữu Vũ sinh ngày 1/3/1923, tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1939, ông được xét kết nạp Đảng. Năm 1940 ông được cử làm bí thư chi bộ thôn Trung. Ba năm sau, ông bị truy nã phải thoát ly sang Lào, Thái Lan hoạt động. Trở về nước một năm sau đó, ông tham gia chỉ huy kháng chiến ở địa phương, năm 1950 nhận công tác tại cơ quan Tổng cục Chính trị.

Năm 1965, ông được Bộ Chính trị cử vào làm Chính ủy Quân khu 4, sau đó làm Chính ủy Mặt trận Trung - Hạ Lào. Cuối tháng 5/1966, ông nhận quyết định của Bộ Quốc phòng điều vào làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559.

Ông là vị tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn trong thời gian lâu nhất (1967-1975) và là một trong hai vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng. Sau chiến tranh, ông tiếp tục đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng khác như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Phó thủ tướng...

Tên tuổi của ông luôn đi cùng với những kỳ tích như người tổ chức thế trận giao thông liên hoàn, giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn, hệ thống "trận đồ bát quái" ở Trường Sơn... Ông cũng là người đề xuất xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vào năm 1974, khi chiến tranh còn chưa kết thúc.

Theo VnExpress