An toàn sinh học trong chăn nuôi: Báo động đỏ!

07:00 | 27/03/2019

368 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành, đã có gần 35.000 con lợn bị tiêu hủy, chiếm khoảng 0,1% tổng đàn lợn cả nước, Hậu quả đó cho thấy an toàn sinh học trong chăn nuôi đang báo động đỏ. 

Ổ dịch xuất hiện ở đâu?

Tại Hội nghị “Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn an toàn” diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) - cho biết: Tính đến 19 giờ ngày 18/3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 294 xã, 62 huyện thuộc 19 tỉnh, thành phố như: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn… và gần đây nhất là Thừa Thiên - Huế. Đã có gần 35.000 con lợn mắc dịch bị tiêu hủy, chiếm 0,1% tổng đàn lợn cả nước.

bao dong do
Tiêu hủy lợn mắc dịch tả châu Phi ở Thừa Thiên - Huế

Tuy nhiên, điều đáng nói là những ổ dịch tả lợn châu Phi chỉ có ở các hộ chăn nuôi và trang trại quy mô nhỏ, ổ dịch không xuất hiện ở trang trại quy mô nuôi trên 500 con lợn. Đối với trang trại chăn nuôi lớn, muốn tiêu thụ lợn bắt buộc phải qua kiểm dịch thú y. Nhưng đến thời điểm này, Cục Thú y chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ hệ thống thú y về trang trại chăn nuôi lợn lớn có dịch tả lợn châu Phi. Như vậy an toàn sinh học đã được các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn thực hiện triệt để, bảo đảm chất lượng chăn nuôi, thực phẩm. Đây là điều rất quan trọng - ông Long nói.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh chóng, ông Long cho rằng, do ý thức của người chăn nuôi, thương lái kém, không nhận thức đầy đủ về tính chất phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh, chỉ nghĩ đến trục lợi nên biết lợn ốm, lợn chết vẫn vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, khiến dịch bệnh lây lan nhanh và rộng.

Ông Long cho biết thêm: “Vi khuẩn tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi, cho nên có những việc làm rất vô tình, nếp quen của người dân đã trở thành nguyên nhân lây lan bệnh... Qua các kết quả điều tra ổ dịch tại Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, cơ quan thú y nhận thấy các chủ hộ chăn nuôi đã xin thức ăn thừa từ bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn, đem về cho lợn ăn ngay mà không qua xử lý nhiệt, dẫn tới mầm bệnh phát tán ra diện rộng. Chính những điều kiện, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, đan xen trong các khu dân cư cộng với các hộ chăn nuôi không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh đã làm cho bệnh dịch lây lan nhanh”.

Tổ chức chuỗi liên kết chăn nuôi

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia - cho rằng, phải chú trọng an toàn sinh học một cách nghiêm ngặt trong chăn nuôi. Trước hết, giống được chọn phải là con của cặp bố mẹ có năng suất cao, có nguồn gốc rõ ràng và được tiêm phòng đầy đủ. Sau nữa, thức ăn phải đủ hàm lượng dinh dưỡng và được kiểm soát, bảo đảm không bị nấm mốc, ôi thiu. Nước uống cho đàn lợn phải sạch sẽ...

Tuy nhiên, bà Hạnh cũng cho hay, hiện nay người chăn nuôi thực hiện tiêu độc khử trùng chưa đúng khuyến cáo, chưa đúng kỹ thuật nên an toàn sinh học không được bảo đảm. Để đạt được hiệu quả cao trong sát trùng, theo bà Hạnh, người chăn nuôi cần chú ý làm sạch chuồng trại trước khi tiêu độc khử trùng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung do tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, ngành chăn nuôi được dự báo sẽ có nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, không bảo đảm an toàn sinh học.

Nhìn nhận thực tế đó, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) - khẳng định: Áp lực của ngành chăn nuôi trong những năm gần đây rất lớn. Trước đây, khi người dân sử dụng chất cấm, kháng sinh tràn lan trong chăn nuôi thì ngành chăn nuôi chịu áp lực về thị trường tiêu thụ, đến nay lại chịu áp lực về dịch bệnh.

Vì vậy, việc tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết, khép kín là yêu cầu thiết yếu nhằm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường và dịch bệnh. Do đó, cần phải tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết ở tất cả các ngành hàng như thịt lợn, gia cầm, thủy sản, sữa… Không ai giúp người chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm tốt nhất bằng doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp thực hiện kiểm soát nội bộ theo chuỗi rất tốt. Họ chia sẻ, trang bị cho nhau những kiến thức cụ thể, thay đổi kỹ năng, thói quen chăn nuôi theo một tiêu chuẩn chặt chẽ. Thực tế cho thấy, thông qua liên kết chuỗi với sự tham gia của doanh nghiệp, người chăn nuôi đơn lẻ mới có hiểu biết tốt hơn, nâng cao trình độ sản xuất”, ông Dương nói.

GS.TS Phan Thanh Tâm, Đại học Bách Khoa Hà Nội: Để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn, ngành thú y cần tăng cường kiểm soát, kiểm dịch chặt chẽ hơn nữa, có thể phải làm việc tới 200 - 300% công suất. Vì thực tế, thịt lợn chủ yếu tiêu thụ tại các chợ truyền thống, ngay sau khi giết mổ.

Nguyễn Bách