Ai làm đau tiếng Việt?

09:41 | 02/11/2021

208 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thế hệ trẻ (và cả người lớn) hay nói/viết sai tiếng Việt. Thế nhưng, một thời gian dài, có trên ba mươi năm, không ai lên tiếng...

Ai làm đau tiếng Việt?” là một cuốn sách thú vị, đầy tâm huyết của tác giả, Tiến sĩ ngôn ngữ học – Hồ Xuân Mai. Lúc đầu, tác giả đặt tên quyển sách này là “Ai ám sát tiếng Việt?”, sau thấy nó dữ dội quá nên đổi thành “Ai giết tiếng Việt?”. Nhưng rồi thấy cũng không ổn. Mục đích của tác giả là cung cấp cho bạn đọc những suy nghĩ về cái sai trong sử dụng tiếng Việt hiện nay và cách khắc phục nó. Như vậy, đối tượng của quyển sách sẽ rất rộng. Với những người làm công tác chuyên môn sâu thì đặt tên như trên không ảnh hưởng gì nhưng với trẻ em thì những từ như vậy không hay lắm. Cho nên, tác giả quyết định chọn một cái tên nghe nhẹ hơn là “Ai làm đau tiếng Việt?”.

Tác giả không trình bày theo chuyên mục nhằm giảm tính hàn lâm của quyển sách. Do đó, người đọc sẽ cảm thấy nội dung của quyển sách rất đời thường, gần gũi, thậm chí là có mình trong đó. Mỗi bài, tác giả nêu ra thực trạng và nguyên nhân của nó. Cuối cùng là cách sửa, cách khắc phục.

Ai làm đau tiếng Việt?
Sách:"Ai làm đau tiếng Việt ?" - Tác giả: Hồ Xuân Mai do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành

Có lẽ chỉ nên xem đây là những bài tập về tiếng Việt - những bài thực hành về tiếng Việt. Tác giả cố gắng trình bày nội dung của mỗi bài và của toàn quyển sách bằng những từ ngữ đơn nghĩa nhất để những em học sinh dễ hiểu, dễ khắc phục còn người lớn, những người làm công tác chuyên môn thì vẫn có thể sử dụng như một tài liệu khoa học về ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Việt, để cùng nhau sửa, cùng nhau làm cho tiếng Việt ngày một trong sáng và đẹp hơn.

Tác giả cho rằng, mỗi người đều có những lúc viết hớ, "nói ngọng" tiếng Việt. Tuy nhiên, đó không phải là bản chất. Những cái sai này chỉ ảnh hưởng tới giao tiếp giữa những người tham gia; hoàn toàn không để lại bất cứ ảnh hưởng nào tới đời sống ngôn ngữ cộng đồng. Nhưng những cơ quan có chức năng bảo vệ, phát triển và truyền bá ngôn ngữ mà sai thì hậu quả sẽ khôn lường.

Thời gian qua, khoảng vài chục năm, rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng viết/nói sai tiếng Việt. Thế nhưng không một cơ quan chức năng nào lên tiếng. Cái sai, như vậy, cứ ung dung tồn tại, lan truyền trong cộng đồng. Tới mức, nhiều người, kể cả những người có trình độ học vấn cao, cũng không nhận ra và còn tiếp tay cho nó.

Theo tác giả, cần sớm có một giải pháp về tiếng Việt, cụ thể là lập pháp ngôn ngữ. Chừng nào luật ngôn ngữ, chưa có sở xử phạt, chừng nào còn buông lỏng tiếng Việt, chừng nào còn tình trạng không ai kiểm soát tiếng Việt, cái sai trong sử dụng tiếng Việt còn tồn tại.

N.Quế