Ai sẽ được vay từ nguồn vốn 9.000 tỷ đồng, lãi suất 4%?

08:43 | 18/11/2023

466 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một nguồn tín dụng khoảng 9.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay theo hướng giá rẻ, với lãi suất khoảng 4-6%/năm, đang được các ngân hàng thương mại chuẩn bị bung ra thị trường.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM, chia sẻ tại hội thảo "Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng" vừa được tổ chức ở TP HCM.

Ai sẽ được vay từ nguồn vốn 9.000 tỷ đồng, lãi suất 4%?
Việc áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng không quá 4%/năm hiện nay mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp để tăng trưởng và phát triển. Trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh TP HCM cho biết các NHTM đang chuẩn bị nguồn vốn 9.000 tỷ đồng, lãi suất vay 4% để cho vay các doanh nghiệp ở các ngành chủ lực của kinh tế. Ảnh minh họa: Agribank

Ông Lệnh đánh giá hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện chính sách tín dụng của NHNN đã và đang tác động đến toàn bộ các doanh nghiệp trong vai trò hỗ trợ theo 2 xu hướng tích cực.

Đối với doanh nghiệp còn khó khăn thì ngân hàng cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ. Đối với doanh nghiệp hoạt động tốt, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, mở rộng và tăng trưởng.

Quá trình hỗ trợ này đặc biệt có ý nghĩa đối với các nhóm ngành là động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... với mức lãi suất chưa đến 4%/năm.

Trước đó, trong bài viết chia sẻ trên DĐDN, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng cho biết, việc áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng không quá 4%/năm hiện nay mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp để tăng trưởng và phát triển. Riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tổng dư nợ cho vay đối với 5 nhóm ngành đạt 195.047 tỷ đồng. Đáng nói, đây là những khoản vay ngắn hạn, lãi suất thấp và vòng quay tín dụng cao (từ 2-3 vòng/năm) nên hiệu quả mang lại là rất lớn, gắn với doanh số cho vay; chu kỳ sản xuất kinh doanh và vòng quay vốn của doanh nghiệp. Hiện có 19.211 khách hàng trên địa bàn được thụ hưởng chính sách này.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm và trong năm 2023, ông Lệnh cho rằng ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, thì rất cần các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.

"Trước mắt cần khai thác tối đa tính chất mùa vụ của dịp tết cổ truyền âm lịch với tinh thần đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp để sản xuất, tiêu dùng cuối năm tăng trưởng tạo hiệu ứng lan tỏa cũng như nền tảng cho tăng trưởng năm 2024", ông nhấn mạnh.

Nói về mối quan hệ tiếp cận tín dụng giữa doanh nghiệp với ngân hàng, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank - khẳng định, thực tế là thanh khoản của một số ngân hàng thương mại rất dồi dào, lãi suất cho vay đã giảm khá nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Theo ông Phương, để không rơi vào khó khăn, doanh nghiệp nên tránh 3 điều: Đầu tiên là không nên mất cân đối tài chính, vốn ròng phải lớn hơn 0, không lấy vốn ngắn hạn để sống trong dài hạn; Tiếp đó là không nên để nợ quá hạn; Thứ ba là vòng quay vốn không dài.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank - chia sẻ, Agribank hướng đến tệp khách hàng đông đảo là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), do đó chia thành nhiều gói hỗ trợ cho vay chuyên biệt. Ông Bách cũng khẳng định "tiêu chí xác định rằng ngân hàng huy động về là để cho vay chứ không thể cất trong két".

Ai sẽ được vay từ nguồn vốn 9.000 tỷ đồng, lãi suất 4%?
Theo HoREA, tín dụng cho bất động sản còn nhiều vướng mắc chính sách, từ tiếp cận đến lãi suất; ngay cả lãi suất cho vay nhà ở xã hội cũng chưa phải là tín dụng ưu đãi. (Ảnh minh họa)

Cũng liên quan đến tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, trong tối ngày 17/11, Hiệp hội Bất động TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản nóng báo cáo về thị trường bất động sản cùng các kiến nghị. Văn bản kiến nghị gửi đến Thủ tướng, NHNN và Bộ Xây dựng có nhiều nội dung, trong đó, về nguồn vốn tín dụng, HoREA đề xuất nhiều tháo gỡ vướng mắc về chính sách tín dụng đối với cácdự án bất động sản, nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội, như: Đề nghị NHNN xem xét hướng dẫn các ngân hàng thương mại về cách hiểu và có thể vận dụng, “nới một chút”các“ điều kiện vay vốn” để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại, người mua nhà, nhà đầu tư được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn trong tình hình thị trường bất động sản vẫn còn đang rất khó khăn hiện nay; Đề nghị NHNN xem xét sửa đổi các Thông tư như 16, 10, 06, 03; và Kiến nghị một số giải pháp về tín dụng để thực hiện Công điện 990/CĐ-TTg và Công điện 993/CĐ-T.Tg, trong đó có nội dung đề xuất sửa đổi dự thảo Luật các tổ chức tín dụng...

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cho biết, trong thời gian qua, dưới sự điều hành chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp của NHNN, hệ thống tín dụng đang có thanh khoản dồi dào, nhưng tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm (tính đến 27/10/2023) chỉ tăng 7,1% so với cuối năm 2022 là rất thấp so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-14% của năm 2023 và còn có gần 1 triệu tỷ đồng tín dụng có thể bơm vào nền kinh tế trong 2 tháng cuối năm 2023, nên các ngân hàng thương mại đang trong tình trạng “tồn kho tiền”. Các kiến nghị sửa đổi vì vậy rất cần được xem xét để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thị trường, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp